Có thể xem xét xử lý hình sự vụ sập giàn giáo công trình trên phố Tố Hữu

ANTD.VN - Nhận định về vụ tai nạn lao động sập giàn giáo khiến 3 người tử vong và 3 người khác bị thương trên phố Tố Hữu phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, luật sư Nguyễn Đào Tơ - Trưởng VPLS Hoàng Huy cho rằng, đây là vụ tai nạn lao động gây hậu quả rất nghiêm trọng. Do vậy, cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc điều tra, xác minh nguyên nhân của việc sập giàn giáo, từ đó xác định trách nhiệm của chủ đầu tư, nhà thầu thi công đến đơn vị tư vấn giám sát. 

Hiện trường vụ sập giàn giáo khiến 6 người thương vong ở đường Tố Hữu, Hà Nội

Cần xác định rõ trách nhiệm bồi thường

Về vấn đề bồi thường, để xác định đơn vị phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại xảy ra cần căn cứ vào nội dung Hợp đồng đã ký giữa các bên liên quan. Điều 38 Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015 quy định,  đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, người sử dụng lao động có trách nhiệm kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho người lao động bị tai nạn lao động và phải tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp. Ngoài ra, người sử dụng lao động còn phải trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động…

Bên cạnh đó, Điều 45 Luật này cũng quy định rõ, người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ tai nạn lao động khi bị nạn tại nơi làm việc và trong giờ làm việc và suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn. Trường hợp giữa người sử dụng lao động và người lao động không ký hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội thì người lao động vẫn được bồi thường khi bị tai nạn lao động.

Nếu đơn vị thi công công trình (nhà thầu xây dựng) không thực hiện đúng nghĩa vụ hợp đồng, thi công không đúng thiết kế tiêu chuẩn xây dựng, bảo đảm chất lượng công trình, an toàn và vệ sinh môi trường… thì phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại đối với tai nạn lao động do phần lỗi của đơn vị này gây ra, đồng thời phải chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định của Hợp đồng thi công công trình đã ký với chủ đầu tư.

Có thể xem xét xử lý hình sự vụ sập giàn giáo công trình trên phố Tố Hữu ảnh 2

Luật sư Nguyễn Đào Tơ Trưởng VPLS Hoàng Huy

Cần xem xét các dấu hiệu về trách nhiệm hình sự 

Cũng theo luật sư Nguyễn Đào Tơ, Chỉ thị số 03/CT-BXD ngày 11-11-2013 của Bộ Xây dựng quy định, khi thi công công trình xây dựng giàn giáo phải đạt các tiêu chí: Đối với đơn vị thi công phải thiết kế, tính toán kết cấu giàn giáo theo đúng qui định tại Quy chuẩn xây dựng Việt Nam. Trong quá trình thi công đổ bê tông phải đảm bảo các điều kiện an toàn, ổn định cho giàn giáo, phải thường xuyên kiểm tra an toàn của giàn giáo.

Chủ  đầu tư công trình phải tổ chức kiểm tra công tác lắp đặt giàn giáo của nhà thầu theo thiết kế đã được phê duyệt; Định kỳ hoặc đột xuất tổ chức kiểm tra việc lắp dựng giàn giáo trong quá trình thi công xây dựng. Nhà thầu giám sát thi công xây dựng công trình có trách nhiệm giúp chủ đầu tư trong quá trình kiểm tra. Bên cạnh đó, chủ đầu tư có trách nhiệm kiên quyết tạm dừng thi công và yêu cầu nhà thầu khắc phục khi phát hiện dấu hiệu vi phạm các quy định làm mất an toàn của giàn giáo.

 Đối với sự cố sập giàn giáo khiến 3 người chết, 3 người bị thương ở công trình xây dựng trên phố Tố Hữu, nhận định sơ bộ ban đầu về nguyên nhân sập giàn giáo có thể do kết cấu giàn giáo không đảm bảo theo quy định. Do đó, cần xem xét các dấu hiệu về trách nhiêm hình sự đối với các chủ thể trực tiếp chịu trách nhiệm về chất lượng của giàn giáo.

Điều 295 BLHS 2015 sửa đổi về Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, an toàn ở nơi đông người nêu rõ, người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp: Làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên… thì bị phạt tiền từ 20-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-5 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Làm chết 3 người trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên… thì bị phạt tù từ 6-12 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

Còn trong trường hợp hành vi vi phạm đủ dấu hiệu cấu thành Tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 298 - BLHS 2015 thì người thực hiện hành vi có thể bị xử lý về tội danh này.