Dùng tin nhắn rác chiếm đoạt 23 tỷ đồng, phạm tội gì?

ANTĐ - Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an và Công an Hà Nội vừa triệt phá tổ chức hoạt động phát tán tin nhắn lừa đảo người sử dụng điện thoại di động. 

Cho đến nay, Cơ quan điều tra Công an quận Đống Đa đã khởi tố vụ án, khởi tố 11 bị can, trong đó bắt tạm giam 5 bị can. Cụ thể, cơ quan công an xác định Lê Ngọc Tiến (trú tại khu Bắc Linh Đàm, quận Hoàng Mai, Hà Nội), đã bỏ tiền mua sắm trang thiết bị và lập ba công ty kinh doanh nội dung số gồm Công ty cổ phần VVas, Công ty cổ phần Vcontent, Công ty cổ phần dịch vụ tư vấn Bắc Đại Dương, thuê người làm giám đốc cho các công ty này. Tiếp đó, Lê Ngọc Tiến thực hiện việc thuê lại các đầu số và ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ nội dung với các nhà mạng di động như Viettel, MobiFone, Vinaphone. Nhóm công ty của Tiến chủ yếu thực hiện kinh doanh trên các đầu số 7x68 và 7x77. Lê Ngọc Tiến chỉ đạo các giám đốc, nhân viên dưới quyền thực hiện việc phát tán tin nhắn từ các sim rác. Khi chủ thuê bao thực hiện theo hướng dẫn, gửi tin nhắn lại đầu số theo cú pháp sẽ bị trừ từ 15.000-30.000 đồng/tin nhắn. Nhưng sau khi nhắn tin, chủ thuê bao không bao giờ nhận được phản hồi.

Khám xét địa điểm này và trụ sở của ba công ty trên, cơ quan công an thu giữ hàng chục hệ thống thiết bị phát tán tin nhắn lừa đảo, hàng ngàn sim rác. Bước đầu cơ quan điều tra làm rõ từ tháng 6-2013 đến tháng 6-2014, nhóm công ty này đã phát tán hàng triệu tin nhắn lừa đảo với 27 cú pháp nhắn tin đến các đầu số 7x68, 7x77, chiếm đoạt khoảng 22 tỉ đồng của các thuê bao di động. Quá trình điều tra vụ án, cơ quan công an phát hiện Lê Ngọc Tiến còn thành lập thêm hai công ty khác để tiếp tục mở rộng quy mô hoạt động phát tán tin nhắn lừa đảo.

Cùng thời điểm khám phá ổ nhóm trên, cơ quan công an đã kiểm tra nhóm công ty của Nguyễn Ngọc Quyết, Trần Ngọc Hùng về hành vi vi phạm pháp luật tương tự. Bước đầu cơ quan điều tra làm rõ từ ngày 1-5 đến 13-6-2014, nhóm công ty này đã phát tán hàng trăm nghìn tin nhắn với 83 cú pháp lừa đảo, chiếm đoạt hơn 1 tỉ đồng.

Như vậy trong hai vụ việc này, cơ quan công an xác định hàng triệu thuê bao di động đã bị lừa đảo với số tiền khoảng 23 tỉ đồng, trong số đó, nhóm công ty của các nghi can lừa đảo chỉ thu được 45%, còn lại là nhà mạng được hưởng. 

Vấn đề cần trao đổi là các nghi can có thể phạm tội gì và trách nhiệm của các bên liên quan ra sao?

Ý kiến bạn đọc 

Các nghi can đã phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân

Hành vi đưa tin rác lừa người nhận tin là được trúng thưởng hoặc có người quen nhắn tin tặng quà để nhận khoản tiền phí nhắn tin giá cao là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các nghi can đã cố tình lừa dối, đưa thông tin giả để chiếm đoạt tài sản thật. Hành vi chiếm đoạt đã thành. Các nghi can đã chiếm đoạt số tài sản khổng lồ, đến 23 tỷ đồng của số lượng hàng triệu người. Các nghi can đã có dấu hiệu phạm tội theo khoản 3 Điều 139 Bộ Luật Hình sự với tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bởi những tình tiết tăng nặng lợi dụng danh nghĩa tổ chức, chiếm đoạt tài sản lớn hơn 500 triệu đồng. Các nghi can có thể phải chịu hình phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, hoặc tù chung thân .


Nguyễn Văn Phúc (Phường Cát Linh, Q. Đống Đa Hà Nội)

Hành vi chiếm đoạt tài sản đã rõ

Các nghi can này đã sử dụng mạng viễn thông của doanh nghiệp có uy tín để tung tin giả chiếm đoạt tài sản của những người sử dụng mạng viễn thông. Mục đích tung các tin nhắn rác, thực chất là tin giả để chiếm đoạt tiền phí nhắn tin từ 15-30 nghìn đồng một tin. Đây là hành vi chiếm đoạt rất trắng trợn và làm phiền đến đời sống của những người sử dụng mạng viễn thông. Hành vi này phải bị nghiêm trị. Rõ ràng các nghi can đã phạm tội theo Điều 226b, Bộ luật Hình sự với tội danh: Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Với những tình tiết tăng nặng như: Có tổ chức; Phạm tội nhiều lần; Có tính chất chuyên nghiệp; Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; Gây hậu quả rất nghiêm trọng, các nghi can có thể bị truy tố theo khoản 4 điều này với mức hình phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân

Lý Văn Mai (Công ty tin học Ánh Sao - Hà Nội)


Nhà mạng viễn thông cũng có trách nhiệm trong vụ án này

Mặc dù theo hợp đồng thuê đầu số giữa các nghi can và các nhà mạng, các nghi can phải chịu toàn bộ trách nhiệm pháp lý khi sử dụng các đầu số thuê. Tuy nhiên, chính nhà mạng là người được hưởng nhiều nhất số tiền các nghi can đã chiếm đoạt của người sử dụng mạng viễn thông. Mặt khác, qua việc này chứng tỏ các nhà mạng coi thường quyền lợi những khách hàng của mình. Theo đánh giá của một chuyên gia trong lĩnh vực dịch vụ nội dung số, vấn đề kiểm soát các đầu số lừa đảo như vậy, các nhà mạng hoàn toàn có thể làm được trong vài giây chỉ với một số lệnh trên máy tính chứ không thể để kéo dài hàng năm trời mà không phát hiện như trên. Chuyên gia này cũng khẳng định việc phát tán tin nhắn rác lừa đảo không mới, đã diễn ra từ nhiều năm nay, các nhà mạng đều đã có biện pháp phòng chống nên việc một nhóm công ty hoạt động lừa đảo cả một năm, đến khi cơ quan công an phát hiện mới biết thì có dấu hiệu bất thường. 

Do đó, cần làm rõ trách nhiệm của nhà mạng trong việc quản lý, kiểm soát đối với việc cung cấp dịch vụ này.

Tôn Nữ Vạn Mỹ (Bệnh viện đa khoa trung ương Huế,  TP Huế)


Bình luận của luật sư

Qua nội dung vụ án, chúng ta thấy các nghi can đã thực hiện một hành vi chiếm đoạt tài sản của nhiều người với số lượng lớn. Các nghi can đã bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của nhiều người khác nhau. Hành vi này có dấu hiệu của hai tội: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điều 139 Bộ Luật Hình sự, hoặc điều 226b Bộ Luật Hình sự với tội danh sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Vấn đề cần phân tích để định tội một cách chính xác.

Xem xét về dấu hiệu pháp lý của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ta thấy, phải là hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác bằng thủ đoạn gian dối, hành vi này có thể gồm hai hành vi khác nhau là hành vi lừa dối và hành vi chiếm đoạt, giữa hai hành vi này có quan hệ mật thiết với nhau, hành vi lừa dối là điều kiện còn hành vi chiếm đoạt là mục đích và kết quả của hành vi lừa dối. Hành vi lừa dối là hành vi cố ý đưa ra thông tin không đúng sự thật nhằm để người khác tin đó là sự thật. Người phạm tội biết đó là giả nhưng vẫn đưa ra và mong muốn người khác tin đó là sự thật, hành vi lừa dối được thực hiện là nhằm mục đích chiếm đoạt, hành vi lừa dối mà nhằm mục đích khác thì không phải phạm vào tội này. Như vậy, xét về các dấu hiệu, các nghi can đã phạm vào tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các nghi can đã tung tin giả có người quen nhắn tin gửi quà, trúng thưởng... cho người sử dụng điện thoại để những người này tin là thật, nhắn tin lại. Mục đích của các nghi can là để chiếm đoạt phí nhắn tin của những người này. Tuy nhiên, cần lưu ý một điều: các nghi can không tiếp xúc trực tiếp với người bị chiếm đoạt tài sản. 

Cũng từ nội dung vụ án, chúng ta thấy các nghi can đã chiếm đoạt tài sản do gửi tin nhắn lừa tới những người dùng điện thoại. Điều 226b Bộ Luật hình sự có quy định về Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản như sau: Người nào sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện một trong những hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng hoặc phạt tù từ một năm đến chung thân tùy các tình tiết tăng nặng. Về mặt khách thể, đây là loại tội phạm xâm phạm hoạt động bình thường trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông. Mục đích của người phạm tội là nhằm chiếm đoạt tài sản, sử dụng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet và thiết bị số như là công cụ phạm tội. 

Điều 10 Thông tư liên tịch 10/2012/TTLT-BCA-BQP-BTP-BTT&TT-VKSNDTC-TANDTC ngày 10-9-2012 Hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự về một số tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông quy định hành vi phạm tội là:  4. Hành vi khác quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 226b Bộ luật Hình sự bao gồm các hành vi: Gửi tin nhắn lừa trúng thưởng nhưng thực tế không có giải thưởng để chiếm đoạt phí dịch vụ tin nhắn; quảng cáo bán hàng trên mạng Internet, mạng viễn thông nhưng không giao hàng hoặc giao không đúng số lượng, chủng loại, chất lượng thấp hơn hàng quảng cáo và các hành vi tương tự. 

Như vậy, hành vi của các nghi can đã được quy định cụ thể trong thông tư liên tịch 10/2012/TTLT. Với tất cả phân tích trên, truy tố các nghi can theo Điều 226b Bộ luật Hình sự: Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản là có lý. Cũng theo thông tư này, các nghi can đã có nhiều tình tiết tăng nặng nên có thể bị truy tố theo khoản 4 Điều 226b với mức hình phạt từ 12 năm tù tới tù chung thân.

Về trách nhiệm của nhà mạng, đồng ý rằng, về nguyên tắc, các nhà mạng không chịu trách nhiệm pháp luật với hành vi chiếm đoạt tài sản của các nghi can, tuy nhiên rõ ràng các nhà mạng đã có hành vi vô trách nhiệm để các tội phạm lợi dụng gây hậu quả nghiêm trọng. Mặt khác các nhà mạng đã thể hiện sự thiếu tôn trọng quyền lợi của khách hàng. Vì hiện nay, các nhà mạng đều thuộc sở hữu nhà nước vì vậy cần xem xét các kỷ luật thích hợp. Luật sư Nguyễn Văn Hướng (Đoàn Luật sư Hà Nội)