Giải cứu an toàn một kỹ sư xây dựng bị bắt cóc

(ANTĐ) - Sau 10 ngày bị bọn bắt cóc giam giữ tại nhiều nơi, anh Lưu Văn Vương, SN 1984, kỹ sư xây dựng thuộc Công ty Xây dựng địa ốc Hòa Bình, đang làm việc tại công trường tòa nhà Keang Nam, đường Phạm Hùng - Hà Nội, được các chiến sỹ Phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an TP Hà Nội giải cứu an toàn.

Giải cứu an toàn một kỹ sư xây dựng bị bắt cóc

(ANTĐ) - Sau 10 ngày bị bọn bắt cóc giam giữ tại nhiều nơi, anh Lưu Văn Vương, SN 1984, kỹ sư xây dựng thuộc Công ty Xây dựng địa ốc Hòa Bình, đang làm việc tại công trường tòa nhà Keang Nam, đường Phạm Hùng - Hà Nội, được các chiến sỹ Phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an TP Hà Nội giải cứu an toàn.

Các đối tượng trong vụ án và số điện thoại di động dùng để liên lạc hoạt động phạm tội
Các đối tượng trong vụ án và số điện thoại di động dùng để liên lạc hoạt động phạm tội

Vụ bắt cóc táo tợn

11h15 ngày 2-10-2010, như thường lệ, anh Lưu Văn Vương đi từ trong khuôn viên công trường xây dựng tòa nhà Keang Nam, đường Phạm Hùng (Hà Nội) ra khu vực trước cửa số 7 của công trường để uống nước, bất ngờ bị 4 người đàn ông lạ mặt uy hiếp, khống chế, ép phải lên một chiếc xe ô tô du lịch loại 5 chỗ ngồi phóng đi. Sau khi xảy ra vụ bắt cóc anh Vương, gia đình nạn nhân liên tiếp nhận được những cú điện thoại yêu cầu phải nộp ngay số tiền gần 3 tỷ đồng cho bọn bắt cóc, nếu không anh Vương sẽ bị chặt chân, tay và bị giết. Trước sự việc đặc biệt nghiêm trọng nêu trên, 20h cùng ngày, ông Lưu Huy Lĩnh, SN 1948, ở phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai, bố của anh Lưu Văn Vương đã làm đơn trình báo toàn bộ diễn biến vụ việc tới Phòng CSĐT tội phạm về TTXH - Công an TP Hà Nội.

Tiếp nhận đơn trình báo của gia đình ông Lĩnh, Phòng CSĐT tội phạm về TTXH - Công an TP Hà Nội đã báo cáo xin ý kiến chỉ đạo trực tiếp của Đại tá Nguyễn Đức Chung, Phó Giám đốc CATP Hà Nội và ngay sau đó, lực lượng Cảnh sát hình sự đặc nhiệm đã vào cuộc điều tra, truy lùng bọn bắt cóc anh Vương. Trong quá trình điều tra, lực lượng Cảnh sát hình sự đặc nhiệm, Phòng CSĐT tội phạm về TTXH - Công an TP Hà Nội phối hợp với công an các quận, huyện Từ Liêm, Cầu Giấy tổ chức rà soát hiện trường, thu thập lời khai của nhân chứng để nắm kỹ đặc điểm nhận dạng các đối tượng bắt cóc anh Vương và biết chiếc xe ô tô chúng sử dụng là loại xe Toyota 4Runner, 5 chỗ ngồi, có BKS  với 4 số cuối là 2444.

Cuộc truy lùng bọn bắt cóc

Tìm hiểu các mối quan hệ của anh Vương, cơ quan điều tra không phát hiện được mâu thuẫn gì giữa nạn nhân với bạn bè, đồng nghiệp hoặc những đối tượng ngoài xã hội. Khả năng anh Vương bị bắt cóc do những mâu thuẫn cá nhân đã bị loại bỏ. Đi sâu nghiên cứu các mối quan hệ khác liên quan đến nạn nhân, cơ quan điều tra nắm được anh Vương là con trai của bà Thiều Thị Bản, SN 1956, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng hạ tầng kỹ thuật Gia Lộc (Công ty Gia Lộc), trụ sở đóng tại đường Bà Triệu, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Đầu tháng 9-2010, bà Bản đứng ra ký hợp đồng san lấp 2 triệu m3 mặt bằng Khu Liên hợp hóa lọc dầu Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) với giá 80 tỷ đồng/1 triệu m3, với Đỗ Danh Khánh, ở phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Giám đốc Công ty cổ phần XNK Thịnh An. Từ hợp đồng san lấp mặt bằng này đã dẫn đến mâu thuẫn giữa Khánh với bà Bản.

Quá trình điều tra đến giai đoạn này, cơ quan công an phát hiện bọn bắt cóc ép anh Vương điện thoại về cho mẹ yêu cầu nộp tiền cho chúng mới được trả tự do. Ngày 9-10-2010, 7 ngày sau khi xảy ra vụ bắt cóc anh Vương, gia đình bà Bản tiếp tục nhận được điện thoại của bọn bắt cóc, đe dọa nếu không nhanh chóng nộp tiền cho chúng, anh Vương sẽ bị chặt dần tứ chi cho đến chết. Phân tích kỹ những đoạn băng ghi lại các cuộc đối thoại giữa bọn bắt cóc với gia đình nạn nhân, các chiến sỹ công an phát hiện anh Vương bị giam giữ trong một nhà nghỉ nào đó ở rất xa trung tâm thành phố. Rà soát các nhà nghỉ, nhà trọ, khách sạn mini trên địa bàn nội thành, cơ quan điều tra nắm được ngày 2-10-2010, sau khi anh Vương bị bắt cóc, tại một nhà nghỉ ở khu đô thị Đền Lừ, quận Hoàng Mai đã tiếp nhận 5 vị khách trọ, đi trên chiếc xe ô tô Toyota 4Runner, loại 5 chỗ. Vì trời tối, nên chủ nhà nghỉ này không nhớ được BKS của chiếc xe. Một trong số 5 vị khách có một nam thanh niên ngoại hình trùng khớp với anh Vương, bởi cặp kính trắng luôn đeo trên mắt. Với những tài liệu thu thập được, cơ quan điều tra quyết định mở rộng diện rà soát các nhà nghỉ, nhà trọ ra những huyện ngoại thành Hà Nội trong vòng bán kính 70km.

Trong quá trình điều tra truy tìm bọn bắt cóc, đích thân Đại tá Nguyễn Đức Chung, Phó Giám đốc CATP và các đồng chí Thượng tá Đào Thanh Hải, Thượng tá Nguyễn Thanh Hùng - Phó trưởng Phòng CSĐT tội phạm về TTXH, Công an TP Hà Nội đã nhiều lần trực tiếp chỉ đạo các mũi trinh sát đến nhiều địa bàn các huyện ngoại thành để truy lùng tội phạm. Đến ngày 12-10-2010, cơ quan điều tra phát hiện một số người đàn ông lạ, đi ô tô đến thuê trọ tại một nhà nghỉ ở thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ. Nắm được nguồn tin này, các chiến sỹ công an đã bí mật tiếp cận nhà nghỉ, nhưng các đối tượng đã di chuyển đi nơi khác. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan điều tra đã nắm được điểm đến tiếp theo của nhóm đối tượng này là một nhà nghỉ khác ở thôn Xuân Thủy, xã Thủy Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ. Ngay sau đó, các chiến sỹ Phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an TP Hà Nội đã phát hiện anh Vương đang bị giam gữ trái pháp luật tại nhà nghỉ Vũ Hùng, ở thôn Xuân Thủy, xã Thủy Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ và tiến hành giải cứu an toàn. Khi được lực lượng công an giải cứu, anh Vương đang bị đối tượng Tạ Đình Hiệp, SN 1987, trú tại xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, canh giữ trong căn phòng 304 của nhà nghỉ Vũ Hùng.

Giải quyết mâu thuẫn bằng “luật rừng”

Qua khai thác Tạ Đình Hiệp, cơ quan điều tra đã có cơ sở để ra lệnh bắt, khám xét khẩn cấp các đối tượng đã bắt cóc anh Vương gồm Đỗ Danh Khánh, SN 1952, Giám đốc Công ty XNK Thịnh An; Phan Thanh Chi, SN 1976, trú tại phường Yên Sở, quận Hoàng Mai; Đào Duy Phúc, SN 1977, trú tại thôn Đống, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai; Vũ Văn Hiếu, SN 1988, trú tại phường Đồng Mai, quận Hà Đông; Nguyễn Tài Anh, SN 1989, trú tại phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai; Đặng Cao Cường, SN 1984, trú tại phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai và Phạm Minh Thông, SN 1969, trú tại tập thể Khóa Minh Khai, quận Hai Bà Trưng đối tượng có 4 tiền án, về các hành vi cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật.

Căn cứ vào tài liệu điều tra thu thập được và lời khai các đối tượng, cơ quan điều tra xác định diễn biến vụ án như sau: Khánh với danh nghĩa là Giám đốc Công ty cổ phần XNK Thịnh An đã ký hợp đồng với mẹ anh Dương là bà Thiều Thị Bản, Phó Giám đốc Công ty Gia Lộc, để san lấp 2 triệu m3 mặt bằng Khu Liên hợp hóa lọc dầu Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa với giá 80 tỷ đồng/1 triệu m3. Sau khi ký hợp đồng với bà Bản ở Thanh Hóa, Khánh về Hà Nội ký tiếp hợp đồng hợp tác thi công với Phan Thanh Chi, song do không đủ tư cách pháp nhân, Chi đã nhờ một vị giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư - xây dựng khác ở Hà Nội đứng ra ký hộ hợp đồng để san lấp 1 triệu m3 đất tại dự án Nghi Sơn. Tuy nhiên, để có được dự án này, Công ty Gia Lộc yêu cầu Khánh phải nộp tiền bảo lãnh hợp đồng là 1 tỷ đồng/ 1 triệu m3. Khánh yêu cầu Chi nộp số tiền này và Chi đã giao cho Khánh 1 tỷ đồng để nộp cho Công ty Gia Lộc. Sau khi nhận tiền bảo lãnh hợp đồng, Công ty Gia Lộc hẹn 1 tháng sau sẽ bàn giao mặt bằng để thi công, nhưng không thực hiện được. Khánh và Chi đã đến Công ty Gia Lộc đòi tiền bảo lãnh hợp đồng, nhưng công ty này chưa trả lại tiền.

Vì lý do trên, Chi đã thuê Phạm Minh Thông đến nhà Khánh ép trả lại 1 tỷ đồng tiền bảo lãnh hợp đồng san lấp mặt bằng dự án Nghi Sơn. Dưới sự chỉ đạo của Chi, Thông cùng đồng bọn đã siết nợ chiếc xe ô tô Santafe, BKS: 30P-2950, là tài sản của gia đình Khánh. Do bị Chi thúc nợ, Khánh đã liên kết với Chi lập mưu bắt cóc anh Vương, con trai bà Bản để gây áp lực, ép Phó giám đốc Công ty Gia Lộc phải nộp tiền cho chúng. Để thực hiện ý đồ đen tối này, Chi thuê Đào Duy Phúc và Đặng Cao Cường tổ chức bắt giữ anh Vương trái pháp luật. Cường và Phúc đã rủ thêm Nguyễn Tài Anh, Tạ Đình Hiệp và Vũ Văn Hiếu cùng tham gia. Trưa 2-10, sau khi tìm hiểu, nắm rõ quy luật sinh hoạt của anh Vương, Chi, Cường, Hiếu, Phúc và Tài Anh đã đi xe ô tô đến khu vực cửa số 7, công trường Keang Nam để bắt giữ anh Vương trái pháp luật. Sau đó, chúng đưa nạn nhân đến rất nhiều nhà nghỉ trên địa bàn nội thành Hà Nội và huyện Chương Mỹ, để tránh sự phát hiện của cơ quan công an, đồng thời liên tiếp dọa dẫm, đưa ra yêu sách đòi gia đình anh Vương phải nộp cho chúng gần 3 tỷ đồng để “mua” lại sự “tự do” của con trai họ.

Sáng 15-10-2010, trao đổi với phóng viên ANTĐ tại trụ sở Phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an TP Hà Nội, anh Lưu Văn Vương, nạn nhân vụ bắt cóc đã rất xúc động bày tỏ sự biết ơn đối với các chiến sỹ Phòng CSĐT tội phạm về TTXH - CATP đã không quản khó khăn, gian khổ, để truy tìm và giải cứu anh an toàn khỏi tay bọn bắt cóc trong vòng 10 ngày liên tiếp. Qua Báo An ninh Thủ đô, anh Vương và gia đình xin được bày tỏ sự cảm ơn chân thành nhất tới ban Giám đốc CATP Hà Nội, cá nhân Đại tá Nguyễn Đức Chung, Phó Giám đốc CATP và cán bộ, chiến sỹ Phòng CSĐT tội phạm về TTXH, đặc biệt là Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm đã tận tụy với công việc, hết lòng, hết sức bảo vệ sự bình yên, hạnh phúc của nhân dân!

Hà Trang