Đau đầu khi tội phạm là người tâm thần (2):

Giả tâm thần hòng thoát tội giết người

ANTĐ - Ngay sau khi bị bắt, biết rằng khó có thể thoát án tử hình, đối tượng phạm tội bỗng nhiên có biểu hiện tâm thần, cười nói lung tung... mong qua mắt cơ quan chức năng để trốn tránh trách nhiệm hình sự.

Theo khoản 1 Điều 13 Bộ luật Hình sự (BLHS) quy định: "Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự; đối với người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh".

Lợi dụng quy định này, nhiều tội phạm sau khi giết người đã giả vờ mắc bệnh tâm thần, có đối tượng còn “chạy” giấy chứng nhận tâm thần của bệnh viện để trình cơ quan điều tra để mong thoát án tử hình.

Vào ngày 11-4-2011, tại thôn An Tân, Gia Tân, Gia Lộc, Hải Dương khi đối tượng Chu Hải Trọng (SN 1955) đã dùng dao chém ông Bùi Trọng Trường là trưởng thôn An Tân gây thương tích. Sợ phải chịu án phạt, tên Trọng đã tự dùng dao cứa vào cổ và được gia đình đưa đến bệnh viện với mục đích điều trị tâm thần. Tuy nhiên sau thời gian giám định phát hiện đối tượng Trọng hoàn toàn bình thường...

 Đối tượng Cường giả điên tại phiên tòa

 Đối tượng Cường giả điên tại phiên tòa

Cũng tương tự, vào năm 2009, tại Nghệ An, đối tượng Nguyễn Văn Hiệp đã phạm tội hiếp dâm một bé gái 8 tuổi. Khi bị bắt, thủ phạm vờ mắc bệnh tâm thần. Người nhà nghi phạm này cũng khẳng định, Hiệp bị căn bệnh trên. Tuy nhiên, giám định của trung tâm giám định pháp y tâm thần Nghệ An kết luận, sức khỏe của Hiệp hoàn toàn bình thường, có đủ khả năng nhận thức về hành vi của mình...

Gan lì hơn hẳn là đối tượng giết người cướp tài sản Phạm Huy Cường, 36 tuổi ở TPHCM gây ra. Bị bắt, đứng trước vành móng ngựa, Cường đã giả tâm thần nhằm trốn tội khi bị đưa ra xét xử. Suốt phiên xử, tên Cường đều không trả lời câu hỏi nào của Hội đồng xét xử, mà chỉ đứng ngẩn ngơ nhìn trần nhà, bẻ tay, cười tủm tỉm...

Một đối tượng khác ở Hưng Yên, bị can trong vụ án là N.T.H (sinh 1974, Tiên Du, Bắc Ninh) cũng giả tâm thần. Theo điều tra, giả vờ là khách mua hàng, H đã tới tiệm vàng Ngọc Chiến (ở thị xã Hưng Yên) rồi “cuỗm” 48 dây truyền vàng (trị giá trên 60 triệu đồng) trong lúc chủ hiệu mất cảnh giác.

Công an thị xã Hưng Yên đã khởi tố H. về tội trộm cắp tài sản. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, H. luôn tỏ ra là người có vấn đề về thần kinh. Người nhà bị can này cũng “trình” giấy xác nhận H. bị bệnh tâm thần của một số bệnh viện cả TW và địa phương. Trước sự tình trên, công an Hưng Yên đã yêu cầu Tổ chức giám định pháp y tâm thần Hải Dương vào cuộc và họ đã có kết luận, H. hoàn toàn tỉnh táo, có nhận thức hành vi và điều khiển được hành vi, có đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự.

 Đối tượng Nguyễn Văn Hiệp

 Đối tượng Nguyễn Văn Hiệp

Tại phiên tòa sơ thẩm, N.T.H bị kết án 36 tháng tù và bồi thường dân sự cho bị hại. Tuy nhiên, đến phiên tòa phúc thẩm, người nhà H. tiếp tục khiếu nại vì cho rằng H. bị tâm thần. Một lần nữa cơ quan pháp luật lại phải đưa H. đến BV Tâm thần Trung ương ở Biên Hòa. Kết luận của BV này một lần nữa lại cho thấy H. không hề điên! Và cuối cùng bị cáo đã phải nhận mức án 48 tháng tù giam.

Cũng bằng thủ đoạn “giả tâm thần”, đối tượng H. chính là kẻ đã gây ra các vụ trộm với thủ đoạn tương tự ở một số địa bàn lân cận với số tài sản lên tới 200 triệu đồng. Tuy vậy, H. không bị xử lý pháp luật nhờ có giấy xác nhận bị bệnh tâm thần!...

“Vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, những kẻ phạm tội dù giả tâm thần nhưng rồi cũng sẽ phải chịu tội...

Đón đọc kỳ 3: Bản án cho những người điên