Cocobay "vỡ trận": Nhà đầu tư có quyền khởi kiện?

ANTD.VN -Mới đây, chủ đầu tư dự án Cocobay Đà Nẵng đã thừa nhận sẽ không thực hiện được việc chi trả lợi nhuận cam kết lên tới 12%/năm như đã ký với khách hàng. Theo Luật sư Lê Hồng Vân – đoàn Luật sư Hà Nội, hiện nay loại hình condotel chưa được pháp luật ghi nhận, nên khi xảy ra rủi ro, nguy cơ nhà đầu tư phải chịu thiệt hại là rất lớn.

Cũng theo Luật sư Lê Hồng Vân, condotel bản chất là khách sạn, một sản phẩm nghỉ dưỡng du lịch, lưu trú.  Thời gian qua, condotel được đẩy giá lên rất cao, xấp xỉ chung cư cao cấp, trung cấp tại những thành phố lớn, bị thổi phồng giá trị lên rất nhiều lần.

Trong khi đó, đất trong các dự án này chỉ là đất thuê, tiền sử dụng đất thấp, các chủ đầu tư đã cơ bản thu hồi vốn ngay trong thời kỳ huy động vốn, bán sản phẩm cho khách hàng. Như vậy, trong cuộc chơi này không có sự bình đẳng mà rủi ro rơi chủ yếu rơi vào khách hàng, nhà đầu tư, đặc biệt là những người đi vay ngân hàng mua nhà.

“Nhà đầu tư thiếu thông tin nhưng lại đầu tư theo phong trào, tin theo những lời quảng cáo có cánh của chủ đầu tư, thấy lợi nhuận 8-12% là họ xuống tiền mua condotel khi quy chuẩn xây dựng chưa có, rủi ro về pháp lý sở hữu, về kinh doanh cao nên khi cam kết bị “vỡ” họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn”- Luật sư Hồng Vân nói.

Cổng vào khu Cocobay Đà Nẵng

Được biết sau khi dự án vỡ trận, chủ đầu tư đã đưa ra một số giải pháp như: Khách hàng tiếp tục hợp tác với chủ đầu tư và tiến hành chuyển đổi các condotel thành căn hộ chung cư với chi phí chuyển đổi dự kiến 15% giá trị căn hộ và được toàn quyền sử dụng như một căn hộ chung cư bình thường. (Chủ sở hữu cũng có thể giao lại cho chủ đầu tư căn hộ đó để tiếp tục kinh doanh với những cam kết về thu nhập cố định hàng năm); Hoặc vẫn giữ lại các condotel và tiếp tục để chủ đầu tư kinh doanh với bản hợp đồng mới 10 năm, trong đó lợi nhuận trong 3 năm đầu theo thị trường...

Tuy vậy, Luật sư Hồng Vân cho rằng, gốc của condotel là đầu tư tài chính nên chuyện lời ăn lỗ chịu là chuyện rất dễ xảy ra. Thời gian tới, có thể hàng loạt những khu nghỉ dưỡng du lịch condotel khác cũng sẽ rơi vào tình trạng tương tự. Trong hoàn cảnh đó, chủ đầu tư và khách hàng cần thống nhất phương án tìm tiếng nói chung bởi thực tế cho thấy nếu nhà đầu tư yêu cầu chủ đầu tư thực hiện trả lợi nhuận theo đúng cam kết là bất khả thi.

“Cam kết lợi nhuận là một trong những điều khoản quan trọng của hợp đồng mua bán - cơ sở để khách hàng quyết định mua condotel. Do đó, khi rủi ro xảy ra, chủ đầu tư và khách hàng sẽ thỏa thuận về biện pháp giải quyết khách hàng có thể yêu cầu chủ đầu tư huỷ bỏ hợp đồng mua bán, trả lại căn hộ đồng thời bồi thường thiệt hại vì phá vỡ điều khoản hợp đồng. Nếu hai bên không thể thỏa thuận được, khách hàng có thể khởi kiện” – Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.

Điều đáng nói là không ít cam kết về chi trả lợi nhuận từ condotel là cam kết về tín chấp, không được đảm bảo bằng bảo lãnh ngân hàng nên khi rủi ro xảy ra, người mua thường chịu thiệt.

“Do loại hình condotel chưa được pháp luật ghi nhận nên để tránh tình trạng “tiền mất, tật mang”, nhà đầu tư cần thận trọng tỉnh táo, có kiến thức, không nên đầu tư theo kiểu “đám đông” và bị hoa mắt bởi “bánh vẽ” do chủ đầu tư đưa ra” – Luật sư Hồng Vân khuyến cáo.