Đối tượng hủy hoại gần 3000 buồng chuối ở Gia Lâm, Hà Nội phải ngồi tù tới 20 năm?

ANTD.VN -Những ngày qua, dư luận xôn xao trước thông tin gần 3000 buồng chuối của một gia đình ở xã Dương Hà, huyện Gia Lâm, Hà Nội bỗng dưng chín rụng bất thường nghi bị kẻ xấu phun thuốc kích thích với thiệt hại lên tới hàng trăm triệu đồng. Nhiều người đặt câu hỏi, nếu việc phun thuốc là có thật thì đối tượng thực hiện hành vi này sẽ bị xử lý ra sao?

Vườn chuối trên của gia đình chị Đỗ Thị Thủy, quê ở Hưng Yên. Theo chị Thủy, sáng 22-11, khi ra vườn, chị phát hiện hàng loạt buồng chuối tuy còn non nhưng bỗng chuyển vàng, chín, nứt toác và rụng xuống. Bẻ các quả chuối chín non này ra, chị Thủy thấy bên trong ruột không có mùi thơm như chuối chín tự nhiên cho thấy có dấu hiệu chứng tỏ kẻ gian đã phun thuốc kích thích vào các buồng chuối này.

Ngay sau khi xảy ra sự việc, chủ vườn đã cung cấp mẫu thuốc nghi vấn và các thông tin liên quan cho cơ quan công an. Hiện vụ việc đang được lực lượng chức năng xác minh, làm rõ.

Cũng theo chủ vườn chuối, nếu tính theo giá thị trường ở thời điểm hiện tại, ước tính gia đình bị thiệt hại khoảng 500 triệu đồng, còn nếu vào dịp Tết thì giá trị của số chuối bị hủy hoại cao hơn nhiều.

Nhiều buồng chuối bỗng dưng bị chín ép, rụng tơi tả

Phân tích sự việc trên dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Tiến Hòa – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, nếu có đủ căn cứ chứng minh việc phun thuốc kích thích vào các buồng chuối nhằm hủy hoại tài sản là có thật, đối tượng thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” theo Điều 178 BLHS 2015 sửa đổi.

Theo đó, người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2-dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm; Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ...thì bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng-3 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50-dưới 200 triệu đồng; Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác…thì bị phạt tù từ 2-7 năm.

Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200-dưới 500 triệu đồng, thì bị phạt tù từ 5-10 năm. Trường hợp gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 10-20 năm.

Cũng theo Luật sư Nguyễn Tiến Hòa, về mặt khách thể, tội Huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản không xâm phạm đến quan hệ nhân thân mà chỉ xâm phạm đến quan hệ sở hữu. Chủ thể tội phạm có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, phải là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội mà ở đây là hành vi hủy hoại tài sản hoặc làm hư hỏng tài sản của người khác.

Về mặt khách quan, huỷ hoại tài sản là làm cho tài sản mất hẳn giá trị sử dụng không thể khôi phục lại được. Toàn bộ giá trị tài sản không còn.

Làm hư hỏng tài sản là làm giảm đáng kể giá trị sử dụng của tài sản và giá trị sử dụng bị giảm đó có thể khôi phục được (có thể khôi phục lại như cũ, nhưng có thể chỉ khôi phục lại được một phần).

Hành vi huỷ hoại hoặc làm hư hỏng tài sản được thực hiện bằng nhiều phương thức khác nhau tuỳ thuộc vào thủ đoạn mà người phạm tội thực hiện như: Đốt cháy, đập phá, dùng chất độc, hoá chất…

Về mặt chủ quan, người phạm tội chỉ có mong muốn duy nhất là huỷ hoại hoặc làm hư hỏng tài sản của người khác. Đây cũng là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm.

"Theo thông tin chủ vườn cung cấp, thiệt hại của 3.000 buồng chuối ước tính có giá trị khoảng 500 triệu đồng. Với mức thiệt hại này, đối tượng phạm tội có thể bị phạt tù từ 10 đến 20 năm. Tuy vậy, để xử lý đúng người, đúng tội, cơ quan chức năng cần xác định chính xác mức độ thiệt hại về tài sản để có hình thức xử lý tương xứng" - Luật sư Nguyễn Tiến Hòa nhận định.