Hạn chế trong công tác giải quyết khiếu kiện giám đốc thẩm và tái thẩm
(ANTĐ) - Báo cáo mới đây của TANDTC cho thấy, trong năm qua, tình hình khiếu kiện về tư pháp diễn ra khá phức tạp, đặc biệt là tình trạng đề nghị xem xét lại các bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.
Trong số các đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đã thụ lý, đơn khiếu nại các bản án, quyết định về dân sự chiếm khoảng 55%, tập trung nhiều vào các tranh chấp về nhà đất, thừa kế tài sản, hôn nhân và gia đình; gần 40% đơn khiếu nại các bản án, quyết định về hình sự; khiếu nại các bản án, quyết định về kinh doanh thương mại, lao động, hành chính chiếm khoảng 5%.
Mặc dù số đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm là rất lớn, nhưng các đơn vị chức năng trong toàn ngành, đặc biệt là các tòa chuyên trách thuộc TANDTC đã có nhiều cố gắng nên phần lớn đơn này được xem xét, giải quyết, tăng hơn cùng kỳ năm trước 160 vụ. Tuy nhiên, nhiều đơn vẫn chưa được giải quyết kịp thời, thủ tục, trình tự giải quyết đơn còn chưa khoa học. Việc trả lời đơn cho đương sự trong một số trường hợp lập luận thiếu thuyết phục dẫn tới đương sự tiếp tục khiếu kiện làm cho việc giải quyết kéo dài, thậm chí gây bức xúc. Hiện 43 trường hợp các tòa chuyên trách của TANDTC trả lời không có căn cứ kháng nghị nhưng sau đó Chánh án TANDTC hoặc Viện trưởng VKSNDTC đã kháng nghị để giải quyết theo trình tự giám đốc thẩm. Đây là một vấn đề cần rút kinh nghiệm nghiêm túc.
Bên cạnh đó, những đơn vừa đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, vừa tố cáo cán bộ, công chức nhưng chưa đưa ra được những căn cứ xác đáng nên mới chỉ giải quyết được phần đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Như vậy, có thể nói là chưa giải quyết triệt để những yêu cầu của đương sự. Đây là một trong những nội dung cần thiết cần chấn chỉnh trong thời gian tới, đảm bảo quyền khiếu nại, tố cáo của công dân và bảo vệ uy tín của cơ quan thừa hành pháp luật.
Phương Ly