Đủ trò giả danh, vào tận nhà để lừa đảo

ANTĐ - Không manh động, liều lĩnh như tội phạm cướp hay trộm đột nhập, đang xuất hiện không ít loại đối tượng chuyên “giả nai” hoặc đóng vai người tốt, tìm cách tiếp cận nhà dân (thường là các hộ có người già ở nhà), cửa hàng tạp hóa, lợi dụng sơ hở lấy cắp, đánh tráo tiền, tài sản giá trị. 

Đủ trò giả danh, vào tận nhà để lừa đảo ảnh 1

Tạo niềm tin cho gia chủ

Mắc bẫy lừa của đối tượng xấu là 2 cụ già mắt kém, sức yếu, trú ở đường Trần Khát Chân, phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Lúc ấy khoảng 16h, có 2 thanh niên tìm khi chỉ có 2 cụ ở nhà. Chúng tự giới thiệu là nhân viên hãng gas, được công ty phân công đến sửa chữa bếp gas cho gia đình. Để tạo niềm tin cho gia chủ, các đối tượng tặng ngay chai nước rửa bát. Sau khi được mời vào nhà, một tên đánh lạc hướng 2 cụ già ở khu vực bếp, tên còn lại lẻn lên gác. Chiều muộn, con cái 2 cụ trở về, nghe kể chuyện có nhân viên hãng gas đến mới giật mình, kiểm tra tài sản. Đúng như linh cảm, chiếc két sắt trên tầng 2 đã không cánh mà bay. Theo trình báo của gia đình bị hại, 2 “nhân viên hãng gas” đã mang đi số tài sản gồm hơn 200 triệu đồng, sổ tiết kiệm 100 triệu đồng, gần 20 nhẫn vàng cùng con lợn nhựa đựng tiền tiết kiệm 50 triệu đồng. 

Còn chị Trang, trú tại tổ 14, phường Long Biên, quận Long Biên, Hà Nội, nhớ lại: Lần ấy, chị ở nhà một mình thì nghe tiếng gọi bên ngoài. Có 2 phụ nữ ăn mặc khá lịch sự, nhẹ nhàng: “Em nhận thuốc phun diệt muỗi hộ bọn chị nhé. Để bọn chị vào trong nhà kiểm tra sơ bộ xem ổ muỗi ở chỗ nào”. “Xin lỗi các chị ở đâu ạ?”, chị Trang hỏi. “Bọn chị bên Ủy ban phường, đang có chiến dịch phun thuốc diệt muỗi mà em”. Vừa định mời 2 phụ nữ vào nhà thì mấy người hàng xóm của chị Trang nghe chuyện chạy sang. “Các chị ở phường, vậy có giấy tờ gì không? Sao phun thuốc diệt muỗi mà không thấy thông báo trên loa”. Thấy có đông người đến, 2 “cán bộ phường” tìm cách lủi đi. Về sau ra phường hỏi, chị Trang mới biết không có chiến dịch phun thuốc muỗi nào.

Trước đó không lâu, tại phường Thạch Bàn, quận Long Biên, cũng xảy ra một số vụ việc với thủ đoạn tương tự. Chiêu lừa xảy ra đối với cụ Nguyễn Thị Mai, 81 tuổi. Đang lúi húi chọn mua đôi dép trước cửa nhà, có 2 người đàn ông đi xe máy xuất hiện. “Con chào bác, bác khỏe không ạ. Chúng con là bạn của Linh đây”, 2 người đàn ông, 1 khoảng gần 50 tuổi, người còn lại trên dưới 30 tuổi, đon đả bắt chuyện. “Hôm trước cưới Linh bọn con không đến dự được, hôm nay tới chúc mừng nó”. Nghe nói thế, cụ Mai tin ngay, mời 2 vị khách vào nhà. Khách ngồi chừng 5 phút rồi xin phép về. Đến khi vợ chồng cậu con trai đi làm về, cụ Mai kể chuyện, mới giật mình: “Bọn con làm gì có bạn bè như thế”. Lên tầng 2 kiểm tra đồ đạc, gia đình cụ Mai phát hiện bị mất 2 chiếc kiềng, 1 lắc và 2 nhẫn vàng và tiền mặt để ở tủ phấn.

Đủ trò giả danh, vào tận nhà để lừa đảo ảnh 2

Cũng câu chuyện kẻ gian vào tận nhà để lừa đảo, chị Nguyễn Kim Anh, phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội chia sẻ: Sáng 17-12, khi đang ở cùng với 2 người người giúp việc thì có chuông cửa. Chị ra mở cửa thì thấy một phụ nữ khoảng 40 tuổi mặc cả bộ quần áo màu đen, 1 tay xách cặp, 1 tay cầm gói bột để thông bể phốt, tự giới thiệu là người của công ty môi trường đến làm vệ sinh bể phốt. Khi chị chưa kịp trả lời thì người phụ nữ đã tự ý xông vào nhà và từ lúc đó, người phụ nữ hỏi gì chị Kim Anh đều trả lời, nói gì cũng làm theo.

Chỉ đến khi người giúp việc nói với chị cái gói thông bể phốt này ở nhà có rất nhiều thì chị mới bừng tỉnh và bảo thôi không mua. Đúng lúc đó, bố chị xuất hiện, hỏi có việc gì thì người phụ nữ quay người đi thẳng. Mấy phút sau chị Kim Anh xây xẩm mặt mũi, hoa mắt, tim đập thình thịch, đứng không vững. “May hôm nay nhà mình đông người chứ nếu chỉ có một mình ở nhà câu chuyện có lẽ không chỉ dừng ở đó” - chị Kim Anh vẫn chưa hết bàng hoàng.

Tưởng nhầm… khách sộp

Trên mạng xã hội thời gian gần đây lan truyền khá nhiều thủ đoạn lừa đảo mà người dân mắc phải. Có người kể mình bị “đánh thuốc mê” trong lúc đi chợ (Khương Thượng, Đống Đa, Hà Nội) và bị đối tượng nữ ngoài 40 tuổi lấy mất 2 triệu đồng trong quá trình nhờ đổi tiền lẻ. Lại có chủ cửa hàng bán thẻ điện thoại ở phố Nguyễn Bỉnh Khiêm quả quyết bị “một thanh niên cao to” vào cửa hàng hỏi mua nhiều loại thẻ mệnh giá khác nhau của Viettel, MobiFone, VinaPhone, sau đó chủ cửa hàng “bỗng đứng sững người, không thể phản ứng, đưa hết những gì cầm trong tay cho người thanh niên”. Rất may đúng lúc đó, một số người dân phát hiện xúm lại, khiến gã thanh niên phải bỏ đi.

Cũng với thủ đoạn vờ làm khách sộp, khoảng 9h sáng 7-12, CAP Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội tiếp nhận đơn trình báo của chị Phùng Thị Thu, bán hoa quả tại đường Nguyễn Hoàng Tôn về việc mình vừa bị một đôi nam nữ lừa đảo. Theo trình báo của chị Thu, khi chị vừa dọn hàng có một đôi nam nữ đến mua hoa quả, nhìn phía sau chị có dán tờ rơi quảng cáo bán dầu đã để lại 100.000 đồng đặt mua dầu gội đầu số lượng lớn. Sau đó, chị Thu đã gọi điện theo số điện thoại trong tờ quảng cáo để đặt mua 200 gói với giá 60.000 đồng/gói. Khoảng hơn 1 giờ đồng hồ sau, có 2 người mang túi dầu gội đến, chị Thu đưa 600 USD để thanh toán. Có hàng, chị Thu gọi điện cho đôi nam nữ đã đặt hàng đến lấy nhưng không liên lạc được, mở hàng ra xem thì toàn là sản phẩm kém chất lượng. 

Câu chuyện khác được chị Nhu, trú ở phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ. Hôm đó tan ca chiều, chị Nhu đạp xe về nhà theo đường Xuân Thủy. Nhìn thấy một sợi dây chuyền rơi ra từ túi người đi xe máy rất chậm phía trước, chị Nhu dừng lại nhặt và gọi người đánh rơi sợi dây chuyền để trả. Tuy nhiên, khi chị tiếp xúc với người người phụ nữ vừa làm rơi đồ, lập tức bị “thôi miên”, đưa tay lên tháo sợi dây chuyền bằng vàng (3 chỉ) đưa cho chị ta. Khi người phụ nữ “thôi miên” phóng xe đi, chị Nhu mới biết bị lừa, liền tri hô và đuổi theo nhưng không kịp.  

Trao đổi với phóng viên ANTĐ, đại diện Phòng Kỹ thuật Hình sự, CATP Hà Nội cho biết, những thông tin về việc bị “phẩy khăn mùi xoa tẩm thuốc mê”, hay “thôi miên”, thực tế không nhiều đối tượng phạm tội làm được và cũng rất khó diễn ra. Nguyên nhân chủ quan nhất chính là sự mất cảnh giác của người dân trong quá trình tiếp xúc với kẻ gian. Còn theo đại diện Phòng Cảnh sát Hình sự, thời điểm áp chót “tháng củ mật” này, người dân cần hết sức cảnh giác với các loại tội phạm, đặc biệt là lừa đảo.

Nhiều đối tượng giả vờ vào nhà hoặc tiếp xúc ngoài đường để hỏi thăm, làm quen rồi lợi dụng sơ hở cho thuốc mê vào cốc nước hoặc đồ ăn khiến chủ nhà, người đối diện bị ngấm thuốc rồi trộm cắp tài sản.

Ghi nhận của Phòng Cảnh sát Hình sự cho thấy, thủ đoạn của đối tượng hiện nay là tự nhận nhân viên tiếp thị, nhân viên phát quà, người quen, mục đích tìm mọi cách để vào được nhà, từ đó lục soát lấy cắp tài sản. “Điểm đến” của loại đối tượng này là những xóm trọ, các khu dân cư xa trung tâm, vắng người sinh sống, những hộ dân biệt lập. Ngoài trò nhận làm người quen hay nhân viên tiếp thị, có đối tượng còn vờ vào nhà xin uống nước, rửa tay, đi vệ sinh, thậm chí vờ bị tai nạn giao thông để tìm mọi cách xin vào trong nhà “con mồi”.

Có trường hợp, đối tượng khống chế người già, trẻ nhỏ để thực hiện đến cùng hành vi phạm tội. Do đó, để không bị kẻ gian lợi dụng lừa đảo, người dân cần cảnh giác, không mở cửa cho bất cứ ai khi ở nhà một mình. Nếu thấy người lạ mời mua hàng hóa, cần gọi những người xung quanh cùng có mặt, tránh bị “thôi miên” để tiền mất tật mang.