Đánh mạnh tội phạm "tín dụng đen" ở ngoại thành

ANTD.VN - Các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” rất manh động, tỏ ra coi thường pháp luật và thường mang dao kiếm đe dọa, đánh người để siết nợ gây bức xúc trong dư luận...

Trước tình hình đó, CAH Thạch Thất, Hà Nội đã triển khai thực hiện nghiêm túc Kế hoạch 231 của Giám đốc CATP, tập trung đấu tranh, truy quét các ổ nhóm tội phạm chuyên cho vay nặng lãi, dùng các thủ đoạn tàn bạo để thu hồi nợ trái pháp luật, bắt giữ nhiều đối tượng gây án.

Truy quét các ổ nhóm cho vay nặng lãi

Ngày 13-8, CAH Thạch Thất, Hà Nội cho biết đơn vị đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Tiến Dũng (SN 1988, trú tại xã Tam Đa, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng); Trần Văn Pháo (SN 1994, trú tại xã Thủy Triều, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) và Ngô Thanh Sơn (SN 1996, trú tại xã Tân Thanh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) về hành vi “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản”.

Lực lượng công an kiểm tra cơ sở kinh doanh tài chính tại đường 84, thị trấn Liên Quan, huyện Thạch Thất

Theo tài liệu điều tra, ngày 13-7, anh Nguyễn (trú ở huyện Thạch Thất, Hà Nội) vay của Nguyễn Tiến Dũng, là nhân viên quán kinh doanh tài chính P.Y ở xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ, Hà Nội 5 triệu đồng, và hẹn 3 ngày sau sẽ trả tiền.

Tuy nhiên, đến hạn mà không thấy anh Nguyễn liên lạc, Dũng gọi điện thoại thì bị chặn số. Bực tức, khoảng 20h ngày 16-7, Dũng cùng Lưu Anh Tú (SN 1991, ở xã Động Lâm, huyện Hạ Hòa, Phú Thọ), và Pháo, Sơn rủ nhau đi đến nhà anh Nguyễn đòi nợ, mang theo hung khí như gậy 3 khúc, dao các loại…

Nhóm đối tượng trong vụ bắt cóc "con nợ" để đòi tiền

Gặp anh Nguyễn, các đối tượng lao vào hành hung, đánh đập, bắt cóc đưa về quán nước đối diện. Tại đây, các đối tượng bắt anh Nguyễn gọi điện thoại cho người thân mang tiền đến “chuộc”.

Ngay sau đó, CAH Thạch Thất đã vào cuộc, bắt giữ các đối tượng và điều tra làm rõ vụ việc.

Các loại hung khí được thu giữ tại nơi làm việc của các đối tượng hoạt động "tín dụng đen"

Cũng theo Chỉ huy Đội CSHS - CAH Thạch Thất, ngày 26-7, trong khi tuần tra tại các địa bàn trọng điểm, đơn vị này đã nhận được tin báo của Công an xã Dị Nậu, huyện Thạch Thất về việc có một nhóm đối tượng đến nhà một “con nợ” là người ở xã Dị Nậu để siết nợ. Tuy nhiên, vì người vay tiền đi vắng nên nhóm này đã đánh đập, uy hiếp người nhà để ép trả tiền thay. Tổ công tác của CAH Thạch Thất đã triệu tập 2 đối tượng liên quan đến vụ việc, đưa về CAH để làm rõ.

Quá trình đấu tranh, 2 đối tượng khai nhận hành vi cho bị hại vay với lãi xuất 2.500 đồng/ngày và đến ngày trả nợ thì người vay bỏ trốn nên đã đến nhà gây sức ép, bắt người nhà "con nợ" trả nợ thay.

Không để tội phạm “tín dụng đen” lộng hành

Theo Thượng tá Nguyễn Ngọc Lân, Phó Trưởng CAH Thạch Thất: “Trước tình hình hoạt động phức tạp của tội phạm trong lĩnh vực kinh doanh tài chính, CAH Thạch Thất đã triển khai thực hiện nghiêm túc Kế hoạch 231 của Giám đốc CATP. Địa bàn huyện Thạch Thất kinh tế đang phát triển, có nhiều làng nghề và một số khu công nghiệp trọng điểm quốc gia, nên tình hình kinh tế - xã hội cũng tiềm ẩn nguy cơ gây mất ANTT xuất phát từ việc kinh doanh tài chính thiếu lành mạnh và hoạt động “tín dụng đen”.

CAH Thạch Thất thường xuyên kiểm tra các cơ sở cầm đồ

Qua công tác điều tra cơ bản, trên địa bàn huyện Thạch Thất có hơn 30 cơ sở kinh doanh tài chính có phép và không phép. Một số cơ sở kinh doanh có dấu hiệu vi phạm pháp luật đã được các đơn vị tập trung phân loại, phân cấp quản lý, đấu tranh và có đối sách với từng cơ sở.

Đến năm 2018, CAH Thạch Thất đã loại khỏi danh sách hơn 10 cơ sở và tháng 6-2018 chỉ còn 14 cơ sở kinh doanh cầm đồ, 3 cơ sở kinh doanh tài chính có phép hoạt động. Một số cơ sở không có phép hoạt động, lực lượng CAH đã vận động chủ kinh doanh tự tháo dỡ biển hiệu và dừng hoạt động. Đối với các cơ sở kinh doanh có phép, CAH Thạch Thất yêu cầu hàng tháng, quý ký cam kết thực hiện đúng quy định pháp luật, không để xảy ra các hành vi vi phạm pháp luật trên địa bàn.

Bóc gỡ tờ rơi quảng cáo về dịch vụ cho vay nặng lãi

Cho đến nay, các cơ sở kinh doanh tài chính trên địa bàn Thạch Thất cơ bản chấp hành tốt các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, qua nắm tình hình CAH Thạch Thất phát hiện gần đây trên địa bàn có một số đối tượng ở các địa bàn giáp ranh đến hoạt động “tín dụng đen”, có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Cụ thể là các đối tượng ở địa bàn giáp ranh với các huyện Quốc Oai, Phúc Thọ đến các xã như Canh Nậu, Dị Nậu, Hữu Bằng, Bình Phú (Thạch Thất) để “bốc họ, giải họ”, dẫn đến nhiều hành vi vi phạm pháp luật. Các đối tượng này không đăng ký kinh doanh trên địa bàn huyện Thạch Thất, mà tự phát liên hệ với một bộ phận người dân để cho vay tiền, dẫn đến phát sinh nhiều vấn đề phức tạp về ANTT.

Qua điều tra cơ bản và phối hợp với các địa bàn giáp ranh triển khai Kế hoạch 231, CAH Thạch Thất dựng được một số ổ nhóm, đối tượng đã thực hiện hoạt động cho vay nặng lãi và siết nợ bằng “luật rừng”. Sau đó, CAH Thạch Thất đã vận dụng sáng tạo Kế hoạch 231, thành lập tổ công tác thường xuyên bám địa bàn có dấu hiệu phức tạp về lĩnh vực này để có biện pháp phòng ngừa, không để các đối tượng có điều kiện hoạt động vi phạm pháp luật.