Đối tượng hành hung 2 bác sỹ ở Yên Bái sẽ bị xử lý thế nào?

ANTD.VN -Vào mùng 5 Tết Nguyên đán Mậu Tuất, tại Bệnh viện Sản Nhi Yên Bái đã xảy ra vụ người nhà bệnh nhân hành hung 2 bác sỹ của bệnh viện khiến 2 người này bị trọng thương. Sau sự việc này, vấn đề người dân quan tâm hiện nay là đối tượng hành hung 2 bác sỹ liệu có bị xử lý hình sự?

Người có hành vi hành hung 2 bác sỹ  tại Bệnh viện Sản Nhi Yên Bái gây xôn xao dư luận những ngày qua là người nhà của sản phụ  Q.T.P.T (25 tuổi ở Tp.Lào Cai, tỉnh Lào Cai) đến bệnh viện để sinh con. Sau khi có chỉ định phẫu thuật lấy thai, sản phụ T được chuyển vào phòng mổ. Trong khi đó, người nhà của sản phụ này đã trèo lên cửa sổ phòng mổ để quay phim, chụp ảnh nhưng bị các bác sĩ nhắc nhở.

Khi các bác sỹ ra khỏi phòng mổ, đối tượng đã lao vào hành hung khiến hai bác sỹ là Phạm Hải Ninh, Khoa Gây mê hồi sức và bác sỹ Hoàng Đức Trung, Khoa Sản bị thương ở vùng đầu, mặt. Hiện CATP Yên Bái đang phối hợp với các lực lượng chức năng xác minh, làm rõ vụ việc.

Không ít y bác sỹ đã bị chính người nhà bệnh nhân hành hung (ảnh minh họa)

Liên quan đến sự việc trên, Luật sư Nguyễn Tiến Hòa – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, đó là hành vi trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe của công dân được pháp luật bảo vệ, ảnh hưởng xấu đến ANTT tại khu vực. Hành vi phạm tội của đối tượng đã xâm hại đến 2 khách thể được BLHS 2015 điều chỉnh, đó là sức khỏe của công dân và an ninh trật tự nơi công cộng.

Cũng theo Luật sư Nguyễn Tiến Hòa, nếu hành vi trên gây thương tích cho các bác sĩ với tỉ lệ 11% trở lên, đối tượng thực hiện có thể bị xem xét xử lý hình sự theo quy định tại Điều 134 BLHS 2015 về tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.

Cụ thể là, người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11-30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp: Dùng hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn gây nguy hại cho từ 2 người trở lên; Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân; Phạm tội đối với 2 người trở lên; Có tổ chức; Có tính chất côn đồ; Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân… thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng-3 năm.

 Cũng theo điều luật trên, người chuẩn bị phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng-2 năm. Nếu gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31-60% thì  người phạm tội bị phạt tù từ 4-7 năm. Tuy vậy, để có căn cứ xử lý các đối tượng về tội Cố ý gây thương tích thì bị hại cần có đơn yêu cầu xử lý và kết quả giám định tỷ lệ thương tật của nạn nhân.

“Mặc dù đối với tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác cần đảm bảo tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% trở lên mới đủ cơ sở xem xét, xử lý hình sự, song trong vụ việc trên, do đối tượng có hành vi côn đồ, gây thương tích cho 2 nạn nhân, việc thực hiện hành vi phạm tội xuất phát từ lý do công vụ của các nạn nhân nên nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, cơ quan tiến hành tố tụng vẫn có thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can ngay trong trường hợp tỷ lệ tổn thương cơ thể của các bác sĩ dưới 11%” – Luật sư Nguyễn Tiến Hòa nhận định.

Còn trong trường hợp chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự, người thực hiện hành vi xâm hại hoặc thuê người xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của người khác sẽ bị xử lý hành chính theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 2-3 triệu đồng.

Nếu gây ra thương tích ở mức độ nhẹ, người thực hiện hành vi còn có thể bị xử lý về tội Gây rối trật tự công cộng. Theo Điều 318 BLHS 2015, người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng-2 năm.