Giám đốc lập khống hồ sơ chiếm đoạt hơn 43 tỷ đồng

ANTD.VN - Từ kết quả điều tra, ngày 7-8, TAND TP Hà Nội đưa Hồ Hoài Nam (SN 1977, trú ở phường Phương Mai, Đống Đa, Hà Nội) cùng Nguyễn Trung Thành (SN 1980, ở phường 2, quận 3, TP.HCM) lần lượt là nguyên Tổng Giám đốc và Phó Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán Trường Sơn ra xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. 

Giám đốc lập khống hồ sơ chiếm đoạt hơn 43 tỷ đồng ảnh 1Bộ đôi cựu lãnh đạo Công ty TSS tại phiên tòa

Nguyên đơn dân sự trong vụ án là Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa (nay đã sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn - SCB). Nhưng phiên xử đã bị trì hoãn ngay sau phần thủ tục do thiếu vắng nhiều nhân chứng.

Cáo trạng truy tố các bị cáo cho thấy, Công ty CP Chứng khoán Trường Sơn (viết tắt là TSS) thành lập năm 2008 do ông Hoàng Minh Sơn làm Chủ tịch HĐQT, ông Phạm Ngọc Thắng giữ chức Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp và Nguyễn Trung Thành giữ chức Phó Tổng giám đốc. Ngoài TSS, ông Sơn còn là chủ Công ty CP Quốc tế Việt Nam và Công ty CP Đầu tư Việt Nam. Quá trình kinh doanh chứng khoán, TSS huy động vốn bằng cách ký hợp đồng vay vốn của Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa thông qua hình thức vay ứng trước tiền bán chứng khoán niêm yết. 

Theo đó, hai bên thỏa thuận, TSS làm đầu mối tiếp nhận, hướng dẫn khách hàng lập hồ sơ vay vốn. Hồ sơ vay vốn gồm CMND; giấy đề nghị ứng trước tiền bán chứng khoán niêm yết và cam kết hoàn trả; bản chính duy nhất xác nhận kết quả khớp lệnh giao dịch chứng khoán niêm yết và xác nhận giao dịch của TSS.

Ngoài ra, TSS sẽ chịu trách nhiệm về tính pháp lý của hồ sơ vay vốn. Trước 15h hàng ngày, doanh nghiệp về chứng khoán sẽ tập hợp toàn bộ hồ sơ khoản vay gốc của khách hàng để chuyển cho ngân hàng duyệt cho vay vốn.

Về phía ngân hàng thì chịu trách nhiệm thẩm định thông tin, hồ sơ khách hàng, tính số lãi vay và số tiền khách hàng thực nhận. Nếu hồ sơ đầy đủ, ngân hàng sẽ chấp nhận cho vay và chuyển tiền vào tài khoản của TSS ngay trong ngày. Tiếp đến, ngân hàng sẽ gửi lại cho TSS giấy đề nghị ứng trước tiền bán chứng khoán niêm yết có chữ ký khách hàng. Và khi khoản vay đến hạn, ngân hàng có quyền tự động thu hồi nợ gốc, lãi vay và phí của khách hàng từ tài khoản của TSS. 

Với sự thỏa thuận nêu trên và ngày 19-5-2010, sau khi ông Phạm Ngọc Thắng bị miễn nhiệm chức danh Tổng Giám đốc thì ông Hoàng Minh Sơn trở thành người đại diện theo pháp luật doanh nghiệp. Ngay ngày hôm sau, ông Sơn ký quyết định “giao cho Ban Giám đốc thực hiện việc huy động vốn từ ngân hàng dưới hình thức ứng trước tiền bán chứng khoán mang tên cá nhân nhà đầu tư có lệnh bán khớp và cả không có lệnh bán khớp với hạn mức tối đa không quá 50 tỷ đồng”. Ngày 30-7-2010, khi Hồ Hoài Nam được bổ nhiệm chức Tổng Giám đốc TSS, ông Sơn liền giao con dấu công ty, đồng thời ủy quyền cho Nam và Thành ký kết hợp đồng với ngân hàng.

Thực hiện hợp đồng huy động vốn, Nam và Thành đã chỉ đạo hàng loạt nhân viên ký giả chữ ký khách hàng và ký khống vào xác nhận kết quả giao dịch chứng khoán. Bằng cách thức này, từ 31-5-2010 đến ngày 14-9-2011, TSS đã ký 1.628 xác nhận kết quả giao dịch chứng khoán và lập 1.691 bộ hồ sơ mang tên các nhà đầu tư cá nhân.

Trên cơ sở ấy, ngân hàng đã giải ngân cho TSS tổng số tiền lên đến 2.714 tỷ đồng. Tuy nhiên, quá trình điều tra cho thấy có tới 1.558 xác nhận kết quả giao dịch chứng khoán là khống và chỉ có 70 xác nhận là có việc mua bán chứng khoán thật. Trong số này, Thành ký khống 1.204 bộ hồ sơ để vay 1.933 tỷ đồng và Nam ký khống 487 hồ sơ, vay 781,5 tỷ đồng. Vay được số tiền đặc biệt lớn này, bộ đôi lãnh đạo TSS dùng phần lớn vào việc trả nợ ngân hàng, chi phí hoạt động doanh nghiệp và cho 2 công ty của ông Sơn vay 37,4 tỷ đồng. 

Bị chấm dứt hoạt động, phía TSS dần thanh toán nợ nần nhưng tính đến khi vụ án được khởi tố, Nam và Thành vẫn còn chiếm đoạt của ngân hàng 43,6 tỷ đồng. Bị điều tra, bộ đôi này khai làm theo chỉ đạo của ông Sơn nhưng do không đủ căn cứ nên năm 2016, VKSND Tối cao đã hủy bỏ quyết định khởi tố bị can đối với ông Sơn. Cơ quan tố tụng cũng xác định, lãnh đạo và nhân viên ngân hàng cũng có lỗi, song việc cho vay diễn ra trong thời gian dài, doanh số lớn, TSS đều trả đủ nợ gốc và lãi. Mặt khác cũng không phát hiện dấu hiệu tư lợi của cán bộ ngân hàng nên không cần thiết xử lý bằng hình sự đối với một số cá nhân liên quan.