Hàng nghìn người là ‘con nợ" của 5 công ty tài chính cho vay lãi suất gần 200%/năm

ANTD.VN - Như Báo ANTĐ thông tin, đầu tháng 1-2019, CQĐT Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với 4 đối tượng trong đường dây "tín dụng đen" núp bóng dưới mác Công ty dịch vụ tài chính về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Các đối tượng này là quản lý, nhân viên các chi nhánh của công ty TNHH dịch vụ tài chính Đại Tín, gồm: Phạm Văn Hùng (30 tuổi); Nguyễn Văn Cương (26 tuổi); Trịnh Thị Châm Anh (25 tuổi); Lê Văn Thọ (34 tuổi).

Trước đó, CQĐT đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Cao Xuân Thu - Giám đốc Công ty dịch vụ tài chính Đại Tín; Đỗ Nguyễn Minh Tân (kế toán công ty Đại Tín); Lê Phú Lượng (Trưởng chi nhánh Công ty TNHH Trường Cửu, địa chỉ ở đường Tống Duy Tân, phường Bắc Sơn, TP Sầm Sơn); Đỗ Văn Thái (là quản lý điều hành chi nhánh Công ty TNHH Trường Cửu), để điều tra về hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự.

Ban chuyên án khám xét một điểm kinh doanh tín dụng

Một đối tượng khác bị khởi tố điều tra về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy, là Trương Đình Tâm (nhân viên công ty dịch vụ tài chính Thương Tín).

Những động thái tố tụng hết sức quyết liệt này nằm trong chuyên án do các lực lượng Công an tỉnh Thanh Hóa đồng triển khai từ cuối tháng 12-2018, theo chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh. Cụ thể, ban chuyên án đã khám xét 32 địa điểm của 5 công ty tài chính có biểu hiện “tín dụng đen” tại  14 huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Quá trình khám xét, ban chuyên án đã tạm giữ nhiều tài liệu có liên quan đến các hoạt động vay tiền, tín dụng bất hợp pháp; nhiều Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép kinh doanh, đăng ký xe mô tô, chứng minh nhân dân; 1 quả lựu đạn, 90 vỏ đạn súng quân dụng, 1 bình bơm khí bóng cười, 1 dùi cui điện, 20 dao, lê, kiếm các loại, và hơn 1,5 tỷ đồng...

Giao dịch hàng tỷ đồng qua các chi nhánh “chân rết”

Theo tài liệu điều tra, Cao Xuân Thu được đối tượng Đ.T.Đ thuê làm Giám đốc công ty dịch vụ tài chính Đại Tín với mức lương 10 triệu đồng/ tháng. Thu chịu trách nhiệm điều hành 12 chi nhánh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, cùng với các kế toán hàng ngày, cuối tháng kiểm tra chốt số tiền vay và thu lãi. Các khách hàng đến đều được Thu chỉ đạo nhân viên cho vay tiền với lãi suất từ 3.000 đồng đến 5.000 đồng/1 triệu/1 ngày và làm thủ tục mua bán tài sản, sau đó cho thuê lại.

Bước đầu, CQĐT xác định được từ năm 2016 đến nay, công ty Đại Tín đã cho trên 4.000 người vay với tổng số tiền hơn 47 tỷ đồng; số tiền lãi thu về hơn 13 tỷ đồng với lãi suất trung bình từ 110% đến 182,5%/năm.

Một số đối tượng bị CQĐT khởi tố

Về hoạt động của công ty TNHH Trường Cửu; được thành lập từ năm 2016, do Nguyễn Duy Minh (30 tuổi), làm Giám đốc. Công ty này ban đầu có 13 chi nhánh hoạt động kinh doanh dịch vụ tài chính và cầm đồ. Đến đầu năm 2018, công ty rút lại còn 8 chi nhánh, và mỗi chi nhánh, Minh đều thuê người phụ trách. Làm việc tại cơ quan Công an, Nguyễn Duy Minh cho rằng anh ta chỉ điều hành chính ở công ty, đầu tư cho các chi nhánh tiền gốc với lãi suất 1.000 đồng/triệu đồng đến 1.5000 đồng/triệu đồng/ngày; còn các trưởng chi nhánh tự cho vay, tự hạch toán, lãi suất bao nhiêu Minh không biết.

Tuy nhiên, các trưởng chi nhánh của công ty đều khai báo mọi hoạt động đều do Nguyễn Duy Minh điều hành. Khi khách hàng đến vay tiền thì đều làm hợp đồng mua bán, thuê xe với mức lãi suất 3.000 đồng đến 5.000 đồng/1 triệu đồng/1 ngày. Cuối tháng, họ nộp lại hết số tiền lãi cho Minh.

Qua thu thập tài liệu sổ sách, lực lượng chức năng làm rõ có gần 2.700 người đã vay của công ty Trường Cửu tổng số tiền hơn 25 tỷ đồng, với số tiền lãi thu về hơn 9 tỷ đồng.

Một doanh nghiệp khác nằm trong chuyên án, là Công ty TNHH dịch vụ tài chính Thương Tín. CQĐT xác định doanh nghiệp này thành lập năm 2017. Quá trình hoạt động, thông qua 6 chi nhánh và hình thức “vay thăm” với số tiền cho vay từ 10 triệu đồng đến 60 triệu đồng/1 “bát thăm”; khách hàng vay 10 triệu đồng sẽ chỉ nhận được 8 triệu đồng và bị cắt lại 2 triệu đồng tiền lãi, đồng thời phải đóng tiền vay mỗi ngày 200.000 đồng trong vòng 50 ngày. Qua thu thập tài liệu, CQĐT xác định đã có 90 người vay của công ty Thương Tín tổng số tiền hơn 2,7 tỷ đồng.

Những trò bẩn siết nợ, đòi tiền

Thủ đoạn hoạt động của các công ty trên thường là ép buộc, thỏa thuận với người vay viết giấy không ghi lãi suất hoặc tìm cách thu lại các giấy tờ liên quan, chuyển hóa hoạt động cho vay nợ bằng hình thức mua bán, thế chấp tài sản có công chứng hợp pháp hoặc yêu cầu người vay viết giấy nhận tiền để lo công việc nhằm chuyển hướng sang giao dịch dân sự, gây khó khăn trong công tác điều tra, xử lý.

Mặt khác, khi người vay mất khả năng chi trả số tiền vay, tiền lãi thì nhóm đối tượng này sử dụng nhiều biện pháp tiêu cực để đòi nợ như: đe dọa, ném chất bẩn, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật…

Dù thủ đoạn các đối tượng vừa tinh vi, vừa trắng trợn như vậy nhưng việc xử lý chúng trước pháp luật gặp rất nhiều khó khăn bởi các bị hại, người vay tiền thường thiếu hiểu biết, sơ hở khi ký các hợp đồng vay tiền. Bên cạnh đó, có nhiều người vay vào mục đích đánh bạc, buôn lậu… nên khi bị đe dọa đòi nợ không dám trình báo cơ quan Công an.

Một trong những nạn nhân của “tín dụng đen” là chị Nguyễn Thị Hoa, trú ở huyện Quảng Xương. Đầu năm 2018, do cần tiền làm ăn, chị Hoa vay của Công ty Đại Tín 30 triệu đồng với lãi suất 5.000 đồng/1 triệu đồng/ngày. Theo quy định, 10 ngày chị Hoa phải trả lãi 1 lần là 1,5 triệu đồng.

Tuy nhiên, có những thời điểm đến hạn nhưng chưa có tiền trả, lập tức số nợ của chị Hoa bị nâng lên rất nhanh do cộng lãi vào gốc và phạt chậm trả.

Cuối tháng 6-2018, chị Hoa vay mượn nhiều nơi để trả đủ cả gốc và lãi, nhưng khi đến, phía công ty Đại Tín cố ý không cho gặp, và thực chất, đó là phương thức kéo dài việc vay nợ để phạt và thu lãi cao của các đối tượng.

Cho đến khi gặp được giám đốc thì số tiền của chị Hoa đã tăng vọt ngoài khả năng chi trả; tính đến tháng 12-2018, chị Hoa đã trả cho công ty Đại Tín gần 100 triệu đồng nhưng… vẫn còn nợ tiền gốc chưa trả được.

Theo thông tin của PV, chuyên án đang được Công an tỉnh Thanh Hóa quyết liệt mở rộng điều tra theo manh mối mới: cả 5 công ty nêu trên đều là "sân sau" của các đối tượng hình sự trên địa bàn tỉnh. Sau hàng loạt các vụ thanh toán nhau, đòi nợ thuê, gây thương tích…, bị bắt, thụ án và ra tù, số đối tượng cầm đầu giấu mặt này hoạt động tinh vi hơn, lập ra các công ty dịch vụ tài chính, thuê người làm giám đốc, tuyển nhân viên là những đối tượng hình sự để quản lý, điều hành. Những hành vi, tính chất phạm tội ấy sẽ bị lực lượng Công an đấu tranh làm rõ, xử lý nghiêm trước pháp luật.