Hỏi chuyện Thẩm phán Trương Việt Toàn về xét xử "đại án" tham nhũng

ANTD.VN - Có thể nói, không mấy người trong lĩnh vực xét xử án từ lại không biết đến Thẩm phán Trương Việt Toàn - Phó Chánh tòa Phụ trách Tòa Hình sự của Tòa án nhân dân (TAND) TP Hà Nội. Đơn giản bởi ông được coi là một Thẩm phán kỳ cựu, thậm chí còn được mệnh danh là “chuyên gia” tham gia các vụ án tham nhũng, thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi.

Thẩm phán Trương Việt Toàn (thứ 2, từ trái sang) trong vụ xét xử bị cáo Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm trong vụ án cố ý làm trái và tham ô tài sản tại PVC từ ngày 8-1 đến ngày 22-1-2018 

Ngồi ghế thẩm phán những vụ án tham nhũng nổi danh

Sinh ra trong một gia đình trí thức Hà Nội, tuổi Sửu (SN 1961) và sau thời gian gắn bó với Tòa án Hoàn Kiếm, Tòa án Gia Lâm, năm 2008, Thẩm phán Trương Việt Toàn chính thức quay trở lại Tòa án Hà Nội với trọng trách của người “cầm cân nảy mực” về lĩnh vực hình sự. Và sau thời gian ngắn làm công tác Giám đốc kiểm tra, Thẩm phán Trương Việt Toàn tiếp tục được giao cho trọng trách trực tiếp xét xử hàng loạt các vụ án tham nhũng kinh tế lớn, thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi mà dư luận quần chúng nhân dân đặc biệt quan tâm.

Những vụ án ấy, khi thì ông được tin tưởng giao giữ quyền Chủ tọa phiên tòa, lúc lại được phân công làm Thẩm phán thứ 2 trong HĐXX gồm 5 thành viên, trong đó có 3 vị Hội thẩm nhân dân. Và dù giữ trọng trách nào, ông cũng đều làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao. Thậm chí với chúng tôi - những người chuyên theo dõi, đưa tin, viết bài về các vụ án được đưa ra xét xử tại tòa, ông luôn là một vị Thẩm phán xuất sắc nhất.

Những vụ án tham nhũng kinh tế lớn gần đây mà Thẩm phán Trương Việt Toàn trực tiếp ngồi ở vị trí xét xử có thể kể đến là vụ án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, hồi cuối tháng 1-2018.

Ở vụ án đó, ngay khi phiên tòa sơ thẩm khép lại, Thẩm phán Trương Việt Toàn đã  trả lời hàng loạt câu hỏi mà phóng viên “pháp đình” đặt ra, xoay quanh vụ án. Ông bảo rằng: “Ở phiên tòa này, các bị cáo đa số đều có chức vụ quyền hạn, từng giữ trọng trách cao trong cơ quan Nhà nước. Chính vì thế, tinh thần trách nhiệm của HĐXX đặc biệt phải nâng cao. Tuy vậy, dù các bị cáo đều từng có chức vụ quyền hạn nhưng mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”. 

“Nhờ việc đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án tham nhũng kinh tế lớn gần đây nên công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã có sức răn đe và phòng ngừa hơn. Đồng thời nó còn góp phần củng cố hơn nữa niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước”.

Thẩm phán Trương Việt Toàn (Phó Chánh tòa Phụ trách Tòa Hình sự,  Tòa án nhân dân TP Hà Nội)

Cũng theo vị Thẩm phán kỳ cựu Tòa án Hà Nội, cá nhân ông cũng như các thành viên trong HĐXX đều không phải chịu áp lực gì, ngoài áp lực về thời gian và khối lượng công việc cần phải giải quyết. Bởi một trong những yêu cầu rất quan trọng ở vụ án Trịnh Xuân Thanh là phải đưa ra xét xử kịp thời. Chính vì thế mà việc nghiên cứu hồ sơ, tài liệu vụ án của ông cùng cộng sự đã phải diễn ra bất kể ngày hay đêm, thứ bảy, chủ nhật hay là ngày nghỉ lễ. 

Không chỉ có vụ án Trịnh Xuân Thanh, bởi ngay sau vụ án này, Thẩm phán Trương Việt Toàn lại lập tức có mặt trong thành phần HĐXX sơ thẩm vụ án Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) cùng đồng phạm về các tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “Tham ô tài sản”, xảy ra tại Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).

Rồi cũng trong năm 2018, không ai khác chính Thẩm phán Trương Việt Toàn lại là người làm Chủ tọa phiên tòa xét xử phúc thẩm hàng loạt cán bộ xã Đồng Tâm, cán bộ huyện Mỹ Đức (Hà Nội) về các tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Khi ấy, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, bởi vụ án này không chỉ đơn thuần là án tham nhũng kinh tế mà nó còn rất dễ bị các phần tử xấu lợi dụng gây mất an ninh trật tự xã hội. 

Xa hơn về trước, năm 2017, Thẩm phán Trương Việt Toàn cũng là một trong năm người “cầm cân nảy mực” ở vụ án Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch Ngân hàng TMCP Đại Dương - Oceanbank) và đồng phạm với nhiều tội danh khác nhau. Năm 2015, cũng chính ông làm chủ tọa phiên xử Phạm Hải Bằng (nguyên Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án đường sắt (RPMU) cùng đồng phạm về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Ngoài ra, còn hàng loạt vụ án tham nhũng kinh tế khác phát sinh từ các “đại án” trong những năm gần đây đều ít nhiều có sự tham gia, đóng góp của Thẩm phán Trương Việt Toàn trong công tác xét xử.     

Mọi việc đều phải khoa học và kỹ lưỡng

Nói riêng về án tham nhũng kinh tế đặc biệt lớn thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi trong năm 2018 tại Hà Nội, vị Thẩm phán kỳ cựu của TAND TP Hà Nội vui mừng chia sẻ: “Tất cả đều được đưa ra xét xử kịp thời, đúng pháp luật; việc tranh tụng tại phiên tòa được bảo đảm. Và hình phạt được áp dụng theo đúng nguyên tắc pháp luật.

Đó là nghiêm khắc đối với những bị cáo chủ mưu, cầm đầu và khoan hồng đối với những bị cáo có vai trò thứ yếu, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải và tích cực khắc phục hậu quả… Các bản án đưa ra đều được dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao”. Thẩm phán Trương Việt Toàn bày tỏ sự tin tưởng: “Nhờ việc đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án tham nhũng kinh tế lớn gần đây nên công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã có sức răn đe và phòng ngừa hơn. Đồng thời nó còn góp phần củng cố hơn nữa niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước”.

Theo Thẩm phán Trương Việt Tòan, điểm nổi bật của các vụ án tham nhũng kinh tế thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi thường là “đại án”, có tính chất đặc biệt nghiêm trọng; các bị cáo thường là những người có chức vụ, quyền hạn, có trình độ, đông bị cáo; xảy ra ở nhiều địa bàn, địa phương khác nhau với thủ đoạn phạm tội rất tinh vi, xảo quyệt…

Do đó, hồ sơ vụ án rất nhiều bút lục với các tài liệu ở nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội khác nhau. Thế nên, để tổ chức xét xử thành công các vụ án này, mọi công việc từ công tác chuẩn bị xét xử, điều hành phiên tòa đến các thủ tục sau phiên tòa đều phải được tiến hành rất khoa học, kỹ lưỡng, bảo đảm đúng quy định của pháp luật. “Năm 2018, cả nước có 10 “đại án” tiêu biểu thì riêng Tòa án Hà Nội đã phải gánh vác tới 5 vụ. Đó thực sự là nhiệm vụ rất nặng nề và trách nhiệm cao cả, song tất cả các thẩm phán, thư ký được phân công giải quyết đều đã hoàn thành rất tốt công việc” - vị Thẩm phán kỳ cựu viện dẫn. 

Tổng kết kinh nghiệm giải quyết các “đại án” tham nhũng tại tòa, Thẩm phán Trương Việt Toàn cho rằng: Thứ nhất, mỗi thẩm phán phải luôn không ngừng tự mình giác ngộ chính trị, tư tưởng và bản lĩnh nghề nghiệp. Thứ hai là công tác chuẩn bị xét xử phải tiến hành thật kỹ lưỡng. Việc nghiên cứu hồ sơ cần được tiến hành theo từng hành vi mà cáo trạng truy tố.

Khi nghiên cứu phải xem xét, đánh giá toàn diện chứng cứ buộc tội và gỡ tội, tội danh cũng như diện truy tố nhằm xác định chính xác tư cách tham gia tố tụng của những người tham gia tố tụng. Ở giai đoạn này, Thẩm phán chủ tọa vừa là người trực tiếp nghiên cứu, vừa là người tổng hợp. Trường hợp hồ sơ có nội dung, vấn đề chưa rõ thì phải nhanh chóng trao đổi với những người, cơ quan tố tụng liên quan hoặc giám định viên, chuyên gia trong lĩnh vực có liên quan. 

Cũng ở giai đoạn này, công tác triệu tập tới phiên tòa phải đặc biệt quan tâm đến quyền của bị can, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác. Tiếp đến là công tác điều hành phiên tòa phải đảm bảo đúng và đầy đủ trình tự, thủ tục; đảm bảo việc tranh tụng tại phiên tòa không hạn chế thời gian của các bị cáo, luật sư cũng như những người tham gia tố tụng khác.

Quá trình xử án phải chủ động cách ly, đối chất khi cần thiết và yêu cầu Kiểm sát viên đối đáp với quan điểm của luật sư bào chữa nhằm bảo đảm nguyên tắc mọi chứng cứ đều phải được thẩm tra công khai tại phiên tòa. Bên cạnh đó cũng cần phải  xác định việc tranh tụng dân chủ chính là một trong những điều kiện để HĐXX ra được bản án đúng pháp luật, thấu tình đạt lý và “tâm phục, khẩu phục”.

Sau cùng mọi phán quyết của HĐXX phải dựa trên cơ sở hồ sơ vụ án và kết quả tranh tụng dân chủ tại phiên tòa. Ngoài phạm vi truy tố nếu có dấu hiệu tội phạm mới hoặc bỏ lọt tội phạm, lọt hành vi phạm tội thì cần khởi tố ngay tại phiên tòa hoặc kiến nghị cơ quan điều tra tiếp tục đấu tranh, làm rõ.