Gần 20 bác sĩ, giáo viên "muối mặt" vì "chạy" chỉ tiêu cao học

ANTD.VN - Thi cao học vào Trường Đại học Y Hà Nội nhưng không đủ điểm đỗ, gần 20 người đã bàn bạc, thống nhất góp tiền để “chạy” chỉ tiêu, dẫn đến “tiền mất tật mang”.

Tại phiên xử sơ thẩm ngày 1-3 vừa qua, Đỗ Mạnh Quy (SN 1984, trú ở xã Đức Giang, Hoài Đức, Hà Nội) đã bị TAND TP Hà Nội áp dụng mức án 12 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bị hại trong vụ án là 18 bác sĩ, giáo viên công tác ở nhiều bệnh viện, trường y, thuộc khu vực phía Bắc.

Cụ thể, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội đã làm rõ, qua mối quan hệ xã hội, tháng 8-2017, anh Nguyễn Danh Ngôn (SN 1987, trú ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) quen biết Đỗ Mạnh Quy. Tiếp xúc nhau, anh Ngôn được Quy cho biết đối tượng công tác tại Văn phòng Chủ tịch nước.

Đỗ Mạnh  Quy bị đưa ra tòa xét xử.

Cùng khoảng thời gian này, anh Ngôn và 24 người khác (hầu hết là bác sĩ, giáo viên công tác ở các bệnh viện, trường y thuộc khu vực phía Bắc) vừa dự thi cao học vào Trường Đại học Y Hà Nội (khóa 26) nhưng không trúng tuyển. Mong muốn được “vớt vát”, nhóm 25 người này bàn bạc và thống nhất cùng góp tiền “chạy” chỉ tiêu.

Theo đó, nhóm bác sĩ, giáo viên này giao cho chị Trần Thu Phương (SN 1984, trú ở quận Hà Đông, Hà Nội) làm đầu mối và cùng anh Ngôn gặp gỡ Quy bàn tính chuyện “chạy chọt”. Nắm được mong muốn của những người này, Quy nói sẽ tác động Bộ Giáo dục và Đào tạo ra công văn đề nghị Đại học Y Hà Nội lấy thêm chỉ tiêu đào tạo cao học.

Nhóm bác sĩ, giáo viên thi trượt hiểu rằng nếu Đại học Y Hà Nội lấy thêm chỉ tiêu đào tạo cao học thì họ đương nhiên sẽ có tên trong danh sách trúng tuyển. Đổi lại, mỗi người trong nhóm chị Phương sẽ phải đưa cho Quy 30 triệu đồng. Tuy nhiên sau khi mặc cả, hai bên “chốt” giá là 27 triệu đồng/suất.

Dù vậy, 7/25 bác sĩ, giáo viên thi trượt cao học vào Đại học Y Hà Nội (khóa 26) sau đó đã lặng lẽ rút lui vì thấy số tiền “chạy” chỉ tiêu quá lớn. Còn lại 18 người trong nhóm, chị Phương và anh Ngôn về sau đã 5 lần đưa cho Quy tổng cộng hơn 544 triệu đồng.

Nhận tiền của gần 20 cử nhân ngành y muốn nâng cao học vị, Quy hẹn đến tháng 11-2017 sẽ có kết quả trúng tuyển của Đại học Y Hà Nội. Thế nhưng quá hạn, 18 người “chạy” chỉ tiêu cao học không hề có thông báo đỗ đạt. Đòi lại tiền không được, anh Ngôn và chị Phương đành “muối mặt” trình báo cơ quan công an.

Quá trình giải quyết vụ án, cơ quan tố tụng xác định Quy không phải là cán bộ hay nhân viên gì ở Văn phòng Chủ tịch nước. Thực tế, đối tượng chỉ là người lao động tự do. Việc mạo nhận cán bộ Nhà nước của đối tượng chỉ là chiêu trò lừa đảo.

Ngoài ra, sau khi nhận tiền cùng danh sách 18 bác sĩ, giáo viên ngành y thi cao học không đỗ, Quy không làm bất cứ việc gì để những người này đạt được ước vọng.  Hơn nửa tỷ đồng nhận từ chị Phương cũng nhanh chóng bị Quy ăn tiêu sạch bách nên không còn khả năng khắc phục hậu quả.

Mở tòa sơ thẩm xem xét tội trạng của bị cáo, HĐXX xác định Đỗ Mạnh Quy đã dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt hơn 500 triệu đồng của 18 người bị hại. Hành vi của bị cáo đã cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tải” đúng như cáo trạng truy tố. Từ đó, TAND TP Hà Nội đã quyết định áp dụng mức án phạt tù nêu trên.