Công an Hà Nội lật tẩy thủ đoạn đối tượng thuê căn hộ chung cư thực hiện tội phạm: Chữa căn bệnh "yếu" tự phòng

ANTD.VN - Thực trạng tội phạm lợi dụng căn hộ chung cư làm nơi tổ chức, thực hiện hành vi phạm tội gia tăng trong thời gian gần đây, đã được lực lượng Công an cơ sở chủ động phát giác, nắm bắt, từ đó xây dựng kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh.

Tuy nhiên thực tế cho thấy, nếu chủ các căn hộ chung cư, ban quản lý các khu nhà…chưa tự thấy được trách nhiệm, không phối hợp – thông tin chặt chẽ với cơ quan chức năng, thì tội phạm vẫn còn “đất” hoạt động.

“Cao cấp” nhưng vẫn “hở”

“Hầu hết các vụ tàng trữ, sử dụng ma túy bị phát hiện đều là đối tượng thuê căn hộ chung cư chứ không phải chủ sở hữu”, chỉ huy Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy – Công an quận Hoàng Mai cho biết. Khác với căn hộ tập thể cũ hay nhà liền kề ở các khu vực đông dân, căn hộ ở chung cư đời mới có tính biệt lập cao. Có khu chung cư còn hạn chế cả việc người dân sinh hoạt, vui chơi ở hành lang công cộng, vì không muốn ảnh hưởng đến không gian chung của tòa nhà.

Công an quận Thanh Xuân trao đổi thông tin với nhân viên lễ tân tại các khu chung cư

Càng về sau, sự hiện đại của các tòa chung cư càng được nâng lên. Nếu như trước kia phải có thẻ, hoặc đọc tên chủ nhà, thông qua lễ tân, khách mới lên được phòng. Thì nay, có chung cư hiện đại, khách ấn mã số phòng, chủ - hoặc người thuê nhà - ở trên nhận diện qua camera, đúng người thì sẽ có quyền “kích hoạt” cửa để bạn lên phòng…

Trong bối cảnh “nhiều sơ hở ấy”, một xu hướng đáng lo ngại từ vụ án liên hoàn ma túy – mại dâm vừa bị Công an quận Thanh Xuân khám phá, đó là dịch vụ thuê căn hộ, thậm chí biệt thự theo ngày. Mọi thủ tục giao dịch rất đơn giản, có thể tiến hành qua Internet, qua điện thoại; và điều quan trọng nhất trong những giao dịch ấy, là giá cả: khách càng trả nhiều, càng dễ thuê căn hộ!

Trung tá Phạm Thị Nga, Cảnh sát khu vực Công an phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân chia sẻ thực tế, các tòa chung cư thường rất nhiều lối lên căn hộ, như qua thang máy từ tầng hầm, sảnh tầng 1 hoặc lối thang bộ. Thông thường các nhân viên lễ tân kiểm soát người ra vào tại sảnh tầng 1; còn đối với hầm gửi xe, khi khách có thẻ cư dân có thể lên thẳng căn hộ. Chính vì vậy trong nhiều trường hợp, chủ nhà có thể bàn giao cho người khác thẻ thang máy và đi thẳng lên phòng mà không qua lễ tân quản lý.

Bên cạnh đó, hiện nay, nhiều chủ căn hộ không có nhu cầu sử dụng đã kết nối với các công ty hoặc cá nhân làm dịch vụ môi giới cho thuê. Các chủ nhà sẽ làm hợp đồng với bên dịch vụ, rồi bàn giao thẻ thang máy và khóa căn hộ cho khách. Chính vì vậy, ngay cả ban quản lý tòa chung cư cũng không hề biết về sự thay đổi người sử dụng căn hộ, chưa nói đến yêu cầu đặt ra đối với công tác quản lý về an ninh, trật tự.

Tự phòng phải từ…gốc

Theo tìm hiểu của PV ANTĐ, từ cuối năm 2017, sau khi hoàn thành công tác điều tra cơ bản, tổng điều tra dân số địa bàn Thủ đô, Ban Giám đốc CATP Hà Nội đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội tham mưu, đề xuất kế hoạch quản lý chặt cư dân ở các tòa chung cư trên toàn địa bàn thành phố. Theo đó, bên cạnh công tác nghiệp vụ của lực lượng Cảnh sát hình sự, Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Cảnh sát kinh tế, thì lực lượng Cảnh sát Quản lý hành chính mà trực tiếp là Cảnh sát khu vực Công an các phường, sẽ phối hợp chặt chẽ với ban quản lý các tòa chung cư trong công tác nắm người, nắm hộ, nắm tình hình.

Cảnh sát khu vực phường Thanh Xuân Trung thường xuyên nắm bắt tình hình trao đổi thông tin với cư dân tại các khu chung cư

Nhiều năm qua, triển khai thực hiện chỉ đạo của Công an thành phố, nhiều địa bàn đã hết sức chủ động. Đó là Công an quận Thanh Xuân, với chuyên đề “Phối hợp quản lý an ninh, trật tự, nhân khẩu, hộ khẩu tại khu chung cư”, với việc triển khai đồng bộ ở 11 Công an phường và các đội nghiệp vụ. Điểm mấu chốt của chuyên đề này, đúng như Trung tá Đinh Tuấn Thành – Trưởng Công an quận Thanh Xuân khẳng định: là đón đầu để giải quyết phức tạp tiềm ẩn về ANTT tại các tòa chung cư; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhân khẩu; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi, đối tượng phạm tội, tệ nạn; đặc biệt hình thành cơ chế phối hợp bền vững, trách nhiệm giữa Công an cơ sở - ban quản lý, bảo vệ các khu nhà – cán bộ cơ sở - người dân.

Triển khai chuyên đề, Trung tá Lê Hùng Vỹ, Trưởng Công an phường Thanh Xuân Trung cho biết, Công an phường đã phối hợp với các đội nghiệp vụ Công an quận và Phòng nghiệp vụ CATP tiến hành hướng dẫn, kiểm tra người nước ngoài đang sinh sống tại địa bàn. Cùng với đó, Cảnh sát khu vực thông qua Ban quản lý tòa nhà chung cư, liên hệ với chủ nhà kết nối với người thuê nhà, lập danh sách kèm số điện thoại liên hệ để nắm chắc và quản lý chặt chẽ các loại hộ khẩu, nhân khẩu, thông qua đó thu thập thông tin có liên quan đến ANTT, kịp thời có biện pháp quản lý, phòng ngừa. Định kỳ, Cảnh sát khu vực làm việc, trao đổi với Ban quản lý tòa nhà để nắm bắt các thông tin, giải quyết các vướng mắc.

Tại các tòa chung cư, Công an phường hướng dẫn Ban quản lý thống nhất với người dân về việc xây dựng mô hình “trưởng tầng”. Qua đó, các “trưởng tầng” sẽ quản lý, nắm và trao đổi thông tin thường xuyên với CSKV về tình hình cụ thể từng tầng của tòa nhà. “Cùng với các biện pháp tăng cường phối hợp, Công an phường Thanh Xuân Trung đã đẩy mạnh hiệu quả của việc áp dụng công nghệ trong việc giao tiếp với người dân. Cụ thể, mỗi CSKV đã thiết lập 2 nhóm Zalo với các cư dân sinh sống trên địa bàn quản lý và nhóm giữa CSKV với đại diện các trưởng tầng, Ban quản lý, Ban quản trị, tổ dân phố...Qua đó, khi có thông tin cần trao đổi người dân có thể nhanh chóng nhắn tin bằng hình ảnh, text, video cho lực lượng CSKV…

Tại quận Hoàng Mai, Thượng tá Lê Văn Thắng, Phó trưởng Công an quận cho  biết, công an 14 phường trên địa bàn quận đã và đang rà soát, đánh giá, nâng cao mối quan hệ phối hợp với chủ đầu tư, ban quản lý các khu chung cư. Yêu cầu đặt ra là tuyên truyền đến người dân các thủ đoạn của tội phạm, tệ nạn lợi dụng căn hộ chung cư; xác định trách nhiệm của chủ nhà và khách thuê trong thực hiện khai báo tạm trú,  tạm vắng, thông tin nhân khẩu. Trên cơ sở thực tế nắm bắt tình hình, điều tra cơ bản, công an cơ sở phải tổ chức tuần tra công khai cùng bảo vệ tòa nhà, hoặc tiến hành biện pháp nghiệp vụ để xác định, xử lý kịp thời những biểu hiện, đối tượng vi phạm.

Tại quận Hai Bà Trưng, chỉ huy Đội Cảnh sát QLHC về TTXH cho biết, đội cùng công an 20 phường đã hoàn tất kế hoạch điều tra cơ bản tình hình toàn bộ các khu chung cư, tập thể. Bước tiếp theo của kế hoạch, căn cứ chỉ đạo của CATP Hà Nội, sẽ là triển khai các giải pháp tuyên truyền, phòng ngừa, đảm bảo yêu cầu đặt ra đối với các khu chung cư: “Càng cao cấp, an ninh càng phải được đảm bảo”.