Đang trộm cắp, bỏ về giữa chừng mặc kệ đồng bọn cũng chưa chắc thoát tội

ANTD.VN - Lê Quốc H (SN 1979), Trần Văn K (SN 1975) và Lý Quang T (SN 1981) bàn nhau trộm cắp tài sản của nhà ông Nguyễn Thành Công. Theo sự phân công của nhóm, T sẽ mang theo một thanh sắt để cạy phá cửa. Cả 3 hẹn nhau 1h sáng sẽ tập kết ở gần nhà ông Công. Đúng hẹn, T có mặt đem theo thanh sắt nhưng chờ mãi không thấy H và K nên bỏ về nhà ngủ. H và K đến chỗ hẹn muộn nên không gặp được T, tuy nhiên cả 2 vẫn quyết định đột nhập vào nhà ông Công theo kế hoạch và đã lấy được tài sản giá trị 150 triệu đồng. Do không trực tiếp đi trộm cắp nên T chỉ được K và H chia cho 5 triệu đồng. T chê ít và không lấy, nhưng cũng không nói gì về vụ trộm với bất cứ ai. Sau một tuần vụ việc bị cơ quan công an phát hiện. Vấn đề đặt ra là trong vụ việc này hành vi của Lý Quang T có bị truy cứu trách nhiệm về tội trộm cắp tài sản không?

Ý kiến bạn đọc

Đang trộm cắp, bỏ về giữa chừng mặc kệ đồng bọn cũng chưa chắc thoát tội ảnh 1(Ảnh minh họa)

Không bị truy cứu trách nhiệm

Theo tôi được biết, Điều 16 Bộ luật Hình sự 2015 quy định: “Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng, tuy không có gì ngăn cản; Người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm, nếu hành vi thực tế đã thực hiện có đủ yếu tố cấu thành một tội khác, thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này”. Căn cứ vào điều luật này có thể thấy, Lý Quang T đã tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội, bởi nếu T có ý định thực hiện tội phạm đến cùng thì vẫn sẽ quyết tâm chờ Lê Quốc H và Trần Văn K tại địa điểm đã hẹn. Tuy nhiên, T đã không cùng tham gia hành động trộm cắp tài sản của H và K mà sau đó đã bỏ về nhà ngủ. Thậm chí khi được H và K chia cho số tiền 5 triệu đồng T cũng không nhận. Vì vậy, theo tôi với việc tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội, Lý Quang T không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản.

Cao Quốc Công (Hà Trung - Thanh Hoá)

Không tố giác phạm tội

Tôi cho rằng trong vụ việc này Lý Quang T không phạm tội Trộm cắp tài sản bởi T đã không trực tiếp tham gia hành động đột nhập vào nhà ông Nguyễn Thành Công cùng với Lê Quốc H và Trần Văn K. Mặc dù có sự bàn bạc, chuẩn bị từ trước nhưng khi H và K thực hiện hành vi phạm tội thì T lại đang ngủ ở nhà. Hành vi của T theo tôi chỉ phạm tội không tố giác tội phạm. Theo quy định của pháp luật, không tố giác tội phạm là hành vi của một người biết rõ một tội phạm đang được chuẩn bị, đang hoặc đã được thực hiện mà không tố giác với cơ quan có thẩm quyền. T đã biết rõ hành vi tội phạm của H và K sau khi đột nhập và ăn trộm số tài sản trị giá 150 triệu đồng tại nhà ông Công. Tuy nhiên, T đã “không nói gì về vụ trộm với bất cứ ai”. Vì vậy theo tôi, Lý Quang T đã phạm tội không tố giác tội phạm theo Điều 390 Bộ luật Hình sự 2015.

Nguyễn Thị Thơm (Lương Sơn - Hoà Bình)

Phạm tội trộm cắp tài sản

Tôi cho rằng trong vụ việc này, Lý Quang T đã phạm tội trộm cắp tài sản theo Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015. Mặc dù không trực tiếp tham gia đột nhập nhà ông Nguyễn Thành Công cùng với Lê Quốc H và Trần Văn K, tuy nhiên có thể thấy T đã có sự tham gia bàn bạc với 2 người này ngay từ đầu. Thậm chí theo sự phân công của H và K, Lý Quang T còn chuẩn bị và mang theo chiếc gậy sắt tới điểm hẹn để cùng hành động. Như vậy, tôi cho rằng về chủ quan T đã có ý thức phạm tội một cách chủ ý. Việc T chưa thực hiện được ý định xuất phát từ nguyên nhân khách quan là do H và K đã đến muộn. Ngoài ra việc T không nhận số tiền 5 triệu đồng được chia từ H và K là do T chê ít chứ không phải là do T ý thức được hành vi phạm tội của mình là sai và không nhận. Vì vậy theo tôi cần phải xử lý Lý Quang T về hành vi trộm cắp tài sản với vai trò là đồng phạm.

Nguyễn Thu Thuỷ (Biên Hoà - Đồng Nai)

Bình luận của luật sư

Trước hết, về ý kiến cho rằng hành vi của Lý Quang T trong vụ việc này là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội và theo Điều 16 Bộ luật Hình sự 2015, T sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Căn cứ vào nội dung vụ việc, theo chúng tôi thì hành vi của Lý Quang T không được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt hành vi phạm tội. Bởi theo quy định tại Điều 16 Bộ luật Hình sự 2015: “Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng, tuy không có gì ngăn cản. Người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm; nếu hành vi thực tế thực hiện có đủ yếu tố cấu thành của một tội khác, thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này”.

Như vậy, theo quy định này thì hành vi được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội phải thỏa mãn những dấu hiệu tự ý nửa chừng chấm dứt hành vi phạm tội khi tội phạm đang ở giai đoạn chuẩn bị hoặc ở giai đoạn phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành. Trong tình huống này ta thấy T đã đem thanh sắt đến địa điểm gần nhà ông Nguyễn Thành Công để chuẩn bị cậy cửa nhà ông Công, nhưng vì Lê Quốc H và Trần Văn K trễ hẹn nên T đã bỏ về nhà ngủ. Có thể thấy, T đã không thực hiện hết các hành vi để trộm cắp như kế hoạch mà cả 3 đã định ra, nên giai đoạn phạm tội của T là chuẩn bị phạm tội. Tuy nhiên, về tâm lý của người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội thì việc chấm dứt không thực hiện tiếp tội phạm phải là tự nguyện và dứt khoát. Tự nguyện là do bên trong thúc đẩy, do ý thức chủ quan của người đó, không phải do những nguyên nhân khách quan chi phối. Khi dừng lại, người phạm tội vẫn tin rằng, hiện tại không có gì ngăn cản và vẫn có thể thực hiện được tội phạm. Sự dứt khoát là phải chấm dứt hành vi một cách triệt để, không còn ý định tiếp tục thực hiện nữa. Xét về yếu tố tự nguyện thì việc tự nguyện phải xuất phát từ ý thức chủ quan của bản thân T. Nhưng ở đây T dừng hành vi phạm tội của mình là do đợi không thấy H và K nên đã bỏ về. Như vậy nếu trong trường hợp H và K đến đúng giờ thì thỏa thuận giữa các đối tượng này vẫn được thực hiện và các đối tượng vẫn tiếp tục thực hiện tội phạm. Điều này đồng nghĩa với việc T vẫn mong muốn cho hành vi phạm tội được diễn ra. Hơn nữa, T biết là hành vi của H và K có gây nguy hiểm cho xã hội nhưng T đã không ngăn cản hay tố giác hành vi đó và để mặc hậu quả xảy ra. Vì vậy, theo chúng tôi, hành vi của T không phải là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội.

Theo nội dung vụ việc, có thể thấy hành vi của Lê Quốc H và Trần Văn K đã phạm vào tội trộm cắp tài sản theo Điều 173 Bộ luật Hình sự 2015. Còn T đã tham gia với vai trò là đồng phạm của H và K. Trước hết, việc H, K và T bàn nhau trộm cắp tài sản tức là ở đây cả 3 đã có hành vi lên kế hoạch trộm cắp. Rõ ràng cả 3 người này đã nhận thức được hành vi trộm cắp của mình sẽ gây thiệt hại về tài sản cho ông Công và cùng thực hiện tội phạm một cách cố ý. Theo sự phân công của cả nhóm, T đã mang theo một thanh sắt để cạy phá cửa. Mặc dù T không trực tiếp thực hiện hành vi trộm cắp tài sản cùng với H và K nhưng việc T đồng ý và đã có hành vi mang thanh sắt như thỏa thuận đến điểm hẹn đã thể hiện mục đích muốn góp phần thực hiện tội phạm. Như vậy, việc chuẩn bị công cụ, phương tiện, lựa chọn phương thức phạm tội (tìm kiếm, chuẩn bị phạm tội, phân công nhau..) của H, K và T thể hiện có sự tính toán kỹ lưỡng, chuẩn bị chu đáo với mong muốn sẽ đạt được mục đích.

Về mặt chủ quan, ở đây cả H, K và T khi bàn nhau trộm cắp tài sản đều nhận thức được hành vi của mình và thấy trước được những hậu quả. Tuy vậy cả 3 người đều mong muốn hậu quả xảy ra. T nhận thức được rằng hành động chuẩn bị mang 1 thanh sắt để tạo điều kiện cho việc thực hiện tội phạm. Còn việc T mới dừng lại ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội là do những nguyên nhân ngoài ý muốn, xuất phát từ việc K và H đến điểm hẹn quá muộn. Trong vụ việc này có thể thấy rõ được động cơ và mục đích của T đã được thể hiện một cách rõ ràng nên có thể khẳng định rằng T cũng là đồng phạm với H và K trong vụ trộm cắp tài sản nói trên.

Luật sư Phạm Thái Sơn, Văn phòng Luật sư Sơn Phạm và cộng sự