Giám đốc dẫn vợ bỏ trốn vì không chịu được lãi "cắt cổ"

ANTD.VN - Mở công ty, Thanh phải vay nợ nhiều người với lãi suất cao để làm ăn. Sau đó, do không còn khả năng chi trả nên giám đốc doanh nghiệp đã dẫn vợ bỏ trốn…

Sau bản án sơ thẩm hồi cuối năm 2018, Phạm Phú Thanh (SN 1967) và vợ là Nguyễn Thị Tý (SN 1969), cùng trú ở phường Hoàng Văn Thụ, Hoàng Mai, Hà Nội lần lượt có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Ở phía ngược lại, các bị hại trong vụ án cũng có đơn kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm tăng nặng hình phạt đối với cặp vợ chồng giám đốc doanh nghiệp này.

Trước đó, tại bản án sơ thẩm nội dung vụ án cho thấy, sau 5 năm bỏ trốn Phạm Thú Thanh đã bị bắt giữ theo lệnh truy nã, do có hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản với số tiền rất lớn.

Vợ chồng Phạm Phú Thanh tại phiên tòa sơ thẩm.

Phục hồi điều tra, cơ quan công an làm rõ Phạm Thanh Phú vốn thành lập doanh nghiệp và là Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Phú Bình. Vậy nhưng chỉ sau một thời gian ngắn làm ăn, Phú nhanh chóng lâm vào tình trạng nợ nần bết bát.

Khi các khoản nợ liên tục đến kỳ hạn phải thanh toán, Thanh bàn với vợ là Nguyễn Thị Tý đi vay tiền của nhiều người quen nhằm “chống đỡ”. Thế nhưng ngay cả khi tìm đến dịch vụ “tín dụng đen” thì công cuộc phục hồi kinh doanh của Thanh vẫn không thể khá lên được.

Thậm chí do “lãi mẹ đẻ lãi con” nên chỉ sau một thời gian ngắn tiếp theo, giám đốc doanh nghiệp tư nhân lâm vào tình trạng hoàn toàn “tê liệt”. Cùng đường, Thanh dẫn theo người vợ bỏ trốn nhưng cũng chỉ đến tháng 2-1017 thì cả 2 cùng bị bắt giữ theo lệnh truy nã.

Một trong những người cho vợ chồng Thanh vay tiền (bị hại trong vụ án) là bà Chu Thị A (SN 1961), trú cùng quận Hoàng Mai, Hà Nội. Cụ thể, năm 2010, bà A bán cho vợ chồng Thanh căn nhà nên hai bên quen biết nhau.

Gần 1 năm sau, do bí bách về tiền  bạc nên Thanh đánh bạo hỏi vay tiền của bà A với thời gian 1 tháng và lãi suất là 2.500 đồng/triệu/ngày. Ngay sau đó, Thanh và vợ lần lượt ký 2 giấy vay tiền với tổng số là 4 tỷ đồng.

Đến hạn thanh toán, Thanh mới trả được 50 triệu đồng nên bà A yêu cầu giám đốc doanh nghiệp phải gán nợ  bằng chiếc ô tô Lexus (đang cầm cố tại ngân hàng), trị giá 1,5 tỷ đồng. Sau đó, hai bên thương lượng xử lý chiếc ô tô và Thanh gán tiếp một số tài sản khác cho chủ nợ.

Vì thế tính đến tháng tháng 3-2012, vợ chồng Thanh mới trả được cho bà A 850 triệu đồng. Cùng thời điểm giám đốc doanh nghiệp tư nhân còn vay nợ với lãi suất “cắt cổ” của nhiều người khác và không còn khả năng thanh toán nên đã cùng vợ bỏ trốn.

Tương tự trường hợp bà A, năm 2010, Thanh đến một chi nhánh ngân hàng thuộc BIDV để vay vốn kinh doanh. Tại đây, đối tượng gặp và quen biết anh Đỗ Xuân Ha (SN 1978) – nhân viên ngân hàng, do là đồng hương của nhau.

Giữ mối quan hệ với nhân viên ngân hàng, tháng 8-2011, Thanh hỏi vay anh H 300 triệu đồng với lãi suất 5.000 đồng/triệu/ngày. Đến hạn thanh toán, vợ chồng Thanh đã trả cả gốc lẫn lãi đầy đủ cho anh H.

Nhưng rồi ngày 30-9-2011, Thanh tiếp tục bảo anh H cho vay 1 tỷ đồng cũng với lãi suất 5.000 đồng/triệu/ngày. Đến hạn thanh toán lần vay nợ thứ  2, song giám đốc doanh nghiệp không có tiền trả và cứ khất lần né tránh, rồi trốn khỏi nơi cư trú.

Quá trình điều tra cũng đã làm rõ, ngoài 2 trường hợp nêu trên, Thanh cùng vợ còn vay tiền của 2 người khác và cũng ăn quỵt của họ. Tổng cộng, từ tháng 2 đến tháng 12-2011, cặp vợ chồng này đã lạm dụng lòng tin để chiếm đoạt hơn 6,2 tỷ đồng.

Ngoài ra quá trình điều tra, cơ quan công an cũng nhận được hàng loạt đơn tố cáo, yêu cầu giải quyết của nhiều người khác đối với vợ chồng Thanh. Tuy nhiên, do các trường hợp này đều là quan hệ dân sự nên cơ quan tố tụng không áp dụng pháp luật hình sự để xử lý.

Quá trình giải quyết vụ án, người thân của vợ chồng Thanh mới chỉ khắc phục hậu quả thay được một phần số tiền mà các bị cáo chiếm đoạt... Với hành vi phạm tội gây ra, tại cấp sơ thẩm, TAND TP Hà Nội lần lượt tuyên phạt cặp vợ chồng này 12 năm tù và 3 năm tù cùng về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Mở tòa phúc thẩm ngày 30-11, TAND Cấp cao tại Hà Nội cho rằng không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của Phạm Phú Thanh và các bị hại; có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của Nguyễn Thị Tý. Từ đó, HĐXX phúc thẩm quyết định giảm hình phạt cho Nguyễn Thị Tý xuống còn 2 năm tù về tội danh mà cấp tòa sơ thẩm đã quy kết.