Dư luận bức xúc vì hành vi trái luật

(ANTĐ) - Sau khi Báo ANTĐ số ra ngày 1-12-2010 có đăng bài: “Nấu và bán đấu giá cao hổ từ hổ bị tịch thu”, phản ánh về việc UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép một số đơn vị thực hiện bán đấu giá số lượng cao hổ lớn từ tang vật tịch thu, đã gây ra sự phản ứng mạnh mẽ từ phía dư luận và nhiều nhà khoa học. Để có những đánh giá rõ hơn về vấn đề này, Báo ANTĐ xin trích dẫn ý kiến của các luật sư.

Cho phép đấu giá cao hổ:

Dư luận bức xúc vì hành vi trái luật

(ANTĐ) - Sau khi Báo ANTĐ số ra ngày 1-12-2010 có đăng bài: “Nấu và bán đấu giá cao hổ từ hổ bị tịch thu”, phản ánh về việc UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép một số đơn vị thực hiện bán đấu giá số lượng cao hổ lớn từ tang vật tịch thu, đã gây ra sự phản ứng mạnh mẽ từ phía dư luận và nhiều nhà khoa học. Để có những đánh giá rõ hơn về vấn đề này, Báo ANTĐ xin trích dẫn ý kiến của các luật sư.

Hổ là một trong những loài động vật cần được bảo tồn
Hổ là một trong những loài động vật cần được bảo tồn

Đấu giá tang vật tịch thu là trái với quy định của pháp luật

Hiện nay, tất cả các loài động vật hoang dã đều được bảo vệ trong Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004.  Riêng các loài như hổ, gấu, voi ,cu li,… được bảo vệ trong Nghị định 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ về việc quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, thuộc nhóm I B.

Theo quy định tại nghị định này, loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm là loài thực vật, động vật có giá trị đặc biệt về kinh tế, khoa học và môi trường, số lượng còn ít trong tự nhiên hoặc có nguy cơ bị tuyệt chủng, thuộc danh mục các loài thực vật, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm do Chính phủ quy định.

Điều 9, nghị định này cũng quy định: “Nghiêm cấm chế biến, kinh doanh thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, nhóm I A, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, nhóm I B và nhóm II B từ tự nhiên và sản phẩm của chúng vì mục đích thương mại”. Thông tư 90/2008/TT-BNN hướng dẫn xử lý tang vật là động vật rừng sau khi xử lý tịch thu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành ghi rõ: Tang vật là động vật rừng đã chết hoặc bộ phận của chúng thuộc nhóm I B được xử lý bằng một trong những biện pháp: Chuyển giao cho cơ quan khoa học, cơ sở đào tạo, giáo dục môi trường, bảo tàng chuyên ngành, cơ quan quản lý chuyên ngành, trung tâm cứu hộ loài đó để làm tiêu bản hoặc chuyển giao cơ sở y tế để nghiên cứu, bào chế thuốc; Tiêu huỷ trong trường hợp tang vật mang bệnh hoặc không xử lý được bằng biện pháp trên.

Do vậy, việc UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép một số đơn vị thực hiện bán đấu giá số lượng cao hổ lớn từ tang vật tịch thu là một việc làm trái với quy định của pháp luật. Xét về bản chất đây là hành động thương mại hóa và vô hình trung tiếp tay cho việc mua bán, săn bắt động vật quý hiếm. Giải pháp cụ thể với động vật hoang dã là chuyển giao cho cơ sở nghiên cứu khoa học hoặc tiêu hủy. Trên thực tế, khung hình phạt đối với hành vi săn bắt, buôn bán động vật hoang dã chưa đủ mạnh nên đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng này ngày càng tăng.

(Luật sư Nguyễn Thị Thu Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội)

Tránh hành vi tiếp tay tiêu thụ động vật hoang dã

Ở Việt Nam, cũng như các nước khác trong khu vực Đông Nam Á, hoạt động buôn lậu động thực vật hoang dã đã đẩy nhiều loài như hổ, voi châu Á, tê giác Java và đồi mồi đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, đồng thời khiến cho quần thể của nhiều loài khác suy giảm nghiêm trọng.

Thực tế hiện nay cho thấy, có quá nhiều người tin cao hổ có thể chữa được bệnh đã khiến tình trạng buôn bán, săn bắt hổ đang ở mức báo động. Trên thế giới, đặc biệt là những nước phát triển, những đối tượng có hành vi buôn bán, săn bắt động vật hoang bị xã hội lên án và pháp luật xử lý rất nặng. Bên cạnh đó, Hiệp hội Cấm săn bắt động động hoang dã của những nước này cũng đứng ra chống lại hành động săn bắt động vật hoang dã khá mạnh mẽ và người dân rất ý thức trong việc bảo vệ, tố cáo những đối tượng có hành vi này.

Trước tình trạng nhiều vụ việc vi phạm liên quan đến buôn bán, săn bắt động vật hoang dã diễn ra trong thời gian gần đây thì vấn đề đặt ra là làm thế nào để phát hiện và xử lý triệt để hơn tình trạng này là một trong những vấn đề “nóng” cần sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng. Trong trường hợp số lượng cao hổ được cơ quan chức năng thu giữ đã được cơ quan thẩm định xác nhận đảm bảo không gây hại cho sức khỏe con người thì cần phải được áp dụng bằng các biện pháp quy định trong luật và các văn bản luật hoặc tiêu hủy hoàn toàn. Tang vật vi phạm, vật chứng là thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và sản phẩm của chúng được quản lý và xử lý theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, pháp luật về tố tụng hình sự.

Việc bán đấu giá cần phải được ngăn chặn kịp thời, nếu không cơ quan Nhà nước vô hình trung tiếp tay cho việc đưa hàng hóa này ra thị trường lưu hành và mất đi tính răn đe, nghiêm minh của pháp luật. Hơn nữa, Việt Nam đã ký cam kết trong Công ước CITES - Công ước quốc tế về buôn bán các loài động thực vật hoang dã nguy cấp. Nếu chúng ta không xử lý nghiêm minh những vụ việc liên quan đến buôn bán động vật hoang dã một cách mạnh mẽ và triệt để hơn sẽ tạo ra hình ảnh không đẹp trong công cuộc chung bảo vệ động vật hoang dã không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới.

(Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Thanh Hà  Giám đốc Công ty Luật TNHH S&B)

Ngọc Hân (Thực hiện)