Được tại ngoại, lại gây án

(ANTĐ) - Không ít đối tượng đang có thai, nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi hoặc ở tuổi vị thành niên phạm tội nhưng không bị giam giữ do được hưởng những đặc ân mà pháp luật đã qui định. Song, số đối tượng này vẫn tiếp tục tái phạm nhiều lần.

Được tại ngoại, lại gây án

(ANTĐ) - Không ít đối tượng đang có thai, nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi hoặc ở tuổi vị thành niên phạm tội nhưng không bị giam giữ do được hưởng những đặc ân mà pháp luật đã qui định. Song, số đối tượng này vẫn tiếp tục tái phạm nhiều lần.

Lợi dụng qui định của pháp luật

Camera “thu” được hình ảnh đối tượng Chinh vào cửa hàng trộm cắp tài sản
Camera “thu” được hình ảnh đối tượng Chinh vào cửa hàng trộm cắp tài sản

Cuối năm 2010, do phạm tội trộm cắp tài sản, đối tượng Phùng Thị Ngọc Chinh (SN 1984) có hộ khẩu thường trú ở thôn Quỳnh Đô, xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì; hiện tạm trú tại xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì đã bị TAND quận Hoàn Kiếm xử 9 tháng tù giam. Tuy nhiên, do đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, Chinh được cơ quan chức năng cho tại ngoại. Trong thời gian chờ thi hành án, Chinh liên tiếp tái phạm, gây ra 2 vụ trộm cắp tài sản tại địa bàn quận Hoàn Kiếm.

Cụ thể, ngày 30-4-2011, Chinh vào một cửa hàng bán quần áo ở phố Lãn Ông, phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm lấy cắp chiếc túi xách treo ở giá bán hàng của chị Trần Thị Duyên, nhân viên cửa hàng. Khi vừa quay ra ngoài, dắt xe máy định phóng đi thì Chinh bị chị Duyên phát hiện, bắt giữ, thu hồi chiếc túi xách bên trong có 24.200.000 đồng, dẫn giải về Công an quận Hoàn Kiếm. Nhưng do đang có thai nên đối tượng này không bị giam giữ.

Chinh tiếp tục gây án trộm cắp tài sản tại cửa hàng bán quần áo ở 52 phố Gia Ngư, phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm vào trưa 5-5. Căn cứ vào camera của cửa hàng thu được hình ảnh một phụ nữ mang thai, đầu đội mũ bảo hiểm đi từ cửa hàng ra ngoài, Cơ quan điều tra CAQ Hoàn Kiếm xác định đó là Phùng Thị Ngọc Chinh và tiến hành triệu tập tới trụ sở đấu tranh. Biết không thể chối cãi, Chinh thừa nhân đã lấy cắp chiếc túi xách bên trong có 71.300.000 đồng cùng nhiều giấy tờ của chị Vũ Thị Dung ở thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định đến cửa hàng mua quần áo. Lần này đối tượng Chinh đang mang thai vẫn không bị giam giữ bởi được hưởng những đặc ân mà pháp luật đã qui định…

Một trường hợp khác, đối tượng Lê Thị Hương, trú ở Quảng Bình, ra Hà Nội gây án trộm cắp tài sản, bị cơ quan công an bắt giữ. TAND quận Hoàn Kiếm xử 4 tháng án treo. Trong thời gian bị án treo, đối tượng Hương tiếp tục trộm cắp, bị TAND quận Đống Đa xử 30 tháng tù giam, nhưng do đang mang thai nên đối tượng được tại ngoại. Sau khi đẻ con được 4, 5 ngày, đối tượng này tiếp tục gây án trộm cắp tài sản ở địa bàn quận Hoàn Kiếm. Lần này, đối tượng Hương vẫn không bị giam giữ vì đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi.

Thiếu chế tài, gây khó cho cơ quan điều tra

Luật pháp cũng qui định tuổi vị thành niên phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng thì không bị tạm giam. Đây cũng là khó khăn cho cơ quan chức năng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, đảm bảo thi hành án, nhất là số đối tượng vị thành niên bỏ nhà đi lang thang. Trong thời gian được tại ngoại, đối tượng lang thang tiếp tục tái phạm. Mặc dù thu thập được chứng cứ, tài liệu làm rõ đối tượng gây án, nhưng vì đối tượng bỏ nhà lang thang không rõ địa chỉ nên việc truy bắt rất khó khăn.

Theo cơ quan công an, đối với những trường hợp không thể đảm bảo có mặt khi tòa án xét xử, tuy là tuổi vị thành niên thì cũng cần phải có qui định, chế tài ràng buộc để kiểm soát. Trường hợp đối tượng Nguyễn Thị Mai, trú ở quận Hoàn Kiếm phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (xe máy) của người quen, nhưng vì đang ở tuổi vị thành niên nên được tại ngoại. Tuy nhiên, sau khi được tại ngoại, đối tượng này đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú và Cơ quan CSĐT - CAQ Hoàn Kiếm đã ra lệnh truy nã.

Sau khi bị bắt theo lệnh truy nã, vì chưa đủ 18 tuổi nên đối tượng Mai vẫn không bị giam giữ. Sau đó, đối tượng Mai lại bỏ trốn và CAQ Hoàn Kiếm tiếp tục ra lệnh truy nã. Đến lần 2 bắt giữ được Mai theo lệnh truy nã, cơ quan công an mới quyết định tạm giam đối tượng để phòng ngừa gây hậu quả xấu.

Theo cơ quan công an, để đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm, cần có những văn bản hướng dẫn cụ thể cho cơ quan thực thi pháp luật phù hợp với chính sách nhân đạo của Nhà nước và đảm bảo điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Đối với các trường hợp phạm tội được hưởng chính sách nhân đạo của Nhà nước như đang có thai, nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi hoặc ở tuổi vị thành niên không bị tạm giam, khi cơ quan điều tra áp dụng biện pháp ngăn chặn, cấm đi khỏi nơi cư trú, ngoài sự quản lý của cơ quan công an, cần phải có sự vào cuộc của chính quyền địa phương cùng giám sát chặt chẽ.

Sau khi nhận được thông báo của cơ quan chức năng về việc áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với đối tượng không bị tạm giam, chính quyền xã, phường, thị trấn phải kết hợp với đơn vị công an cơ sở trong công tác quản lý, theo dõi; đồng thời tạo điều kiện cho đối tượng có việc làm, ổn định cuộc sống.

Không để chính sách nhân đạo bị lợi dụng

Trong pháp luật hình sự Việt Nam và một số luật khác, Nhà nước đã thể hiện chính sách nhân đạo đối với đối tượng là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi được miễn trách nhiệm hình sự. Theo đó, những đối tượng này, được tạm thi hành án tối đa, đợi sau khi sinh con mới tiếp tục thi hành án phạt. Tuy nhiên, để được hoãn chấp hành hình phạt tù thì những đối tượng này phải đảm bảo các điều kiện như sau: có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi thường trú cụ thể rõ ràng, đồng thời sau khi bị xử phạt tù không có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, không có căn cứ cho rằng họ bỏ trốn và đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi và bị xử phạt tù lần đầu.

Tuy nhiên, đã không ít đối tượng lợi dụng chính sách nhân đạo của Nhà nước, cố tình có thai trong thời gian phạt tù để nhận được những đặc ân mà pháp luật đã quy định. Trước đây, từng có trường hợp, đối tượng phạm tội là nữ giới bị bắt về tội buôn bán ma túy và bị tòa tuyên án tử hình. Tuy nhiên, trong quá trình chờ thi hành án, đối tượng này đã giao cấu với hai đối tượng là tội phạm tự nguyện, gần hết thời gian phạt tù với sự giúp đỡ của quản giáo để có thai.

Cuối cùng, vì lý do có thai trong thời gian thi hành án, đối tượng này đã được giảm án phạt từ án phạt tử hình xuống tù chung thân. Bên cạnh đó, nhiều đối tượng đang thi hành án hoặc trong thời gian chờ thi hành án, liên tục có thai hoặc trong thời gian có thai phạm tội nhiều lần khiến cơ quan chức năng không thể xử lý, thi hành án theo luật định. Pháp luật hiện nay cũng chưa thể xử lý được những đối tượng phạm tội trong thời gian mang thai ngoài việc quản chế tại địa phương.

Để giảm thiểu kẽ hở luật pháp, các cơ quan chức năng cũng như những nhà làm luật nên nghiên cứu và có quy định cụ thể hơn đối với những đối tượng phạm tội trên. Trong điều kiện đối tượng là phụ nữ mang thai, được pháp luật cho phép tạm hoãn thi hành án, các cơ quan chức năng nên có quy định chặt chẽ hơn về quản chế đối với đối tượng này một cách chặt chẽ hơn, phối hợp với chính quyền sở tại, hội phụ nữ để quản lý tốt hơn những đối tượng này, tránh tình trạng phạm tội nhiều lần, gây hậu quả xấu cho xã hội.

Thạc sĩ, luật sư Nguyễn Thanh Hà
Giám đốc Công ty TNHH Luật S&B

Thu Ba