Định tội danh với người đem giấy tờ nhà giả mạo đi vay tiền

ANTD.VN - Nguyễn Trọng K. (SN 1973) cùng 2 người chưa rõ lai lịch đến một văn phòng công chứng làm thủ tục công chứng để vay 200 triệu đồng của ông Đinh Văn N. (SN 1963). Hợp đồng vay được thế chấp bằng một căn nhà. Trong lúc làm thủ tục, công chứng viên phát hiện toàn bộ giấy tờ liên quan đến căn nhà trên đều là giả nên báo Công an phường đến đưa K. về trụ sở làm việc. Hai người đi với K. đã nhanh chân tẩu thoát. 

Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Trọng K. khai được bạn đưa bộ hồ sơ giả một căn nhà nhằm mục đích tìm người cho vay. Sau đó cả nhóm thống nhất sẽ chiếm đoạt tiền của người cho vay thông qua hình thức thế chấp số giấy tờ giả trên. Qua các mối quen biết, K. đã tìm được ông N. đồng ý cho vay 200 triệu đồng để “mở cơ sở điện lạnh”. Bù lại, K. sẽ làm thủ tục thế chấp căn nhà cho ông N. Khi cùng ông N. đến phòng công chứng làm thủ tục, K. được đồng bọn chỉ dẫn là giả mạo chủ sở hữu căn nhà thế chấp, khi ký tên vào hợp đồng vay cũng ký và ghi tên của người này. 

Vấn đề đặt ra là trong vụ việc này Nguyễn Trọng K. đã phạm tội gì?

Định tội danh với người đem giấy tờ nhà giả mạo đi vay tiền ảnh 1Ảnh Internet

Ý kiến bạn đọc

Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức

Trong vụ việc này, Nguyễn Trọng K. đã phạm tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức theo Điều 341, Bộ luật Hình sự năm 2015. Mặc dù trong vụ việc này có dấu hiệu của tội lừa đảo, tuy nhiên tội lừa đảo có cấu thành vật chất, tức phải có hậu quả xảy ra thì mới có thể xử lý hình sự được. Nguyễn Trọng K. chưa chiếm đoạt được tài sản của ông Đinh Văn N., tức tội phạm lừa đảo chưa hoàn thành. Trong trường hợp này, hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức của K. đã rõ ràng và bị phát hiện nên chưa chiếm đoạt được tài sản. Vì vậy chỉ có thể xử lý Nguyễn Trọng K. về tội là làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Nguyễn Thị Ánh Hà (Đông Triều - Quảng Ninh)

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Trường hợp này Nguyễn Trọng K. đã phạm tội là lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174, Bộ luật Hình sự năm 2015. Có thể thấy, hành vi làm giả giấy tờ của K. trong vụ án này chỉ là một thủ đoạn gian dối của hành vi lừa đảo. Nói cách khác, hành vi làm giấy tờ giả của K. và các nghi can đã bị thu hút vào tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nên chỉ cần xem xét về tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản là phù hợp với nguyên tắc suy đoán có lợi cho nghi can. Dấu hiệu đặc trưng của tội lừa đảo là dùng thủ đoạn gian dối. Các nghi can trong vụ việc này làm giấy tờ giả nghĩa là đã dùng thủ đoạn gian dối để nhằm mục đích đưa cho người bị hại làm tin. Việc lừa đảo trong vụ việc này là một chuỗi hành vi làm giả giấy tờ, dụ dỗ và kết thúc là chiếm đoạt được tiền của nạn nhân. Do đó cần xử lý Nguyễn Trọng K. về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hà Quốc Thanh (TP Yên Bái - Yên Bái)

Phạm cả hai tội

Tội làm giả giấy tờ của Nguyễn Trọng K. và đồng bọn đã hoàn thành sau khi làm xong bộ giấy tờ giả. Tiếp đó, các nghi can dùng giấy tờ giả đi thực hiện hành vi phạm tội khác là lừa đảo. Tôi cho rằng, trường hợp làm giả giấy tờ rồi đem đi lừa đảo, về lý thuyết đã cấu thành hai tội độc lập. Hành vi của Nguyễn Trọng K. và đồng bọn cũng đã xâm phạm đến hai khách thể khác nhau. Vì vậy, để răn đe và phòng ngừa tội phạm, trong các trường hợp việc làm giả giấy tờ mang tính nguy hiểm cao (lừa tài sản có giá trị rất lớn, làm giả nhiều giấy tờ, lừa nhiều người…) thì cần phải xử cả hai tội để thực hiện tính nghiêm minh của pháp luật. 

Vũ Thúy Hải (Bố Trạch - Quảng Bình)

Bình luận của luật sư

Nếu đọc qua nội dung vụ việc, sẽ có nhiều ý kiến khác nhau về tội danh của người vi phạm như ở trên. Có ý kiến cho rằng chỉ có thể xử lý hình sự người vi phạm về một tội là lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Ngược lại, cũng có ý kiến cho rằng phải xử lý về cả hai tội. 

Theo Điều 174, Bộ luật Hình sự năm 2015, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là người phạm tội đã dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác. Thủ đoạn gian dối được coi là dùng công cụ, phương tiện thực hiện tội phạm của người phạm tội. Tùy từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội sử dụng công cụ, phương tiện khác nhau để lừa được người khác. Nếu phương tiện, công cụ mà người phạm tội sử dụng cấu thành một tội phạm cụ thể thì người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về hai tội. Trường hợp làm giả giấy tờ và nếu hành vi này cấu thành tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức thì người phạm tội phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hai tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức. Trường hợp này cũng giống trường hợp sử dụng súng quân dụng để giết người thì người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người và tội sử dụng trái phép vũ khí quân dụng.

Về lý luận, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là tội cấu thành vật chất nhưng không vì thế mà cho rằng người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản thì không cấu thành tội này. Cũng như đối với các tội phạm cấu thành vật chất khác được thực hiện do cố ý, hậu quả chưa xảy ra là ngoài ý muốn của người phạm tội. Nếu cho rằng đối với tội cấu thành vật chất, hậu quả chưa xảy ra thì chưa cấu thành tội phạm, có lẽ Bộ luật Hình sự cũng không cần quy định trường hợp chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt nữa.

Nếu người phạm tội mới chuẩn bị giấy tờ giả (công cụ, phương tiện phạm tội) chưa giao dịch với người bị hại thì trường hợp lừa đảo chiếm đoạt tài sản này mới ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội. Người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, Điều 14, Bộ luật Hình sự (Chuẩn bị phạm tội). Nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản này thì sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nếu người phạm tội đã chuẩn bị giấy tờ giả (công cụ, phương tiện phạm tội) để giao dịch với người bị hại nhưng người bị hại phát hiện, không giao tài sản thì trường hợp này là phạm tội chưa đạt. Người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 174, Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, khi quyết định hình phạt, tòa sẽ áp dụng thêm Điều 15, Bộ luật Hình sự (phạm tội chưa đạt).

Trở lại vụ việc nêu trên, đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hành vi của Đinh Trọng K. ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội. Do tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản không phải chịu trách nhiệm hình sự ở giai đoan chuẩn bị phạm tội (theo khoản 2, Điều 14, Bộ luật Hình sự),  Nguyễn Trọng K. sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Về tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức, Nguyễn Trọng K. mới đến văn phòng công chứng để công chứng giấy tờ giả thì bị phát hiện; K. chưa đưa giấy tờ giả cho ông Đinh Văn N. nên với tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức theo Điều 341, Bộ luật Hình sự năm 2015, trường hợp của K. là phạm tội chưa đạt (chưa công chứng được). Như vậy trong vụ việc này, theo quan điểm của chúng tôi, Đinh Trọng K. chỉ phạm một tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Luật sư Đoàn Mạnh Hùng (Văn phòng Luật sư Hùng Mạnh)

Điều 341. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức

1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 2 lần trở lên;

c) Làm từ 2 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;

d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;

đ) Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm: 

a) Làm 6 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;

b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.