Hệ lụy đằng sau những cuộc mua, bán giấy tờ từ các hiệu cầm đồ

ANTD.VN - Chỉ cần ai đó bỏ ra vài trăm nghìn hay vài triệu đồng là có thể sở hữu một tấm chứng minh nhân dân (CMND) mang tên người khác từ một số hiệu cầm đồ. Thậm chí, những loại văn bằng, chứng chỉ, giấy phép lái xe (GPLX)... đều được bán công khai tại một số hiệu cầm đồ nếu như khách có nhu cầu.

Rất dễ dàng mua được CMND của khách bỏ lại từ một số hiệu cầm đồ

“Cái gì cũng... có!”

Thời gian qua, tình trạng các đối tượng xấu sử dụng CMND của người khác để làm thẻ ATM, nhằm thực hiện hành vi lừa đảo diễn ra khá phổ biến. Không những thế, các đối tượng còn sử dụng CMND để lập công ty hoạt động phạm pháp như mua, bán trái phép hóa đơn GTGT hay nhằm thay tên, đổi họ, che giấu thân phận thật khi đang vướng vào lao lý.

Ngày 20-12, phóng viên Báo ANTĐ trong vai người muốn mua một số giấy tờ của khách cầm cố, bỏ lại tại một số hiệu cầm đồ trên phố Bạch Mai, Trương Định (quận Hai Bà Trưng), đường Cổ Nhuế (phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm) và ghi nhận đa số các chủ cầm đồ sau vài phút “kiểm tra” thăm dò sẵn sàng đồng ý bán lại. 

Tại hiệu cầm đồ HM, ở Đường Láng, quận Đống Đa, khi phóng viên hỏi mua một số giấy tờ  thì chủ hiệu đã hỏi lại cần nhiều hay ít? số lượng thế nào rồi “phát giá”: CMND 230.000 đồng/cái, còn GPLX khoảng 400.000 đồng/cái. Sau hồi mặc cả, chủ hiệu đồng ý bán mỗi tấm CMND với giá hữu nghị 150.000 đồng.

Tại một cửa hiệu cầm đồ khác mang tên HT trên phố Đường Láng, ông Th. (chủ hiệu cầm đồ) cho biết, ở đây giấy tờ gì cũng có. Muốn mua nhiều hay ít, với CMND thì 200.000 đồng, những loại khác thì tùy, như bằng Đại học tốt nghiệp loại giỏi, hay chứng chỉ “đẹp” có giá lên tới cả chục triệu đồng.

Góc khuất ở hiệu cầm đồ

Theo ông Th. có những loại giấy tờ được người đến cầm cố kèm theo tài sản bắt buộc. Có khách chỉ cầm giấy tờ không với giá thấp nên khi khách bỏ, cửa hàng bán lại cho người cần vẫn được giá. Chính vì thế, các loại giấy tờ CMND, GPLX hay chứng chỉ, bằng cấp ở các hiệu cầm đồ cái gì cũng có...

Việc các hiệu cầm đồ mạo hiểm cầm cố, nhận thế chấp các loại giấy tờ có vẻ là dịch vụ hái ra tiền. Tuy nhiên, góc khuất trong dịch vụ này nhiều khi cũng rơi vào bẫy rủi ro, tạo điều kiện cho kẻ xấu phạm pháp.

Nhiều giấy tờ, CMND được các đối tượng làm giả, cầm cố hay làm phương tiện phạm pháp

Thời gian vừa qua, cơ quan chức năng đã triệt phá, bắt giữ nhiều đối tượng lập công ty để mua bán hóa đơn GTGT với số tiền vài trăm tỷ đồng, thậm chí lên tới cả nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, một số vụ thông qua hình thức mua CMND làm thẻ ATM mang tên người khác để giao dịch, lừa đảo.

Trong quá trình điều tra cho thấy, ngoài việc mua lại rồi “hồi sinh” các công ty chết yểu về kinh doanh thì các đối tượng còn đến các cửa hiệu cầm đồ mua lại các giấy tờ như: CMND, bằng cấp, chứng chỉ, GPLX về lập công ty “dựng” những người này lên làm giám đốc để hoạt động phạm pháp. Bởi việc mua, bán các loại giấy tờ trên rất dễ dàng. Người bán hoàn toàn không quan tâm đến việc người mua sử dụng loại giấy tờ này vào mục đích gì nên cứ được giá là... bán!

Trong một tình huống khác, mới đây, CAP Trương Định, quận Hai Bà Trưng, phối hợp với đội nghiệp vụ CAQ tiến hành thụ lý vụ làm giả giấy tờ, tài liệu để mang đi thế chấp tại các hiệu cầm đồ. Chỉ riêng mỗi một tấm thẻ sinh viên, H. có thể vay tới vài triệu đồng.

Cụ thể, để có tiền ăn tiêu, Nguyễn Duy H. sinh viên năm cuối một trường đại học trên địa bàn TP Hà Nội đã lên mạng và thuê Nguyễn Thu P. (SN 1992, quê Quảng Ninh) làm thẻ sinh viên giả để đi cầm cố.

Theo lời khai của H., mỗi thẻ sinh viên thuê P. làm với giá 200.000 đồng nhưng sau đó mang ra hiệu cầm đồ “cắm” được 2-3 triệu đồng. Sở dĩ dù chỉ là thẻ sinh viên nhưng cắm được một số tiền lớn vì H. là sinh viên thật. Khi vào mạng đánh các mã số đều hiện thị H. hiện đang là sinh viên trường đại học M. nên nhiều hiệu cầm đồ tin tưởng đồng ý cầm thẻ sinh viên của H. Chỉ trong một thời gian ngắn, H. thuê P. làm giả cả chục chiếc thẻ sinh viên mang tên mình để đi cầm cố.

Theo một điều tra viên CAQ Hai Bà Trưng cho biết, việc mua bán những giấy tờ như trên quá dễ dàng nên các đối tượng phạm tội luôn nhắm tới. Bởi với những tấm CMND mua được từ các hiệu cầm đồ, đối tượng xấu có thể tách ảnh, chèn ảnh rồi sử dụng thiết bị ép lại đi làm thẻ ATM dưới một lý lịch khác và trở thành công cụ nhận, chuyển, rút và chiếm đoạt tiền lừa đảo của nhiều người bị hại.

Luật sư Vũ Quang Vượng - Giám đốc Công ty Luật TNHH Quang Vượng (Đoàn LSTP Hà Nội) cho biết, theo quy định tại khoản 3 Điều 9 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, người có hành vi sử dụng CMND của người khác để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật; tẩy xóa, sửa chữa CMND; thuê, mượn hoặc cho người khác thuê, mượn CMND để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật sẽ bị phạt 1-2 triệu đồng. Đối với người có hành vi làm giả CMND; sử dụng CMND giả sẽ bị phạt 2-4 triệu đồng.

Còn tại khoản 1, Điều 267 BLHS sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ 5 đến 50 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm...