Đánh trộm tử vong có thể bị xử lý về tội giết người

ANTD.VN - Hỏi: Trong lúc đuổi bắt, anh tôi và một số người bị những tên trộm đánh gây thương tích. Thế nhưng sau đó, một trong hai tên trộm lại bị anh tôi cùng nhiều người bắt được và quây đánh, dẫn đến tử vong. Xin hỏi luật sư, liệu anh tôi và những người liên quan có bị đi tù không? Nếu có thì như thế nào?  Nguyễn Quốc Hùng (Ninh Bình)

Khi khống chế được đối tượng thì người dân nên báo cho cơ quan chức năng xử lý

Trả lời: 

Về vấn đề bạn Nguyễn Quốc Hùng đặt ra, Điều 24 - Gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội, Bộ luật Hình sự 2017 quy định như sau: 

“Hành vi bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội mà không còn cách nào khác là buộc phải sử dụng vũ lực cần thiết gây thiệt hại cho người bị bắt giữ thì không phải là tội phạm. Tuy nhiên, đối với trường hợp gây thiệt hại do sử dụng vũ lực rõ ràng vượt quá mức cần thiết, thì người gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm hình sự."

Vậy thế nào là "sử dụng vũ lực cần thiết"? Sử dụng vũ lực cần thiết là trường hợp bắt buộc phải sử dụng vũ lực nhằm ngăn chặn, chống trả lại hành vi vi phạm pháp luật hình sự mà nếu không sử dụng vũ lực thì không thể ngăn chặn, chống trả được. Còn đối với trường hợp bạn nêu, sự kiện đã bị tách thành hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là người có hành vi trộm cắp đánh lại người vây bắt mình khiến người vây bắt bị thương tích. Và giai đoạn thứ hai là sau khi gây thương tích cho người khác, người có hành vi trộm cắp bị bắt và bị đánh chết.

Luật sư Giang Hồng Thanh (VPLS Giang Thanh; Địa chỉ: Số 197 phố Đặng Tiến Đông, Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội)

Đầu tiên cần phải khẳng định rằng, người bị chết có hai hành vi vi phạm pháp luật. Đó là hành vi trộm cắp tài sản và hành vi cố ý gây thương tích. Trong giai đoạn này, anh trai bạn hoàn toàn có quyền dùng vũ lực đối với kẻ trộm để ngăn chặn và bắt giữ. Đối chiếu với khoản 1, Điều 24 - Bộ luật Hình sự trích dẫn ở trên thì việc sử dụng vũ lực của anh trai bạn trong giai đoạn này không phải là tội phạm.

Nhưng đến giai đoạn thứ hai, anh trai bạn bắt được kẻ trộm sau khi kẻ trộm đã hoàn thành hành vi cố ý gây thương tích cho người khác. Nếu trong quá trình bắt giữ, kẻ trộm vẫn tiếp tục chống trả quyết liệt thì anh trai bạn vẫn có quyền sử dụng vũ lực đối với kẻ trộm. Tuy nhiên, nếu kẻ trộm đã bị khống chế, như bị trói chân tay, bị nhốt… mà anh trai bạn vẫn đánh khiến kẻ trộm chết thì việc sử dụng vũ lực của anh trai bạn lúc này lại là không cần thiết. Và đối chiếu với khoản 2, Điều 24 - Bộ luật Hình sự trích dẫn ở trên thì việc làm của anh trai bạn lại vi phạm pháp luật. Điều này đồng nghĩa với việc anh trai bạn có thể bị xử lý hình sự về tội "Giết người" hoặc "Cố ý gây thương tích".

Trên thực tế đã có nhiều vụ án đánh chết kẻ trộm xảy ra và người đánh chết kẻ trộm bị xử lý hình sự. Tất nhiên hành vi phạm pháp của kẻ trộm là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người gây ra cái chết cho kẻ trộm, thế nhưng người đánh chết kẻ trộm vẫn phải chịu một mức án nào đó. Do Điều 24 - Bộ luật Hình sự là một quy định mới nên chưa có hướng dẫn cụ thể của cơ quan có thẩm quyền. Vì thế việc đánh giá thế nào là “sử dụng vũ lực cần thiết” phụ thuộc vào quan điểm của mỗi người. Qua sự việc này, rất hy vọng các cơ quan pháp luật sớm ban hành hướng dẫn để người dân được biết, tránh những hậu quả đáng tiếc tương tự xảy ra.