Dùng dao gây thương tích vì vô cớ bị "trận đòn dạy bảo" - có phải là phòng vệ chính đáng?

ANTD.VN - Gia đình Hoàng Đình Q. (SN 1989) mới chuyển nhà về khu chung cư. Những lúc rảnh rỗi, Q. thường tập võ thuật. Đinh Quốc T. (SN 1990) là thanh niên cùng khu chung cư cho rằng Q. thích thể hiện nên cần phải “dạy bảo” cho Q. một bài học. T. nói ý định ấy với Nguyễn Thanh C. (SN 1993), Đỗ Tuấn B. (SN 1991) và Phạm Thái S. (SN 1994) là thanh niên cùng khu và được cả 3 hưởng ứng...

Buổi tối, khi biết Q. ở nhà một mình, khoảng hơn 1h sáng, Q. đang ngủ thì bị T. đập cửa gọi dậy “đi uống rượu” ra mắt. Tưởng thật, Q. dậy đi theo T. Ra tới khu vực bãi đất trống gần khu chung cư thì C., B. và S. cùng đi ra. 4 người đứng xung quanh, T. nói: “Đây, thằng này mới về, lắm võ ngông nghênh lắm”. Ngay sau câu nói đó, lần lượt 4 người xông vào đấm đá Q. Khi C. xông vào đấm thì Q. vừa chống đỡ, vừa lùi về phía không có người.

Khi B. lao vào đánh, Q. liền lấy con dao nhíp nhỏ trong túi quần ra (kiểu dao lưỡi gập vào thân, lưỡi dài 7cm), bật lưỡi dao đâm B. nhưng không trúng và bị trượt chân ngã. S. tiếp tục xông vào đánh thì Q. đứng dậy vung dao đâm trúng ngực S. rồi bỏ chạy. T. chạy tắt đón chặn đường và đạp Q. Q. lại chạy vòng theo lối khác, vừa chạy vừa tri hô kêu cứu. S. sau đó được đưa đến bệnh viện cấp cứu với thương tích 33% sức khỏe.

Vấn đề đặt ra trong trường hợp này là hành vi của Hoàng Đình Q. có phạm tội không?

Dùng dao gây thương tích vì vô cớ bị "trận đòn dạy bảo" - có phải là phòng vệ chính đáng? ảnh 1Ảnh minh họa

Ý kiến bạn đọc

Phạm tội trong trạng thái bị kích động về tinh thần

Trong trường hợp này, Hoàng Đình Q. đã phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh theo Điều 135, Bộ luật Hình sự năm 2015. Có thể thấy, nhóm của Đinh Quốc T. chỉ vì “ngứa mắt” khi thấy Hoàng Đình Q. lúc rảnh rỗi thường tập võ thuật nên đã có ý định “dạy bảo” cho Q. một bài học. Việc 4 người trong nhóm của T. vô cớ lần lượt xông vào đấm đá Q. đã gây ra trạng thái kích động tinh thần đối với Q. Điều này đã khiến Q. có hành động rút dao đâm bị thương Phạm Thái S. Tôi cho rằng hành động cố ý gây thương tích này của Q. tuy xảy ra trong trạng thái tinh thần bị kích động xong vẫn phải chịu trách nhiệm về mặt pháp luật.

Đỗ Thúy Hà (Con Cuông - Nghệ An)

Không phạm tội 

Trong vụ việc này, Hoàng Đình Q. không phải chịu trách nhiệm hình sự vì đây là trường hợp phòng vệ chính đáng. Có thể thấy, nhóm của Đinh Quốc T. có 4 người, trong khi Q. chỉ có một mình. Nhóm của T. vô cớ tấn công Q., trong khi Q. không hề có sự phòng bị. Ban đầu khi bị tấn công Q. chỉ chống trả bằng tay không, tuy nhiên khi mức độ tấn công tăng lên Q. mới sự dụng dao để chống trả. Việc chống trả này của Q. là cần thiết và để bảo vệ lợi ích hợp pháp của Q., tránh việc bị nhóm của T. đánh gây thương tích. Do đó, hành động của Q. là phòng vệ chính đáng và không phạm tội.

Nguyễn Thanh Tú (Bảo Thắng - Lào Cai)

Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng

Căn cứ theo nội dung vụ việc, Hoàng Đình Q. đã phạm tội cố ý gây thương tích cho người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng theo Điều 136, Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo quy định của pháp luật, vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại. Ở đây nhóm của Đinh Quốc T. tấn công Q. bằng tay không, nhưng Q. đã dùng dao để chống trả, gây ra thương tích cho Phạm Thái S. là 33% sức khỏe. Rõ ràng, hành vi chống trả của Q. là quá mức cần thiết và đã vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

Ngô Quốc Tuấn (Ý Yên - Nam Định)

Bình luận của luật sư

Điều 22, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về phòng vệ chính đáng như sau: “Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm”. Từ quy định về phòng vệ chính đáng nêu trên và đối chiếu với các tình tiết của vụ án, để xem xét hành vi của Hoàng Đình Q. có phải là phòng vệ chính đáng hay không, chúng ta phải xem xét toàn diện các tình tiết của vụ án như: mối tương quan lực lượng, hoàn cảnh nơi xảy ra vụ án; tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi trái pháp luật của nạn nhân, cường độ của sự tấn công của nạn nhân cũng như của người phòng vệ…

Căn cứ vào nội dung vụ việc, theo quan điểm của chúng tôi, hành vi của Hoàng Đình Q. là phòng vệ chính đáng, bởi các lý do sau đây:

- Thứ nhất, trong đêm khuya, khi một mình Q. đang đứng giữa nhóm của Đinh Quốc T. và sau câu nói của T.: “Đây, thằng này mới về, lắm võ nghênh ngang lắm” thì cả Nguyễn Thanh C., Đỗ Tuấn B. và Phạm Thái S. đều xông vào. Theo diễn biến vụ án, chúng ta nhận thấy: C. là người xông vào trước nhất (người đầu tiên tiếp cận Q. để đánh). Như vậy, khi C. lao vào đánh thì mặc dù có dao trong người, nhưng Q. chưa đưa ra chống đỡ mà vẫn lùi về phía sau và chống đỡ C. bằng tay không (có thể hình dung lúc này Q. đã có một khoảng cách nhất định với C.). B. là người thứ hai xông vào tiếp cận Q. để tấn công Q. Đến lúc này sự tấn công của nhóm T. vẫn đang tiếp diễn và đe dọa đến tính mạng của Q. và lúc này Q. mới đưa tay vào túi quần và lấy con dao ra để tấn công lại hành vi của B., tuy nhiên không trúng và bị trượt chân ngã. Lúc này, S. là người thứ ba trong nhóm của T., mặc dù thấy Q. bị ngã nhưng vẫn lao vào đánh Q. (có thể lúc này S. rất tức vì Q. đã tránh được đòn tấn công của hai người bạn mình). Rõ ràng, cường độ tấn công của nhóm T. không hề giảm mà ngày càng quyết liệt. Đứng trong hoàn cảnh đó, khi Q. đang bị ngã mà S. vẫn nhảy vào tấn công thì việc Q. vung con dao lên đâm S. là một hành vi phòng vệ chính đáng. Bởi lẽ, nếu Q. không dùng dao để tấn công lại nhóm của T. thì liệu Q. khó có thể thoát khỏi “trận đòn” hội đồng từ nhóm của T.

- Thứ hai, xét về tương quan lực lượng thì trong khi Q. chỉ có một mình, phía T. lại có đến 4 người. Xét về hành vi khách quan thì nhóm T. bao gồm C., B. và S. đều xông vào tấn công Q. với cường độ càng lúc càng quyết liệt với ý định “dạy bảo” cho Q.  một bài học. Điều này còn thể hiện khi Q. đã bỏ chạy mà T. vẫn không “bỏ qua” cho Q., T. chạy theo đạp Q. Điều này chứng tỏ rằng, nếu trong hoàn cảnh đó, nếu Q. không phòng vệ thì chắc chắn nhóm của T. nếu nhẹ thì cũng gây thương tích cho Q. còn nếu nặng thì có khi tính mạng Q. không được bảo toàn. Trên thực tế cho thấy, trong nhiều vụ án đã xảy ra có khi chỉ có một cú đá vào người, hay một cú đâm vào đầu đã dẫn đến làm chết người bị hại. Trong vụ án này, nếu Q. không có dao thì việc chạy thoát thân khỏi nhóm 4 thanh niên của T. mà không bị thương tích là điều khó xảy ra. Do đó, với mối tương quan lực lượng như vậy thì hành vi dùng dao tấn công để ngăn chặn sự tấn công của nhóm T. mà trực tiếp là S. là hoàn toàn cần thiết để bảo vệ tính mạng của Q.

- Thứ ba, qua diễn biến vụ án, chúng ta nhận thấy, bản thân Q. không hề muốn tấn công nhóm của T. Khi đâm S. được một nhát, Q. vẫn có thể tiếp tục tấn công S. vì lúc này S. đã bị thương, nhưng mục đích của Q. là để thoát thân khỏi nhóm của T., ngay cả khi tay vẫn cầm dao mà bị T. đuổi và đạp thì Q. vẫn không lấy dao tấn công lại T., chạy theo hướng khác và kêu cứu. Nhìn một cách toàn diện vụ án cho chúng ta thấy, Q. hoàn toàn không muốn gây thương tích cho nhóm của T. Việc Q. gây thương tích cho S. là chỉ để thoát thân và trong trường hợp này là cần thiết. 

Căn cứ vào nội dung vụ việc, chúng tôi không đồng ý với quan điểm cho rằng hành vi của Q. là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng vì Q. vung dao đâm S. gây thương tích 33% là quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại. Ở đây, vấn đề đặt ra là cần hiểu thế nào là quá mức cần thiết? Theo chúng tôi, trong bối cảnh Q. bị tấn công dồn dập, mặc dù đã dùng dao đâm B. không trúng, nhưng S. vẫn không hề sợ và vẫn lao vào đánh Q. thì việc Q. dùng dao đâm S. là hành vi cần thiết để bảo vệ tính mạng của mình. Lúc này, vì sự tấn công đang diễn ra quyết liệt, nên Q. không thể điều chỉnh, hay cân nhắc xem nên đâm vào chỗ nào trên người của S., hay đâm bao nhiêu nhát, đâm như thế nào, mà mục đích của Q. lúc này là làm triệt tiêu hành vi tấn công của S để Q. có cơ hội thoát thân.

Sự cần thiết ở đây được hiểu là sự cần thiết để đẩy lùi sự tấn công của người đang xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Chúng ta có thể nhận thấy lúc đầu khi bị C. tấn công thì Q. chưa đưa dao ra để phòng vệ. Có thể, lúc này Q. chưa nhận thấy tính chất nguy hiểm của hành vi tấn công của nhóm T. Nhưng đến khi lần lượt B. rồi S. lao vào tấn công tiếp thì rõ ràng hành vi của nhóm T. phải bị coi là hành vi nguy hiểm cho xã hội. Ngoài ra, việc giữa đêm khuya, nhóm T. gọi Q. ra và lao vào đánh Q. khi Q. không làm gì chúng thì theo tôi, hành vi này chính là hành vi nguy hiểm cho xã hội. Do đó, Q. đưa dao ra chống lại sự tấn công của nhóm T. là hoàn toàn cần thiết. 

Chúng tôi cũng không đồng tình với quan điểm Hoàng Đình Q. phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh theo Điều 135, Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo quy định của pháp luật, người bị kích động về tinh thần là người không còn nhận thức đầy đủ về hành vi của mình như lúc bình thường, nhưng chưa mất hẳn khả năng nhận thức. Lúc đó họ mất khả năng tự chủ và không thấy hết được tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình; trạng thái tinh thần của họ gần như người điên (người mất trí). Trạng thái này chỉ xảy ra trong chốc lát, sau đó tinh thần của họ trở lại bình thường như trước.

Trường hợp người phạm tội có bị kích động về tinh thần nhưng chưa tới mức mất khả năng tự chủ thì không gọi là bị kích động mạnh và không thuộc trường hợp cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh. Trong vụ việc này, sau khi lần lượt bị C., B. và S. lao vào tấn công, mặc dù Q. có bị kích động về tinh thần nhưng chưa tới mức mất khả năng tự chủ nên không thể xem Q. bị kích động mạnh. 

Luật sư Đinh Quốc Nam (Văn phòng Luật Phạm Thái)