Giữ bình yên trên những tuyến sông

ANTD.VN - Ẩn dưới làn nước tưởng chừng như yên ả của dòng sông Hồng lại là những “sóng ngầm” cuồn cuộn chảy. Nếu như không phải là những đối tượng trốn truy nã, buôn bán ma túy thì đó là những kẻ giết hại lòng sông bằng vòi rồng hút cát.

Cuộc chiến ấy của những người Cảnh sát đường thủy, CATP Hà Nội chưa khi nào ngưng nghỉ. Dù bị bủa vây trong muôn vàn khó khăn, nhưng từng ngày, từng giờ, những người lính Cảnh sát đường thủy vẫn cần mẫn gạn đục, khơi trong, giữ cho những tuyến sông Thủ đô được yên bình.

Giảm nhiệt nơi “đầu sóng”

Hơn 50km tuyến sông, đây là con số không hề nhỏ mà CBCS Đội Cảnh sát đường thủy số 1, Phòng Cảnh sát đường thủy, CATP Hà Nội phải đảm nhận nhiệm vụ giữ gìn ANTT. Trung tá Đỗ Văn Chuẩn, Đội trưởng Đội Cảnh sát đường thủy số 1 khuôn mặt đau đáu, giọng nghẹn lên vì bất bình khi nói về tình trạng khai thác cát trái phép.

Chỉ tay ngược về phía thượng lưu, nơi giao nhau giữa ngã ba sông Hồng chảy xuyên Hà Nội - Phú Thọ, người đội trưởng của đơn vị khẳng định: “Những địa bàn giáp ranh là nơi rất dễ xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép. Chưa hết, nhiều công ty, chủ tàu lợi dụng việc khơi thông luồng lạch cũng đã cắm vòi rồng xuống sông để hút cát trộm. Lợi nhuận khổng lồ từ những khoáng sản nằm dưới đáy sông đã khiến con người ta mờ mắt, sẵn sàng làm những việc vi phạm pháp luật, bất chấp hậu quả tàn phá môi trường”.

Lực lượng Cảnh sát đường thủy, CATP Hà Nội thu giữ hàng trăm phương tiện khai thác cát trái phép trong nhiều năm qua, đảm bảo bình yên trên các tuyến sông Thủ đô

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Giám đốc CATP Hà Nội, Ban chỉ huy Phòng Cảnh sát đường thủy luôn xác định công tác đảm bảo TTATGT, phòng, chống, xử lý nghiêm các hành vi khai thác cát trái phép là nhiệm vụ trọng tâm. Thượng tá Dương Đức Hải, Trưởng Phòng Cảnh sát đường thủy dù mới về nhận nhiệm vụ tại đơn vị chưa lâu, song chẳng có mấy đêm vắng mặt anh tại những điểm “nóng” này. Cách tiếp cận của người đứng đầu Phòng Cảnh sát đường thủy đối với những điểm, vị trí và nghi vấn mang đầy màu sắc hình sự như tính chất phức tạp vốn có của hoạt động khai thác cát trái phép.

Có những đêm thay vì đi xuồng đặc chủng, anh lại một mình phóng ô tô dọc tuyến sông từ thị xã Sơn Tây về đến đê huyện Phú Xuyên, kết thúc đêm tuần tra khi mặt trời vừa ló rạng. Hay giữa màn đêm dày đặc, việc người chỉ huy cao nhất của Phòng Cảng sát đường thủy có mặt trên sông trong các chuyên án đánh cát tặc đã giúp cho CBCS yên tâm, chắc nịch một sự tự tin, đảm bảo cho cuộc “đi săn” thành công ngoài dự kiến.

Trên mặt sông tưởng chừng như yên ả, nhưng phía dưới lại là những cơn sóng ngầm nguy hiểm đối với những người Cảnh sát đường thủy trong trận chiến đấu giữ bình yên trên sông

Thống kê của Phòng Cảnh sát đường thủy cho thấy, chỉ trong năm 2016, đơn vị đã phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện và bắt giữ 153 trường hợp khai thác cát trái phép. Còn tính trong Quý 1/2017, đơn vị đã bắt giữ 35 vụ với 48 phương tiện có hành vi khai thác cát trái phép, sai phép. Trong số này Phòng Cảnh sát đường thủy đã trực tiếp phát hiện và bắt giữ 20 trường hợp với 24 phương tiện vi phạm. Kết quả xử lý vi phạm này của Phòng Cảnh sát đường thủy Hà Nội luôn nằm trong danh sách các đơn vị đứng đầu của Cục CSGT về hiệu quả, sự quyết liệt đối với hành vi khai thác cát trái phép.

Cần đồng bộ và quyết liệt

Những khẳng khái, quyết liệt trong công tác xử lý đối với vi phạm khai thác cát trái phép của lực lượng Cảnh sát đường thủy không chỉ trên thượng nguồn sông Hồng nơi bắt đầu vào địa phận Hà Nội, mà còn xuôi về hạ lưu giáp với khu vực các tỉnh Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định... Kết quả của thái độ sát sao với công việc ấy là đến nay, tình hình khai thác cát trái phép, sai phép trên địa bàn Hà Nội đã cơ bản được giải quyết.

Tuy nhiên, đánh giá của chỉ huy Phòng Cảnh sát đường thủy, tại một số điểm giáp ranh với các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hưng Yên... một số trường hợp đã lợi dụng các công ty được cấp phép khai thác cát dưới lòng sông để hoạt động, gây phức tạp tình hình.

Những chiếc tàu khai thác cát trái phép đã tận thu nguồn tài nguyên khoáng sản của sông Hồng

“Rất khó để phân định rạch ròi đâu là địa phận tỉnh Phú Thọ, đâu là mặt nước thuộc Hà Nội giữa mênh mông sông Hồng. Thậm chí, ngay cả khi các tàu thuyền này đậu ở phía bờ sông bên kia, nhưng có khi “vòi rồng” lại thò sang lòng sông thuộc địa bàn Hà Nội. Phải quyết liệt nhưng cũng đầy khéo léo mới có thể “bắt tận tay day tận trán” những hành vi phá hoại này” - chỉ huy Phòng Cảnh sát đường thủy khẳng định.

Câu chuyện đấu tranh với các trường hợp khai thác cát trái phép của Phòng Cảnh sát đường thủy chưa khi nào có dấu hiệu chững lại. Khi trên mặt sông Hồng thuộc địa bàn Hà Nội lặng yên những  tiếng máy nổ hút cát, thì những người chiến sĩ Cảnh sát đường thủy lại lặng thầm các công việc không tên khác. Ở đâu cũng vậy, muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ thì sự giúp đỡ của người dân là không thể thiếu. Những chuyến thăm nom, tặng quà dù chỉ là ít ỏi nhu yếu phẩm hàng ngày cho các làng vạn chài, xã nghèo ven sông trong thời gian qua, không chỉ đơn thuần là nghĩa cử đẹp, mà còn là cách thức gây dựng cơ sở nối dài cánh tay đảm bảo TTATGT đường thủy của chỉ huy và CBCS Phòng Cảnh sát đường thủy.

Những "đại công trường" đã bị Cảnh sát đường thủy phát hiện, thu giữ ở các vị trí giáp ranh giữa Hà Nội và các tỉnh lân cận

Không ai làm tốt hơn người dân trong công tác đảm bảo TTATGT đường thủy. Trách nhiệm của các cơ quan chức năng có liên quan cũng như chính quyền địa phương cũng phải được phân định rạch ròi. Giao thông đường thủy cũng có những đặc thù riêng, không phải tàu cứ hút cát là có thể “biến mất” ngay.

Các bến bãi tập kết vật liệu xây dựng, hay bến thuyền không phép cũng chẳng phải tự dưng xuất hiện nếu như không có sự buông lỏng quản lý, kiểm tra của chính quyền địa phương, hay cơ quan chức năng các cấp. Với mặc định của không ít người tất cả những gì diễn ra trên sông, xung quanh là trách nhiệm của Cảnh sát đường thủy, thì còn rất lâu nữa, những áp lực, khó khăn trên vai của lực lượng Cảnh sát đường thủy mới được sẻ chia, vơi dần.