Cựu Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiến không truy đến cùng việc làm của cấp dưới

ANTD.VN - Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Văn Hiến thừa nhận khi giữ chức Tư lệnh Quân chủng Hải quân đã thiếu sát sao, quyết liệt và không truy đến cùng việc làm của cấp dưới nên dẫn tới hải quân bị mất 3 khu đất...

Chiều 18-5, HĐXX Tòa án quân sự Quân chủng Hải quân (QCHQ) tiến hành xét hỏi các bị cáo trong vụ án thất thoát 939 tỷ đồng, xảy ra tại QCHQ.

Theo cáo trạng, bị cáo Nguyễn Văn Hiến – Đô đốc, cựu Tư lệnh QCHQ đã thiếu trách nhiệm, để cấp dưới chuyển 3 khu đất quốc phòng tại số 2, số 7 – 9 và số 9 – 11 đường Tôn Đức Thắng (TP HCM) sang làm kinh tế trong thời hạn 49 năm trái quy định.

Trong đó, bị cáo Đinh Ngọc Hệ (còn gọi Út “trọc”) – cựu Thượng tá, Phó tổng Giám đốc Công ty Thái Sơn Bộ Quốc Phòng đã dùng thủ đoạn liên doanh, chiếm đoạt khu đất số 7 – 9 và đem thế chấp tại Ngân hàng BIDV. 

Do vấn đề sức khỏe nên cựu Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiến được ngồi khi trả lời thẩm vấn.

Trả lời HĐXX, bị cáo Nguyễn Văn Hiến khai thời điểm cho phép Công ty Dịch vụ và Du lịch Biển đảo Hải Thành (Công ty Hải Thành, thuộc hải quân) mang 3 khu đất đi làm kinh tế (từ năm 2006 – 2010), ông đang giữ chức vụ Tư lệnh QCHQ.

Bị cáo Hiến thừa nhận, tại thời điểm Công ty Hải Thành ký hợp đồng liên doanh với công ty khác và góp vốn bằng 3 khu đất, cả 3 nơi này vẫn là đất quốc phòng, chưa chuyển sang đất kinh tế.

Về lý do cho phép mang đất đi làm kinh tế, cựu Tư lệnh trình bày: “Tôi nhớ, TP HCM đề nghị, nội dung hải quân có khu đất trong Tôn Đức Thắng, cần chỉnh trang đô thị. Anh Vũ Văn Khánh (Giám đốc Hải Thành, mất năm 2015 - PV) nắm bắt ý kiến đó, đề xuất chủ trương hợp tác làm kinh tế… QCHQ cũng có nhu cầu nâng cao đời sống bộ đội, hải quân rất kham khổ”.

Bị cáo Hiến cho biết sau khi nhận đề nghị từ Công ty Hải Thành, ông ta đã báo cáo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng… và nhận chỉ đạo phải làm đúng quy định.

Về việc bản chất các hợp đồng liên doanh thực chất là cho thuê đất, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến nói: “Cho đến khi cơ quan điều tra có ý kiến là thuê đất, tôi mới nghĩ như vậy còn trong đầu tôi chỉ nghĩ là liên doanh, trong hợp đồng cũng không có chữ cho thuê nào, mong tòa xem xét”.

Chủ tọa đặt câu hỏi, bị cáo có biết việc Hải Thành mang đất cho thuê nhưng không nộp tiền về QCHQ? Cựu Tư lệnh khai: “Nộp tiền là chuyên môn của tài chính”. Bị cáo Nguyễn Văn Hiến cũng thừa nhận mình đã sai khi tin tưởng Hải Thành.

Đánh giá hành vi của mình, bị cáo Hiến nói: “Tôi đã xác nhận với điều tra, kiểm sát và giờ với tòa án, tôi có khuyết điểm thiếu sát sao, quyết liệt. Tôi đã cho kiểm tra, cho họp để thực hiện chỉ đạo Thường vụ… nhưng không truy đến cùng. Tôi xin nhận khuyết điểm”.

Trước đó, bị cáo Bùi Như Thiềm – Đại tá, cựu Trưởng phòng kinh tế QCHQ thừa nhận không cho kiểm tra năng lực Công ty Yên Khánh của Đinh Ngọc Hệ nhưng vẫn đàm phán để Công ty Hải Thành liên doanh với Yên Khánh.

Ngoài ra, bị cáo Thiềm có vai trò quyết định trong việc thành lập 3 pháp nhân mới là các liên doanh để khai thác 3 khu đất tại đường Tôn Đức Thắng. Tuy nhiên, bị cáo này khẳng định đã từng “can ngăn” việc “góp đất” làm kinh tế.

“Trước khi đàm phán, Bộ Tư lệnh ký hợp đồng thuê văn phòng luật sư 1-5 và văn phòng luật sư Trí Tuệ. Cả 2 văn phòng đều khuyên không nên góp vốn bằng đất, không nên thành lập pháp nhân mới... Tôi cũng có ý kiến không thành lập pháp nhân mới vì bất lợi cho QCHQ” – bị cáo Thiềm khai.

Cựu Trưởng phòng kinh tế thừa nhận việc lập liên doanh, cho Công ty Hải Thành góp vốn bằng đất thực ra là cho thuê vì các Công ty Yên Khánh, Công ty Mai Anh và Công ty Cảnh Hưng phải trả cho Công ty Hải Thành một khoản thu nhất định không phụ thuộc kết quả kinh doanh trên 3 khu đất.