"Đầu trộm, đuôi cướp" bị xử lý thế nào?

ANTD.VN - Hỏi: Cách đây không lâu, con trai tôi sạc pin điện thoại iPhone 7 để ở đầu giường ngủ trưa thì bị kẻ gian lẻn vào trộm mất. Khi bị con tôi phát hiện túm lại thì hắn đã đạp ngã khiến cháu phải nằm viện gần 1 tháng và mất gần trăm triệu đồng chữa trị. Xin hỏi luật sư, hành vi đó của đối tượng phạm tội gì? Mức phạt tù và bồi thường ra sao? Gia đình tôi được biết, kẻ lấy trộm điện thoại và làm con tôi bị thương hiện đang bị tạm giam. Hoàng Ngọc Trung, (Hưng Yên)

"Đầu trộm, đuôi cướp" bị xử lý thế nào? ảnh 1Tên trộm iPhone nếu có hành vi tấn công bị hại sẽ phải chịu TNHS về tội Cướp tài sản

Trả lời: Trong trường hợp trên, ý định ban đầu của người phạm tội là trộm cắp tài sản. Tuy nhiên chưa kịp thực hiện trót lọt hành vi này thì bị nạn nhân phát hiện nên đối tượng đã dùng vũ lực để chiếm đoạt chiếc điện thoại iPhone. Như vậy hành vi đó của người phạm tội đã chuyển hóa từ “Trộm cắp tài sản” sang “Cướp tài sản" do thỏa mãn yếu tố dùng vũ lực nhằm chiếm đoạt tài sản.

Cụ thể, theo quy định của Điều 133 - Bộ luật Hình sự thì: “Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm”. Các trường hợp bị phạt tù từ 7-15 năm gồm: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Tái phạm nguy hiểm; Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11%-30%; Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng và gây hậu quả nghiêm trọng.

Mức hình phạt cao nhất của tội “Cướp tài sản” được quy định tại khoản 4, điều luật này, gồm: Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người; Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên và gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Phạm vào những trường hợp này, người phạm tội sẽ bị áp dụng hình phạt tù từ 18-20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 1-5 năm.

"Đầu trộm, đuôi cướp" bị xử lý thế nào? ảnh 2Luật sư Giang Hồng Thanh - VPLS Giang Thanh. Địa chỉ: Số 197 phố Đặng Tiến Đông, Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội

Về trường hợp con trai anh, mức hình phạt áp dụng đối với người phạm tội như thế nào còn tùy thuộc vào giá trị tài sản và tỉ lệ thương tật của bị hại. Và theo như anh nói thì con anh bị đạp ngã và phải nằm viện gần một tháng. Như vậy khả năng cháu bị thương tích cũng nặng. Do đó chắc chắn cơ quan điều tra sẽ trưng cầu giám định thương tích đối với con trai anh. Nếu con anh bị thương tật có tỉ lệ từ 11%-30%, người phạm tội sẽ bị áp dụng khoản 2 Điều luật trên có khung hình phạt từ 7-15 năm tù. Nếu con anh bị thương tật có tỉ lệ từ 31%-60%, người phạm tội sẽ bị áp dụng khoản 3 có khung hình phạt từ 12-20 năm tù.

Về việc bồi thường dân sự, theo quy định tại Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015, con anh sẽ được bồi thường các khoản tiền sau: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; Tiền bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần. Mức bồi thường do các bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá 50 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.