Nhóm đối tượng đòi nợ thuê, bắt giữ người trái pháp luật bị CATP Hà Nội bắt giữ
Điều đáng nói, nguyên nhân những vụ này chủ yếu bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết pháp luật, hoặc “coi trời bằng vung” của đối tượng vi phạm đã vô tình biến “chủ nợ” thành bị can trong các vụ án phức tạp liên quan đến hoạt động giao dịch tiền bạc.
Từ “chủ nợ” thành bị can
Ngày 18-8, Cơ quan CSĐT - CAH Thường Tín, Hà Nội tiếp nhận đơn tố giác tội phạm của anh Trần Văn V (ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) về việc một số đối tượng có hành vi bắt, giam giữ anh Nguyễn Ngọc T (SN 1963, trú ở phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội, bạn anh V), tại trang trại nuôi cá của Nguyễn Văn Quỳnh (SN 1962, ở xã Tân Minh, huyện Thường Tín).
Ngay sau khi tiếp nhận đơn tố giác tội phạm của anh V, Đội CSHS - CAH Thường Tín đã tổ chức điều tra và kết quả bước đầu được làm rõ như sau: do quen biết năm 2016, Vũ Thị Nga (SN 1980, ở thôn Kiều Thị, xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín) đặt vấn đề với anh T nhờ xin cho con trai của Nguyễn Văn Quỳnh làm giáo viên.
Theo thỏa thuận, Nga đã giao cho anh T số tiền 80 triệu đồng, nhưng anh T không xin được việc cho con trai của Quỳnh và cũng không trả lại tiền. Giữa tháng 8-2018, Nga đã tìm được anh T và cùng một số người dùng vũ lực đưa về lều trông cá trong trang trại của Nguyễn Văn Quỳnh để đe dọa đòi lại tiền.
Tại đây, Nga đã giao anh T cho Nguyễn Văn Quỳnh và một số đối tượng khống chế, đánh đập, xích chân không cho trốn thoát. Các đối tượng đã tịch thu điện thoại, không cho nạn nhân liên lạc với ai, đồng thời ép viết giấy vay nợ số tiền 80 triệu đồng. Chiều 17-8, lợi dụng các đối tượng sơ hở, anh T đã tìm cách báo tin cho bạn đề nghị giúp đỡ giải cứu…
Trong một vụ việc khác, ngày 19-8 CAH Thường Tín cho biết, đơn vị đang củng cố hồ sơ, xử lý vụ án "Bắt giữ người trái pháp luật" xảy ra ngày 10-8 tại xã Duyên Thái, huyện Thường Tín.
Khu vực anh H bị Thưởng và đồng bọn đưa về khống chế, ép trả nợ
Trước đó, ngày 10-8, CAH Thường Tín tiếp nhận đơn của anh Trần Ngọc H (SN 1989, ở tỉnh Bình Dương) về việc bị một số đối tượng bắt, giam giữ tại khu vực lều cá trong trang trại của Lưu Quốc Đoàn (SN 1985, trú tại xã Duyên Thái, huyện Thường Tín).
Bước đầu điều tra, CAH Thường Tín làm rõ Nguyễn Mạnh Thưởng (SN 1982, trú tại thôn Thụy Ứng, xã Hòa Bình, huyện Thường Tín) và anh H chung vốn làm ăn. Thưởng đã nhiều lần chuyển tiền cho anh H nhưng chưa nhận được hàng.
Ngày 2-8, Thưởng mời anh H từ Bình Dương ra Hà Nội chơi và đối chiếu số tiền còn nợ. Sau khi đi ăn uống ở một số nơi, ngày 3-8, Thưởng đưa anh H về lều trông cá của Đoàn. Tại đây, Thưởng đã giao anh H cho Đoàn cùng Trần Văn Khánh (SN 1986) giam giữ.
Các đối tượng tịch thu điện thoại di động, không cho anh H liên lạc với ai và không được ra khỏi khu vực lều trông cá. Đồng thời, Thưởng ép anh H phải chuyển 600 triệu đồng qua tài khoản ngân hàng. Đến chiều 10-8, lợi dụng các đối tượng sơ hở, anh H trốn thoát và trình báo cơ quan công an.
Bài học đắt giá
Theo Cơ quan CSĐT - CAH Thường tín, đơn vị này đã khởi tố vụ án, tạm giam đối với một số bị can liên quan đến hai vụ việc trên, đồng thời truy bắt các đối tượng khác đang lẩn trốn để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Phân tích dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Ngọc Hoàng, Trưởng Văn phòng luật sư (VPLS) Long Tâm (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, đối với hành vi của một số đối tượng liên quan đến các vụ việc trên, cơ quan CSĐT khởi tố vụ án “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản” và khởi tố bị can đối với các cá nhân có liên quan để xử lý nghiêm trước pháp luật về hành vi “Bắt cóc, có tổ chức” và “Chiếm đoạt tài sản mức trên 500 triệu đồng” theo tội danh quy định tại Khoản 4, Điều 169 BLHS 2015, với khung hình phạt tù có thể từ “15 năm đến 20 năm hoặc chung thân”.
“Với tinh thần “Thượng tôn pháp luật”, trong xã hội bất kỳ một tranh chấp quan hệ dân sự, kinh tế nào khi hai bên không thể thương lượng, đàm phán được với nhau thì các bên chỉ có quyền yêu cầu cơ quan pháp luật có thẩm quyền giải quyết, chứ không thể hành xử với nhau theo kiểu “luật rừng” như trên”, Luật sư Lê Ngọc Hoàng nói.
Nhiều hung khí được lực lượng chức năng CATP Hà Nội thu giữ của các đối tượng liên quan trong các vụ đòi nợ thuê, bắt giữ người trái pháp luật
Quan điểm của chỉ huy Phòng CSHS - CATP Hà Nội, trong các vụ “Bắt giữ người trái pháp luật”, điều lo ngại nhất khi tiếp nhận thông tin vụ án là việc đảm bảo an toàn cho tính mạng của các "con tin". Tuy nhiên, qua các vụ “Bắt giữ người trái pháp luật” được lực lượng CATP Hà Nội khám phá gần đây cho thấy, không ít vụ nguyên nhân xuất phát từ quan hệ làm ăn, nhờ vả nhau xin việc chứ không hẳn từ việc thuê đối tượng côn đồ đòi nợ và thậm chí đối tượng “đầu vụ” là những công dân hiền lành chất phác.
“Khi hai bên không tìm thấy tiếng nói chung và không thực hiện đúng như cam kết trong những mối quan hệ giao dịch tiền bạc ngoài khuôn khổ pháp luật, người bị hại nôn nóng muốn đòi lại tiền, tài sản của mình nên đã dùng các biện pháp “mạnh”. Nguyên nhân của một trong các vụ việc trên cũng là do người bị hại nhận thức về pháp luật còn rất mơ hồ... và có thể thấy họ là những người làm ăn chân chất, chứ không phải trong diện côn đồ lưu manh. Tuy nhiên, do nhận thức pháp luật còn hạn chế, dẫn đến có những hành vi đi quá giới hạn pháp luật cho phép, đã vô tình đẩy mình từ bị hại thành bị can”, một chuyên gia trong lĩnh vực điều tra tội phạm hình sự chia sẻ.
Theo Luật sư Vi Văn Diện, Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiên Minh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, trước sự phát triển của xã hội, nhiều vụ việc đòi nợ thuê, bắt cóc “con nợ” diễn ra khá phổ biến và đây được coi là hệ lụy từ những mối quan hệ giao dịch tiền bạc ngoài khuôn khổ luật pháp. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng giống nhau và thậm chí có những vụ rơi vào tình huống dở khóc, dở cười vì những nhận thức về pháp luật. Do vậy, ngoài hình thức quản lý, xử lý nghiêm của cơ quan thực thi pháp luật đối với loại tội phạm này, cơ quan chức năng cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật đến người dân. Nhiều phiên tòa cần được xét xử lưu động để người dân hiểu và nâng cao hơn nhận thức pháp luật, giảm thiểu những vụ phạm pháp không đáng có.