Đi ăn trộm, nhưng ngủ quên trong tủ, bị phát hiện, có phạm tội không?

ANTD.VN - Ngày 24-10-2016, Nguyễn Văn A. (SN 1990), trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội gọi “xe ôm” đi lang thang lên đường Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, Hà Nội với ý định tìm nhà dân sơ hở để đột nhập trộm cắp tài sản. 

Trước đó, để thực hiện hành vi trộm cắp, A. đã mua sẵn một chiếc búa đinh, dao phay, cuộn băng dính cất giấu trong người. Đến khoảng 3h sáng ngày 26-10, A. lang thang trên đường thì phát hiện nhà bà Trần Thị X. (SN 1945) sơ hở nên đã trèo từ cột điện của ngôi nhà gần đó lên các nóc nhà lân cận rồi đột nhập vào tầng tum của nhà bà X. Do lúc này bị động, A. đã lẻn vào tủ gỗ đặt tại tầng tum của ngôi nhà và nằm ngủ quên trong đó. 

Khi trời sáng, chủ nhà lên tầng 3 mở tủ lấy đồ thì phát hiện A. nằm trong tủ. A. vùng dậy cầm búa đinh đuổi đánh liên tiếp khiến bà Trần Thị X. (SN 1945) gục ngã. Sau tiếng kêu cứu thất thanh của mẹ, người con trai của bà X. là anh Lê Hoàng M. (SN 1977), đã chạy từ tầng 1 lên, tay cầm chiếc lưỡi xẻng để tự vệ và bắt gặp A. Thấy anh M., A. tiếp tục lao vào tấn công quyết liệt, đồng thời chuyến hướng chạy xuống tầng 1 để thoát thân nhưng cửa tầng 1 bị khóa.

Trước sự manh động của A. anh M. đã nhanh trí “đầu hàng” và bình tĩnh cho đối tượng một lối thoát, đồng thời van xin để cho đưa mẹ đi cấp cứu. Vừa nói anh M. vừa ném chìa khóa cửa nhà về phía đối tượng để cho hắn tự ý mở ra chạy đi. Khi A. đã ra khỏi anh M. liền tri hô kêu cứu. Nghe thấy vậy, người dân đã có mặt cùng gia đình giúp đỡ đưa nạn nhân đi cấp cứu, đồng thời cùng cơ quan công an vây bắt đối tượng.

Vấn đề cần tranh luận ở đây là hành vi của Nguyễn Văn A. trong vụ việc này có phạm tội gì?

Ý kiến bạn đọc 

Phạm tội chưa đạt nhưng đã hoàn thành

Hành vi của Nguyễn Văn A. phải bị xử lý hình sự về tội trộm cắp tài sản theo khoản 1, Điều 138, Bộ luật Hình sự vì hành vi của A. đã thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội danh trên như: mua sẵn một chiếc búa đinh, dao phay, cuộn băng dính cất giấu trong người, bắt “xe ôm” đi lang thang lên đường với ý đồ tìm nhà dân sơ hở để đột nhập trộm cắp tài sản.

Khi phát hiện nhà bà X. sơ hở, A. đã trèo từ cột điện của ngôi nhà gần đó lên các nóc nhà lân cận rồi đột nhập vào tầng tum của nhà bà X. Việc A. chưa thực hiện việc trộm cắp là do bị động nên đã lẻn vào tủ gỗ nằm và ngủ quên trong đó.

Như vậy, hành vi của A. được xác định ở giai đoạn phạm tội chưa đạt nhưng đã hoàn thành. Theo quy định của Bộ luật Hình sự, người phạm tội chưa đạt nhưng đã hoàn thành phải chịu trách nhiệm về tội phạm, tức là A. phải chịu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản trong trường hợp này. 

Trần Quốc Hùng (Ba Đình - Hà Nội)

Nguyễn Văn A. không phạm tội trộm cắp

Tội trộm cắp tài sản có cấu thành vật chất. Để có thể xử lý hình sự, hậu quả của hành vi trộm cắp là tài sản chiếm đoạt có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên. Trong vụ việc này, khi Nguyễn Văn A. đột nhập vào nhà bà Trần Thị X. chắc chắn không biết trước trong nhà có tài sản gì. Mặt khác khi bị bắt, cơ quan chức năng cũng không xác định được A. đã lấy tài sản gì.

Trong khi đó, để xử lý A. về tội trộm cắp tài sản, bắt buộc phải chứng minh tài sản A. chiếm đoạt có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên. Nếu không chứng minh được tài sản cụ thể là bao nhiêu thì về nguyên tắc, không xác định được hành vi cấu thành tội phạm cũng như khó có thể định tội của A.

Nguyễn Anh Thư (TP Thái Bình - Thái Bình)

Phạm tội trộm cắp đã rõ ràng

Hành vi phạm tội trộm cắp tài sản của Nguyễn Văn A. trong vụ việc này rất rõ ràng. Điều này được thể hiện thông qua việc A. đã lên kế hoạch và chuẩn bị rất kỹ càng, từ việc đi mua những dụng cụ để phạm tội đến việc thuê “xe ôm” đi khảo sát tình hình xem nhà nào có sơ hở để đột nhập.

Mặc dù cũng như đối với các tội phạm cấu thành vật chất khác được thực hiện do cố ý đòi hỏi phải có hậu quả xảy ra, tuy nhiên trong vụ việc này hậu quả chưa xảy ra là ngoài ý muốn của người phạm tội. Nếu cho rằng đối với tội cấu thành vật chất, hậu quả chưa xảy ra thì chưa cấu thành tội phạm thì Bộ luật Hình sự cũng không cần quy định trường hợp chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt làm gì. Do đó hành vi trộm cắp tài sản của A. thuộc trường hợp quy định tại Điều 138, Bộ luật Hình sự. 

Hoàng Tiến Bình (Đoan Hùng - Phú Thọ)

Bình luận của luật sư 

Căn cứ vào diễn biến sự việc thì Nguyễn Văn A. bắt “xe ôm” đi lang thang lên đường Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, Hà Nội với ý định tìm nhà dân sơ hở để đột nhập trộm cắp tài sản. Khi phát hiện nhà bà Trần Thị X. (SN 1945) sơ hở, A. đã trèo từ cột điện của ngôi nhà gần đó lên các nóc nhà lân cận rồi đột nhập vào tầng tum của nhà bà X. Do bị động nên A. đã lẻn vào tủ gỗ đặt tại tầng tum của ngôi nhà và nằm ngủ quên trong đó. Cho đến khi trời sáng, chủ nhà lên tầng 3 lấy đồ và khi cánh tủ gỗ vừa mở ra, chủ nhà phát hiện A. nằm trong tủ…

Như vậy, có thể thấy hành vi đột nhập vào nhà bà Trần Thị X. của Nguyễn Văn A. là hành vi lén lút, đây là dấu hiệu đặc trưng của tội trộm cắp tài sản. Tuy nhiên, cũng cần phải thấy rằng mặc dù mục đích của Nguyễn Văn A. đột nhập vào nhà bà Trần Thị X. là để trộm cắp nhưng A. chưa xác định được là sẽ lấy những gì. Như vậy, hành vi phạm tội của A. ở giai đoạn phạm tội chưa đạt. Về lý luận, trường hợp này là trường hợp chưa đạt đã hoàn thành, tức là người phạm tội đã thực hiện hết hành vi khách quan của cấu thành nhưng vẫn không lấy được tài sản. Vấn đề là Nguyễn Văn A. có bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội danh trộm cắp tài sản hay không.  

Theo quy định của Bộ luật Hình sự thì người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt. Tuy nhiên trong trường hợp này cần phải xác định hành vi trộm cắp của Nguyễn Văn A. thuộc trường hợp quy định tại khoản nào của Điều 138, Bộ luật Hình sự. Từ đó xác định tội phạm mà A. thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng. Điều 17, Bộ luật Hình sự quy định: “Người chuẩn bị phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc một tội đặc biệt nghiêm trọng thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội định thực hiện”.

Mặc dù Bộ luật Hình sự không quy định cụ thể người chuẩn bị phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc một tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý mới phải chịu trách nhiệm hình sự về tội định thực hiện nhưng cần hiểu là chỉ đối với những tội phạm do cố ý mới có giai đoạn chuẩn bị phạm tội, bởi vì chỉ trong trường hợp cố ý phạm tội, thì người định thực hiện tội phạm mới tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện phạm tội.

Đồng thời theo quy định tại khoản 3, Điều 8, Bộ luật Hình sự thì tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có mức cao nhất của khung hình phạt từ trên 7 năm tù đến 15 năm tù và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có mức cao nhất của khung hình phạt từ trên 15 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình; do đó, chỉ người nào chuẩn bị phạm một tội do cố ý mà có mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là từ trên 7 năm tù, tù trung thân hoặc tử hình, thì người chuẩn bị phạm tội mới phải chịu trách nhiệm hình sự. 

Một điều cần chú ý đó là chỉ được xét xử một người chuẩn bị phạm một tội nào đó khi có đầy đủ căn cứ chứng minh rằng tội phạm mà họ chuẩn bị thực hiện là tội phạm do cố ý và là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Nếu trong trường hợp thấy có đầy đủ căn cứ chứng minh rằng người phạm tội chuẩn bị thực hiện một tội phạm, nhưng chưa có đủ căn cứ để xác định được tội phạm mà họ định thực hiện là tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng, thì căn cứ theo khoản 2, Điều 89, Bộ luật Tố tụng Hình sự, Điều 17, Bộ luật Hình sự người phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi chuẩn bị tội phạm của mình.

Trở lại vụ việc nói trên, để thực hiện hành vi trộm cắp, Nguyễn Văn A. đã mua sẵn một chiếc búa đinh, dao phay, cuộn băng dính cất giấu trong người sửa soạn công cụ, phương tiện để thực hiện tội trộm cắp tài sản. Như vậy, trong trường hợp này Nguyễn Văn A. sửa soạn công cụ, phương tiện để thực hiện tội trộm cắp tài sản ở một nơi nào đó với ý thức có tài sản gì thì lấy trộm tài sản đó, vì vậy không thể xác định được hành vi của A. thuộc khoản nào của Điều 138, Bộ luật Hình sự.

Do đó, theo điểm 2, Điều 89, Bộ luật Tố tụng Hình sự và Điều 17, Bộ luật Hình sự có cơ sở để khẳng định Nguyễn Văn A. không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi chuẩn bị tội phạm trộm cắp tài sản. Mặt khác, theo nguyên tắc suy đoán vô tội vì không chứng minh được tài sản A. định lấy là bao nhiêu nên phải suy đoán theo hướng có lợi cho A. chứ không thể suy đoán theo hướng bất lợi.

Vì vậy trong vụ việc này không thể thể xử lý Nguyễn Văn A. về tội trộm cắp tài sản mà chỉ có thể xử lý về hành vi cố ý gây thương tích đối với bà Trần Thị X. Tuy nhiên, để xác định một cách chính xác tội danh của Nguyễn Văn A. còn phải căn cứ vào các tình tiết cụ thể khác được làm rõ trong quá trình điều tra.