Giữ nguyên mức án trong vụ cháy quán karaoke khiến 13 người thiệt mạng

ANTD.VN - Sau phiên tòa bị hoãn hồi đầu tháng 8-2018, ngày 12-9, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở lại phiên tòa xét xử phúc thẩm đối với các bị cáo trong vụ cháy quán karaoke, khiến 13 người thiệt mạng.

Phiên tòa phúc thẩm được mở theo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của các bị cáo và kháng cáo đề nghị hủy án sơ thẩm của đại diện các bị hại với lý do vụ án bỏ lọt tội phạm. Tuy nhiên, sau nửa ngày xem xét kháng cáo của các bên, HĐXX phúc thẩm quyết định giữ nguyên các mức án tại bản án sơ thẩm TAND TP Hà Nội.

Cụ thể, bị cáo Nguyễn Diệu Linh (SN 1986, trú ở phường Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội – chủ quán karaoke 68 phố Trần Thái Tông, Cầu Giấy, Hà Nội) bị tuyên phạt 9 năm tù về tội “Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy”.

Cùng tội danh trên, Hoàng Văn Tuấn (SN 1993, ở xã Nghĩa Mai, Nghĩa Đàn, Nghệ An và Lê Thị Thì (tức Lê Thị Thanh, SN 1962, trú ở phường Quỳnh Lôi, Hai Bà Trưng, Hà Nội) đều bị áp dụng mức án 7 năm tù.

Quán Karaoke 68 phố Trần Thái Tông (Cầu Giấy, Hà Nội) thời điểm xảy ra hỏa hoạn. 

Ngoài mức án phạt tù nêu trên, nữ chủ quán karaoke Nguyễn Diệu Linh và đồng phạm còn bị tuyên buộc phải bồi thường thiệt hại về tính mạng cho thân nhân của 13 người xấu số trong vụ án. Đối với thiệt hại tài sản của các hộ gia đình liền kề quán karaoke, các cơ quan tố tụng quyết định tách thành một vụ án dân sự riêng.

Trước đó, theo nội dung bản án sơ thẩm và diễn biến phiên tòa phúc thẩm, Nguyễn Diệu Linh vốn là chủ quán Karaoke 68 phố Trần Thái Tông. Bị cáo nhận thức rõ quán karaoke thuộc danh mục công trình nguy hiểm về cháy nổ.

Dù vậy, trong quá trình thi công lắp đặt, sửa chữa thiết bị tại quán Karaoke số 68 phố Trần Thái Tông , Linh đã không kiểm tra, giám sát. Thậm chí ngày 1-11-2016, trong khi quán chưa đủ điều kiện về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) nhưng nữ chủ quán karaoke này vẫn chỉ đạo nhân viên cho 2 tốp khách vào các phòng 502 và 506 hát karaoke.

Đối với bị cáo Hoàng Văn Tuấn là người trực tiếp gây ra hỏa hoạn khi dùng máy hàn xì “thổi lửa” nhằm tách bản lề cửa ra vào trên tầng 2 của quán Karaoke 68. Bị cáo không nắm được các quy tắc về an toàn lao động và không có chứng chỉ hành nghề.

Tương tự, đối với Lê Thị Thì, các cơ quan tố tụng xác định, nữ  bị cáo này là người sử dụng lao động đối với bị cáo Tuấn. Bị cáo nhận thức rõ hàn xì rất dễ gây ra cháy nổ nhưng đã không có có biện pháp bảo đảm an toàn khi cho người lao động của mình đến thi công tại quán Karaoke 68, phố Trần Thái Tông.

Nữ chủ quán Karaoke 68 Trần Thái Tông  - Nguyễn Diệu Linh (ngoài cùng, bên phải) cùng đồng phạm tại phiên tòa phúc thẩm. 

Quá trình xét xử ở cả 2 cấp tòa cho thấy, ngôi nhà số 68 Trần Thái Tông vốn của ông Trần Văn Lương (SN 1958), trú tại  phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ngày 17-10-2007, UBND quận Cầu Giấy cấp giấy phép xây dựng cho ông Lương được phép xây 4 tầng với tổng diện tích xây dựng 181,35m2. Sau đó, ông Lương xây thành 6 tầng, 1 tum.

Ngày 19-12-2007, UBND quận Cầu Giấy tiếp tục cấp giấy phép điều chỉnh xây dựng cho ông Lương và chủ ngôi nhà đã xây thành 9 tầng 1 tum. Ngày 4-5-2016, Linh ký hợp đồng  thuê căn nhà này của ông Lương, thời hạn 10 năm với giá hơn 155 triệu đồng/tháng để làm trụ sở kinh doanh karaoke.

Tiếp đến, ngày 20-6-2016, UBND quận Cầu Giấy cấp Giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh karaoke cho Linh và ngày 13-10-2016, Cảnh sát PCCC Hà Nội cấp giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về PCCC. Linh sau đó cũng thuê Công ty CP Thương mại kiến trúc nội thất Xanh vẽ lại hiện trạng ngôi nhà để hoàn thiện thủ tục cấp giấy phép an toàn PCCC.

Cùng với đó, chủ quán karaoke thuê Công ty CP Đầu tư Thiện An Phú (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) để thiết kế và thi công PCCC. Hoàn thành hồ sơ thiết kế kỹ thuật PCCC, Linh mang theo hồ sơ cùng với các giấy tờ liên quan nộp đến Cảnh sát PCCC để thẩm duyệt.

Ngày 13-10-2016, Cảnh sát PCCC Hà Nội cấp giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về PCCC cho quán Karaoke 68 phố Trần Thái Tông. Tuy nhiên, nữ chủ quán karaoke đã cho tiến hành thi công từ trước khi được thẩm duyệt thiết kế PCCC.

Cũng theo hồ sơ vụ án, tính đến ngày 31-10-2016, quán Karaoke 68 Trần Thái Tông đã thi công hoàn thiện khoảng 90% khối lượng công trình nhưng đến thời điểm vụ hỏa hoạn xảy ra thì cơ sở kinh doanh này chưa được nghiệm thu về PCCC và Công ty Thiện An Phú thi công đúng theo hồ sơ thiết kế đã được thẩm duyệt.

Mặt khác, theo hồ sơ thiết kế thì ở tầng hai của quán phải lắp cửa thoát hiểm nhưng khi thi công Linh đã không cho lắp đặt. Vách ngăn các phòng theo thiết kế là phải xây bằng gạch nhưng từ tầng 3 đến tầng 6 tòa nhà lại làm bằng khung sắt, ngoài ốp gỗ, giữa chèn nguyên liệu cách âm.

Kết quả điều tra làm rõ, quá trình thi công, Linh nhờ bạn thuê một nhóm thợ trong đó có anh Trương Văn Tuyên (SN 1983, trú ở Thái Bình) để hoàn thiện quán hát. Sáng 1-11-2016, anh Tuyên tìm đến cửa hàng của Lê Thị Thì (ở  phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội) liên hệ và thỏa thuận công việc là hàn các khung sắt ở trần để ốp gỗ.

Đầu giờ chiều cùng ngày, Thì cùng Hoàng Văn Tuấn và anh Lê Văn Viện (thợ hàn sắt của cửa hàng Thì) mang theo máy hàn điện, máy cắt, khoan bên tông đến quán Karaoke 68 để hàn khung sắt. Nhận công việc xong, Tuấn được nhờ dùng máy hàn “thổi lửa” bản lề cánh cửa một phòng hát tại tầng 2 (tầng đang thi công) để nhấc ra.

Và rồi trong lúc Tuấn dùng máy hàn “thổi lửa” vào bản lề cánh cửa ra vào ở tầng 2 thì lửa vảy hàn bắn vào các phần ốp cách âm, gây cháy. Phát hiện có khói, Tuấn dùng tay dập lửa rồi kêu cháy và cùng mọi người lấy nước dập lửa nhưng không có kết quả. Hậu quả là 13 người đang hát karaoke tại quán bị thiệt mạng.

Sau bản án sơ thẩm, cả 3 bị cáo trong vụ án đều lần lượt có đơn kháng cáo đề nghị TAND Cấp cao tại Hà Nội xem xét lại các quyết định tại bản án sơ thẩm, theo hướng giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và giảm bồi thường thiệt hại về dân sự. Ngược lại, một số gia đình bị hại lại đề nghị tòa Cấp cao xem xét xem có bỏ lọt tội phạm hay không.

Thế nhưng sau khi xem xét lại toàn diện nội dung vụ án và bản án sơ thẩm, TAND Cấp cao tại Hà Nội cho rằng không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của các bị áo và cũng không có cơ sở cho thấy vụ án đã bỏ lọt tội phạm. Trên cơ  sở đó, tòa cấp phúc thẩm quyết định giữ nguyên các mức án tại bản án sơ thẩm.