Diễn tiến điều tra mới nhất của giai đoạn 2 vụ án Ngân hàng Xây dựng Việt Nam

ANTD.VN - Ngày 12-1, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã kết luận điều tra vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Tín (TrustBank), nay là Ngân hàng thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (VNCB).

Bị can Hứa Thị Phấn

Cơ quan CSĐT đề nghị truy tố bị can Hứa Thị Phấn, nguyên cố vấn cao cấp HĐQT TrustBank, nguyên chủ tịch HĐQT Công ty CP đầu tư phát triển Phú Mỹ; Ngô Kim Huệ, nguyên phó TGĐ TrustBank, giám đốc Công ty TNHH Phú Mỹ; Bùi Thị Kim Loan, kế toán Công ty TNHH Phú Mỹ cùng về hai tội danh “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Bị can Lâm Kim Dũng, nguyên giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Lam Giang bị đề nghị truy tố về tội danh “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Ngoài ra, có 24 bị can khác bị đề nghị truy tố về tội danh “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Theo kết luận điều tra, tháng 6-2010, vốn điều lệ của TrustBank là 3.000 tỷ đồng, vốn pháp định là 1.000 tỷ đồng. Bị can Hứa Thị Phấn cùng Công ty CP đầu tư phát triển Phú Mỹ và 14 người thân đứng tên giúp (gọi tắt là nhóm Phú Mỹ) tham gia mua hơn 254 triệu cổ phần TrustBank, tương đương hơn 2.500 tỉ đồng, chiếm gần 85% vốn điều lệ và giữ chức vụ cố vấn cao cấp HĐQT ngân hàng này.

Với vị trí của mình, bà Phấn đã thực hiện nhiều hành vi sai phạm để chiếm đoạt và sử dụng hơn 12.000 tỉ đồng.

Cụ thể: nâng khống căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch bán cho TrustBank, chiếm đoạt và gây thiệt hại hơn 1.105 tỉ đồng; Hạch toán, thu khống để sử dụng trái pháp luật hơn 5.256 tỉ đồng; Thông qua 29 khoản vay của nhóm Phú Mỹ chiếm đoạt và sử dụng hơn 3.581 tỉ đồng; Chỉ đạo TrustBank đầu tư trái pháp luật vào 4 dự án bất động sản, chiếm đoạt và sử dụng hơn 1.037 tỉ đồng và nâng khống 25 bất động sản khác bán cho TrustBank để chiếm đoạt và sử dụng hơn 1.024 tỉ đồng.

Các hành vi vi phạm nghiêm trọng nêu trên là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng tình hình tài chính TrustBank bị Ngân hàng Nhà nước xếp loại ngân hàng yếu kém.

Đến nay, CQĐT đã làm rõ và kết luận hành vi của Hứa Thị Phấn cùng các bị can đã gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho TrustBank hơn 6.362 tỉ đồng, chưa tính khoản 5.643 tỉ đồng thiệt hại do 3 hành vi khác của bị can Phấn được tách ra điều tra tại giai đoạn 2 của vụ án.

Về hành vi Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, do vụ án đã hết hạn điều tra không thể hoàn thành sớm việc điều tra đối với tất cả các tội phạm, nên CQĐT đã tách các vụ án, sự việc và đối tượng để điều tra tiếp, gồm: tách vụ án hình sự “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” liên quan đến 29 khoản vay của nhóm Phú Mỹ của bị can Phấn ra khỏi vụ án hình sự số 05/HSST-QĐKTV ngày 9-9-2016 của HĐXX sơ thẩm giai đoạn 1 vụ án Phạm Công Danh, để tạm đình chỉ điều tra vụ án chờ kết quả xử giai đoạn 2 vụ án Phạm Công Danh sẽ xử lý sau.

Tách 2 hành vi của bị can Hứa Thị Phấn để điều tra theo thủ tục xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015, gồm: hành vi Hứa Thị Phấn chỉ đạo TrustBank đầu tư trực tiếp 1.037 tỉ đồng vào 4 dự án bất động sản cho 3 công ty của Phấn làm chủ đầu tư, gây thiệt hại cho TrustBank hơn 1.037 tỉ đồng.

Hành vi của Hứa Thị Phấn chỉ đạo một số cán bộ, nhân viên TrustBank nâng khống giá trị 25 bất động sản bán cho TrustBank gây thiệt hại 1.024 tỉ; tách nội dung bị can Hứa Thị Phấn tố cáo công ty Phương Trang chiếm đoạt 748,2 tỉ theo 6 giấy biên nhận tiền từ Bùi Thị Kim Loan để tiếp tục điều tra.