Xét xử Hà Văn Thắm cùng đồng phạm:

Cựu Chủ tịch Oceanbank bị tố ép đối tác thế chấp tài sản

ANTD.VN - Sáng 1-3, phiên xét xử Hà Văn Thắm cùng đồng phạm bước sang ngày làm việc thứ ba với phần thẩm vấn làm rõ hành vi vi phạm quy định về cho vay. Trong đó, trọng tâm là việc nhóm cổ đông chính tại Ngân hàng Đại Tín đã thế chấp tài sản như thế nào…

Tại phần thẩm vấn nhằm làm rõ hành vi vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng (hành vi Oceanbank giải ngân cho Phạm Công Danh – Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh vay 500 tỷ đồng trái pháp luật), bà Ngô Kim Lan - đại diện theo ủy quyền của nhóm bà Hứa Thị Phấn (cổ đông lớn tại Ngân hàng Đại Tín) trình bày, ngày 23-2-2012, Hà Văn Thắm ký hợp đồng kinh tế mua lại gần 85% cổ phần tại Ngân hàng Đại Tín với nhóm bà Phấn.

“Việc mua bán ngân hàng này diễn ra một cách rất nhanh gọn và thật khó tưởng tượng. Lý do vì bà Phấn bị anh Thắm đe dọa. Lúc đó bà Phấn đã hơn 70 tuổi và rất ngại liên quan đến pháp luật nên đành phải vận động con cháu bán hết cổ phiếu Ngân hàng Đại Tín” – đại diện nhóm bà Phấn khẳng định.

Cựu Chủ tịch Oceanbank - Hà Văn Thắm tại phiên tòa sáng nay, 1-3

Cũng theo bà Lan, ngay sau kí kết hợp đồng, cựu Chủ tịch Oceanbank ôm hết cổ phiếu bay ngay ra Hà Nội và để lại nhân viên vào tiếp quản Ngân hàng Đại Tín. Sau đó, đến tháng 4-2012, có nhiều đối tác khác muốn mua lại Đại Tín nên bà Phấn xin lại Thắm cổ phần nhưng không được, đồng thời cựu Chủ tịch Oceanbank có có những lời lẽ không tốt đối với nhóm bà Phấn.

Tiếp đến khoảng tháng 6-2012, bị cáo Thắm đưa Phạm Công Danh vào gặp bà Phấn và ra sức tác động để nhóm cổ đông chiến lược tại Ngân hàng Đại Tín phải chấp nhận bán lại cổ phần ngân hàng này cho Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh. Và theo đại diện nhóm bà Phấn, sau đó về mặt thủ tục là chuyển giao Ngân hàng Đại Tín cho Danh nhưng thực tế toàn bộ cổ phần là do Thắm giao cho Danh.

Được hỏi về các tài sản bảo đảm cho khoản vay 500 tỷ đồng của Công ty Trung Dung (công ty do Danh nắm giữ), bà Ngô Kim Lan cho biết, mặc dù ký hợp đồng chuyển giao Đại Tín cho Danh và bà Phấn nhiều lần thúc giục song mãi vẫn không thể chuyển giao “đứt đoạn” được.

Cuối 2012, Danh nói với bà Phấn muốn vay tiền Oceanbank nhưng khu đất ở Tô Hiến Thành chưa có đủ căn cứ pháp lý và bản thân Danh cũng không muốn dùng khối tài sản kếch xù để vay một khoản tiền nhỏ. Từ đó, Danh và Thắm bảo bà Phấn cho mượn tài sản để làm tài sản bảo đảm cho khoản vay 500 tỷ đồng tại Oceanbank, trong thời gian 3 đến 4 tháng. Tuy nhiên, khi lập hợp đồng thế chấp, thời hạn được xác định là không quá 1 năm.

Bà Ngô Kim Lan - đại diện nhóm cổ đông lớn tại Ngân hàng Đại Tín trình bày trước tòa

Trình bày rõ hơn về sự nhập nhèm này, đại diện cho nhóm bà Phấn lý giải, thời điểm đó mối quan hệ giữa các bên khá thân thiết nhau. Và khi hỏi mượn tài sản để thế chấp, Danh nói hoàn thành thủ tục lô đất ở Tô Hiến Thành xong sẽ lập tức hoán đổi các tài sản của bà Phấn.

Bị HĐXX truy thêm về động cơ, mục đích cho mượn tài sản bảo đảm, bà Ngô Kim Lan giải thích, do bà Phấn thấy Thắm, Danh là những doanh nhân lớn, tài năng và khi tiếp nhận chuyển giao ngân hàng đều bày tỏ quyết tâm làm cho Đại Tín hoạt động tốt trở lại, đặc biệt là không sa thải nhân viên nên bà Phấn đã vận động người thân, con cháu cho Danh mượn nhiều bất động sản, cổ phiếu.

“Mặt khác khi cho mượn tài sản, bản thân bà Phấn cũng nhận thức rõ được các bất động sản và cổ phiếu chưa đầy đủ cơ sở pháp lý nên rất yên tâm” – đại diện theo ủy quyền của nhóm bà Hứa Thị Phấn giãi bày.

Giải thích thêm về việc cho mượn tài sản bảo đảm, bà Lan cho biết, trong quá trình giải quyết vụ án này, người thân và con cháu bà Phấn đã có nhiều đơn thư kêu cứu gửi tới cơ quan chức năng, trong đó có TAND TP Hà Nội. Trong các đơn thư này đều thể hiện, cựu Chủ tịch Oceanbank không chỉ ép buộc bán Ngân hàng Đại Tín mà sau đó còn ép buộc nhóm bà Phấn phải cho mượn tài sản để bảo đảm cho khoản vay 500 tỷ đồng của Phạm Công Danh.

Ra tòa với tư cách người liên quan, bị án Phạm Công Danh đã bị Thắm lừa đảo

Liên quan đến nội dung này, ngay tại phiên tòa, Thẩm phán Trương Việt Toàn (thẩm phán thứ 2 trong HĐXX) cũng cho biết một số tài liệu thể hiện việc nhóm bà Phấn bị ép buộc kèm theo đơn thư kêu cứu cũng đã được tiến hành giám định. Kết quả cho thấy chúng không hề bị cắt ghép.

Về phần mình, Hà Văn Thắm thì chối bỏ những lời trình bày của đại diện nhóm bà Phấn tại phiên tòa. Theo cựu Chủ tịch Oceanbank, việc bị án Danh và bà Phấn trao đổi, bàn bạc nhau thế nào khi dùng tài sản bảo đảm đối với khoản vay 500 tỷ đồng, bị cáo không hề hay biết.

Trước đó, vào cuối giờ chiều qua khi trả lời thẩm vấn của tòa án, bị cáo Thắm cho rằng bản thân cũng như Oceanbank đã bị Phạm Công Danh lừa đảo chiếm đoạt 500 tỷ đồng. Bởi tại thời điểm thẩm định các tài sản bảo đảm và sau đó 1 năm thì toàn bộ các tài sản này vẫn còn tồn tại.

Trong khi ấy, với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan ở vụ án này, Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh – Phạm Công Danh cho rằng lời khai của đại diện nhóm bà Phấn cơ bản là đúng nhưng cũng có phần không chính xác. Hơn thế, theo bị án này, trong việc mua bán Ngân hàng Đại Tín, chính Danh đã bị Thắm lừa bịp.