“Đại án” tham nhũng tại Ngân hàng TMCP Đại Dương:

Hà Văn Thắm nhượng bộ, đồng phạm đút túi gần 70 tỷ đồng

ANTD.VN - Trong chuỗi hành vi tội phạm của Hà Văn Thắm cùng đồng phạm thì Nguyễn Xuân Sơn được xếp ngay ở vị trí thứ 2. Và với những gì gây ra ở vụ án này, cựu Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) thể hiện rõ là một “chuyên gia kinh tế bất chính”.

Chủ tịch HĐQT phải nhượng bộ…

Với kết luận vụ án của CQĐT - Bộ Công an, Nguyễn Xuân Sơn (SN 1962, trú ở Khu đô thị Nam Thăng Long, Tây Hồ Hà Nội) bị đề nghị truy tố về các tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, theo Điều 281 và tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại Điều 165 - BLHS.

Kết quả điều tra đã chứng minh, cuối năm 2008, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) ký thỏa thuận với OceanBank để trở thành cổ đông lớn và đối tác chiến lược của ngân hàng này. Theo đó, sau khi đóng góp 20% vốn điều lệ, PVN cử Nguyễn Xuân Sơn làm thành viên HĐQT và làm Tổng giám đốc OceanBank. Trong khi ấy, Hà Văn Thắm giữ chức Chủ tịch HĐQT.

“Chân ướt chân ráo” sang làm quản lý tổ chức tín dụng, đầu năm 2009, Sơn đề nghị Thắm phải đáp ứng 2 vấn đề cho mình. Thứ nhất, OceanBank phải chi cho Sơn ngoài lãi suất tiền gửi quy định trong hợp đồng với mức trên, dưới 1% / năm / tổng số tiền gửi. Đổi lại, đại diện PVN có trách nhiệm kêu gọi và huy động vốn từ nhóm khách hàng dầu khí.

Bộ đôi Hà Văn Thắm và Nguyễn Xuân Sơn khi chưa bị bắt giữ

Theo Sơn, tính cả chi phí lãi suất ngoài hợp đồng thì lãi suất ở OceanBank vẫn thấp hơn lãi suất ở một số ngân hàng thương mại khác. Thứ hai, quá trình quản lý, điều hành ngân hàng, Thắm phải để Sơn được toàn quyền quyết định việc chi phí mà không cần trao đổi chi tiết để đối tượng được chủ động.

Về phần mình, Hà Văn Thắm thấy rằng thời điểm PVN trở thành đối tác chiến lược thì OceanBank chỉ là một ngân hàng vừa mới được chuyển đổi từ một ngân hàng nông thôn, quy mô  nhỏ và khả năng cạnh tranh thấp trong việc huy động vốn. Do đó, dù không muốn nhưng Chủ tịch HĐQT OceanBank vẫn buộc phải chấp nhận “yêu sách” của Sơn.

Bàn về nguồn tiền tiêu cực, Sơn hiến kế cho Thắm sẽ thu phí của khách hàng vay vốn sản xuất kinh doanh và khách hàng mua ngoại tệ của OceanBank. Và để hợp thức hóa về mặt thủ tục cũng như “lách luật”, Sơn đề xuất Thắm sẽ thông qua bên thứ 3 là một công ty làm dịch vụ.

Dùng pháp nhân để “gột” tiền

Với động cơ tư túi cá nhân nêu trên của Nguyễn Xuân Sơn, tháng 3-2009, Hà Văn Thắm quyết định thay đổi đăng ký kinh doanh đối với Công ty CP BSC Việt Nam (gọi tắt là Công ty BSC), khi bổ sung thêm các ngành nghề kinh doanh mới là dịch vụ định giá bất động sản, tư vấn bất động sản và dịch vụ đấu giá, quảng cáo, quản lý bất động sản.

Trước đó, Công ty BSC đã được thành lập từ đầu năm 2008 với 5 cổ đông góp vốn. Tuy nhiên, trên thực tế cả 5 cổ đông đều chỉ là danh nghĩa bởi tất cả tiền vốn cũng như mọi hoạt động của doanh nghiệp đều nằm trong sự điều hành, quản lý của Thắm. Ngoài ra, cùng với việc bổ sung ngành nghề kinh doanh, cựu Chủ tịch HĐQT OceanBank còn thay đổi một số thành viên của Công ty BSC để bảo đảm sự tin cậy.

Triển khai kế hoạch “nặn tiền” của khách hàng, Thắm chỉ đạo và giao Nguyễn Văn Hoàn (cựu Phó tổng Giám đốc OceanBank phụ trách tín dụng) thực hiện việc thu tiền chênh lệch lãi suất thông qua Công ty BSC. Trong khi đó, Sơn giao Nguyễn Thị Minh Thu (Phó tổng Giám đốc OceanBank phụ trách khối nguồn vốn) thu tiền chênh lệch đối với tỷ giá ngoại tệ bán ra.

Trên cơ sở đó, quá trình kinh doanh tiền tệ, khối kinh doanh và các chi nhánh của OceanBank đã phân công cán bộ đàm phán với khách hàng về mức lãi suất cho vay hoặc tỷ giá ngoại tệ bán ra. Sau đó, các cán bộ này lập các hợp đồng tín dụng với mức lãi suất thấp hơn lãi suất thỏa thuận (bằng lãi suất niêm yết hoặc lãi suất tối thiểu đã được Hội đồng Tín dụng phê duyệt).

Đối với việc mua bán ngoại tệ cũng tương tự. Về hình thức, OceanBank luôn ký kết các hợp đồng bán ngoại tệ cho khách hàng bằng hoặc thấp hơn tỷ giá do Ngân hàng Nhà nước quy định. Vậy nhưng trên thực tế, khách hàng mua ngoại tệ còn phải trả thêm một khoản tiền theo thỏa thuận với nhân viên OceanBank.

Sau cùng, trước khi được giải ngân từng khoản vay vốn tương ứng hoặc nhận ngoại tệ, hầu hết khách đều phải ký hợp đồng dịch vụ nào đó và trả một khoản tiền cho OceanBank thông qua Công ty BSC. Tài liệu điều tra đã chỉ rõ phần lớn khách hàng vay tiền hoặc mua ngoại tệ của OceanBank đều không cần dùng đến sự tư vấn và bản thân Công ty BSC cũng chẳng tư vấn gì cho khách hàng.

Bằng mánh khóe “gột” tiền nêu trên, từ tháng 5-2009 đến tháng 1-2012, công ty của Hà Văn Thắm đã “ăn không” tổng cộng gần 71 tỷ đồng của khách hàng. Thỏa thuận trước đó giữa 2 cựu lãnh đạo cao nhất của OceanBank còn xác định, số tiền này sẽ chỉ được dùng vào việc chi trả riêng cho Sơn trong việc huy động tiền gửi.

Cũng theo thỏa thuận của Sơn và Thắm, trong trường hợp Công ty BSC chưa thu được phí tư vấn khống thì sẽ phải tạm huy động tiền ở các nguồn khác để Tổng giám đốc OceanBank kịp thời có kinh phí đối ngoại. Và thực tế từ 23-9-2009 đến 3-11-2010, Nguyễn Xuân Sơn đã nhận xấp xỉ 70 tỷ đồng từ Ngân hàng TMCP Đại Dương.

Tại kết luận điều tra vụ án, mặc dù trên hàng chục chứng từ thể hiện Công ty BSC đã hoàn tiền để đại diện OceanBank chi trả “tiền thưởng” cho khách hàng hoặc chi phí tiếp khách, song thực tế gần 70 tỷ đồng nêu trên đều “chảy” hết vào túi cá nhân Nguyễn Xuân Sơn.

Cũng chính vì hành vi tinh vi nêu trên, nên cựu Tổng giám đốc, cựu Chủ tịch HĐQT OceanBank cùng hàng loạt bị can liên quan đã bị đề nghị xử lý về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, theo Điều 281 - BLHS, bên cạnh các tội danh khác.