Giăng bẫy điện diệt chuột làm chết người, lỗi vô ý hay cố ý?

ANTD.VN - Do bị chuột phá hoại mùa màng, nhiều nông dân đã nghĩ ra cách mua dây kim loại về bao quanh ruộng lúa rồi cắm điện để diệt chuột. Thấy lúa đang chín nhưng bị chuột cắn phá, ông Bùi Văn Đ. (SN 1968) đã bảo con trai đi mua dây chì về giăng bao quanh ruộng lúa. Mỗi khi đêm xuống, cha con ông Đ. đấu trực tiếp điện vào dây chì để diệt chuột. 

Một đêm, tai nạn thương tâm đã xảy ra khi anh Phạm Thanh H. trên đường đi về nhà đã vướng vào bẫy, bị điện giật dẫn đến tử vong. Cũng do bị chuột phá lúa nên vợ chồng ông Hoàng Quốc T. (SN 1966) nảy sinh ý định giăng dây điện diệt chuột. Họ đi giăng dây, sau đó ông T. kêu vợ ra ruộng xem có ai không để mình cắm điện rồi cả hai vợ chồng cùng đứng canh. Hơn 2 tiếng sau, ông T. rút điện ra để kiểm tra thì phát hiện có 8 con chuột bị điện giật chết. Sau đó, ông T. lại tiếp tục cắm điện và ra nằm võng phía ngoài ruộng canh chừng. Khoảng 22h30, ông T. nghe có tiếng kêu nên gọi người trong nhà đóng cầu dao. Sau khi kiểm tra, mọi người phát hiện có một người tử vong do vướng vào dây điện.

Vấn đề đặt ra là trong những trường hợp này những người sử dụng bẫy điện đã phạm lỗi vô ý hay cố ý giết người?

Giăng bẫy điện diệt chuột làm chết người, lỗi vô ý hay cố ý? ảnh 1(Ảnh minh họa)

Ý kiến bạn đọc

Vô ý làm chết người

Những người giăng bẫy điện để giết chuột đã có hành vi vô ý phạm tội. Điều 11, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định khá cụ thể thế nào là vô ý phạm tội. Những người dùng điện để diệt chuột có thể thấy trước hậu quả là sẽ gây ra tai nạn điện giật chết người nhưng họ tin chắc rằng sẽ không có hậu quả xảy ra. Do đó, nên xử lý những người này về tội vô ý làm chết người.

Nguyễn Thị An (Sơn Trà - Đà Nẵng)

Cố ý gián tiếp

Việc gài điện để diệt chuột là hành vi có chủ ý của một người và người đó sẽ thấy trước được hành vi của mình có thể dẫn đến hậu quả chết người. Họ đã thấy trước hậu quả như vậy mà vẫn làm thì phải chịu trách nhiệm về tội giết người. Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng do mục đích, động cơ của những người này chỉ là nhằm diệt chuột nên lỗi của họ chỉ là lỗi cố ý gián tiếp.

Đinh Quốc Bảo (Tam Điệp - Ninh Bình)

Tùy hành vi cụ thể

Đối với những người gài điện diệt chuột, để áp dụng tội gì thì cơ quan tố tụng phải căn cứ vào yếu tố lỗi của người phạm tội mà yếu tố này lại biểu hiện ra bên ngoài bằng những hành vi cụ thể. Nếu người sử dụng điện diệt chuột tin rằng không có hậu quả xảy ra và có sự phòng ngừa trước hậu quả (ở nơi ít người, có cảnh báo, canh gác, lập hàng rào…) thì đó là tội vô ý làm chết người (lỗi vô ý do quá tự tin). Nếu người sử dụng điện để diệt chuột có thái độ bỏ mặc (thiếu canh gác, cảnh báo, rào chắn…) và hậu quả chết người xảy ra thì phải xử tội giết người (lỗi cố ý gián tiếp).

Nguyễn Hoài Sa (Vĩnh Yên - Vĩnh Phúc)

Bình luận của luật sư

Quyền sở hữu của cá nhân, pháp nhân và chủ thể khác được pháp luật công nhận và bảo vệ. Chủ sở hữu có quyền tự bảo vệ, ngăn cản bất kỳ người nào có hành vi xâm phạm quyền sở hữu; truy tìm, đòi lại tài sản bị người khác chiếm hữu, sử dụng, định đoạt không có căn cứ pháp luật. Người chủ có quyền sử dụng nhiều thiết bị, cách thức, phương pháp khác nhau để bảo vệ tài sản. Tuy nhiên, việc mắc điện xung quanh hoặc mắc trực tiếp vào tài sản cần bảo vệ lại không được pháp luật cho phép. Nếu gây thiệt hại đến tính mạng của người khác thì chủ tài sản bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người. Pháp luật nghiêm cấm hành vi mắc điện vào tài sản cần bảo vệ vì cách làm này gây nguy hiểm đến tính mạng người khác và bản thân người phạm tội nhận thức rõ sự nguy hiểm đó. Người phạm tội cũng nhận thức rõ hậu quả có thể xảy ra với bất kỳ ai nếu chạm phải dòng điện chứ không chỉ với kẻ trộm. Trường hợp ai đó hoặc kẻ trộm chạm phải dòng điện nhưng may mắn không chết là nằm ngoài ý thức chủ quan của người vi phạm.

Tính mạng con người là quan trọng nhất. Mọi hành vi tước đoạt tính mạng người khác trái pháp luật đều bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Theo mục 12, Phần I, Công văn số 81/2002/TANDTC ngày 10-6-2002 của Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao “Giải đáp, hướng dẫn các vấn đề về nghiệp vụ”, để xét xử đúng tội cần phải xem xét từng trường hợp cụ thể. Về nguyên tắc, TAND Tối cao hướng dẫn như sau:

Đối với trường hợp sử dụng điện trái phép để chống trộm cắp mà làm chết người thì người phạm tội phải bị xét xử về tội giết người. Đối với trường hợp sử dụng điện trái phép để diệt chuột, chống súc vật phá hoại mùa màng thì cần phân biệt như sau:

- Nếu người sử dụng điện mắc điện ở nơi có nhiều người qua lại (cho dù có làm biển báo hiệu), biết việc mắc điện trong trường hợp này là nguy hiểm đến tính mạng con người, nhưng cứ mắc hoặc có thái độ bỏ mặc cho hậu quả xảy ra và thực tế là có người bị điện giật chết, thì người phạm tội bị xét xử về tội giết người.

- Nếu người sử dụng điện mắc điện ở nơi họ tin rằng không có người qua lại, có sự canh gác cẩn thận, có biển báo nguy hiểm và tin rằng hậu quả chết người không thể xảy ra..., nhưng hậu quả có người bị điện giật chết, thì người phạm tội bị xét xử về tội vô ý làm chết người.

Như vậy, với các quy định trên thì nếu chủ tài sản sử dụng điện trái phép để bảo vệ tài sản (trong đó có việc sử dụng điện để chống trộm) bất luận thuộc trường hợp nào mà làm chết người thì đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tội danh và hình phạt phụ thuộc vào ý thức, động cơ của người phạm tội cũng như mức độ hậu quả đã gây ra.

Nếu hành vi phạm tội của đối tượng trong vụ việc này cho thấy đã sử dụng điện là nguồn nguy hiểm cao độ để phòng chống trộm cắp tài sản, không có cảnh báo an toàn là hành vi gây nguy hiểm đến tính mạng người khác. Dù đối tượng không mong muốn hậu quả chết người xảy ra nhưng có ý thức bỏ mặc hậu quả xảy ra nên lỗi của đối tượng trong trường hợp này là lỗi cố ý gián tiếp được qui định tại khoản 2, Điều 10, Bộ luật Hình sự: “Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra”.

Tuy nhiên trên thực tế, người nông dân chủ yếu bẫy điện diệt chuột ngoài đồng lúa. Bà con có thói quen đi làm về là băng đồng đi tắt, chưa kể có nhiều người mò cua bắt ốc, chích cá… kiếm sống trên đồng ruộng nên hầu như không thể chứng minh yếu tố “mắc điện ở nơi không có người qua lại” để phân biệt tội danh. Mặt khác, hầu hết các trường hợp bẫy điện chống chuột gây chết người đều tin rằng hậu quả sẽ không xảy ra, khi cắm điện đều cắt cử người canh chừng. Chưa kể, vì ít học và lạc hậu, suy nghĩ đơn giản, nhiều nông dân hoàn toàn không để ý đến chuyện làm biển báo nguy hiểm…

Giả sử gặp trường hợp chỉ đáp ứng được một phần các tiêu chí mà Tòa án nhân dân Tối cao đưa ra như mắc điện ở nơi họ tin rằng không có người qua lại, tin rằng hậu quả chết người không thể xảy ra nên không làm biển báo, không canh gác cẩn thận thì xử tội gì? Hoặc mắc điện ở nơi có nhiều người qua lại nhưng có làm biển báo, có thắp đèn sáng, có canh gác cẩn thận, có nói cho mọi người biết, cũng tin rằng hậu quả chết người không thể xảy ra… thì sao?

Trong trường hợp này cần thấy rằng tội vô ý làm chết người khác với tội giết người ở mục đích, động cơ của người phạm tội; đối với tội giết người, thì người phạm tội khi thực hiện hành vi của mình là nhằm mục đích tước đoạt đi sự sống của người khác một cách cố ý. Trong khi đó, tội vô ý làm chết người được thực hiện với lỗi vô ý, có nghĩa là người phạm tội tuy thấy rằng hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra, hoặc có thể ngăn ngừa được. Hoặc cũng có khi người phạm tội không thấy hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người mặc dù phải thấy trước hậu quả.

Luật sư Đoàn Mạnh Hùng (Văn phòng Luật sư Hùng Mạnh)