Cô gái ngồi xe lăn thắng kiện

ANTĐ - Sau nhiều năm tháng phải nương náu nơi cửa chùa và ôm đơn đi kêu cầu khắp nơi, cuối cùng Phạm Thị Ánh Nguyệt (SN 1980, trú ở phường Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội) cũng đã lấy lại được những gì đáng được hưởng.

Mẹ con Phạm Thị Ánh Nguyệt (bên trái, hàng đầu) cùng đại diện bị đơn tại tòa

Cực chẳng đã…

Chiều 23-8 vừa qua, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử vụ án tranh chấp di sản thừa kế. Nguyên đơn dân sự là chị Phạm Thị Ánh Nguyệt (bị liệt nửa người bẩm sinh do di chứng chất độc da cam từ người cha đi kháng chiến) và bà Đào Minh Phượng (SN 1954, mẹ đẻ Nguyệt), đại diện hợp pháp của người đứng đơn khởi kiện. Phía bên kia, bị đơn là bà Phạm Thị Thuận (SN 1957), trú ở phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa. Bà Thuận không trực tiếp tham gia phiên tòa mà ủy quyền cho người thứ ba cùng luật sư tiến hành tố tụng.

Đơn khởi kiện đòi quyền thừa hưởng di sản thừa kế cùng những lời trình bày của hai bên đương sự tại tòa thể hiện, vợ chồng cụ Phạm Công Mẫn và Nguyễn Thị Giáp mất năm 2006 để lại một căn nhà 6 tầng trên diện tích 53,7m2, tại số 25 ngõ 630 đường Trường Chinh, phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa. Vợ chồng cụ Mẫn có 2 người con là ông Phạm Công Cảnh – thương binh hạng ¾ (bố đẻ của Nguyệt), bị tâm thần bỏ nhà đi từ năm 1994 và được tòa án tuyên bố đã chết và bà Phạm Thị Thuận. Năm 2004, vợ chồng cụ Mẫn lập di chúc để lại toàn bộ căn nhà (thời điểm ấy là nhà 1 tầng) cho con gái, sau khi 2 cụ qua đời. Trước tòa, bà Phượng trình bày trước khi bố mẹ chồng bà qua đời đã đồng ý để bà Thuận phá bỏ căn nhà cũ đi và xây dựng một căn nhà 6 tầng trên toàn bộ diện tích đất của 2 cụ.

Do Nguyệt không thể lao động và tự sinh sống được nên cụ Giáp động viên cháu gái: “Cứ để cô Thuận xây nhà, sau đó bà cháu mình vẫn ở đây như trước”. Cũng theo lời bà Phượng, lúc ấy bà Thuận nói với chị em Nguyệt rằng: “Ông bà đã sang tên nhà đất cho cô rồi. Xây nhà xong, cô sẽ cho hai chị em cháu một khoản tiền để kiếm chỗ ở khác”. Tuy nhiên, sau này bà Thuận “nuốt lời”, không cho các cháu một đồng nào, đồng thời thách thức: “Có giỏi thì đi mà kiện”.

Về phần Phạm Thị Ánh Nguyệt vì ông bà nội đã mất và không còn chỗ ở nên cô đang được hưởng trợ cấp của Nhà nước được mẹ đẻ đón về chăm sóc. Thế nhưng do bà Phượng sức khỏe yếu lại không có nhà riêng nên Nguyệt chỉ ở cùng mẹ một thời gian ngắn rồi phải đến xin nương náu ở một ngôi chùa tận Hưng Yên. Lo lắng cho cuộc sống của Nguyệt sau này và trước lối cư xử “cạn tình” của cô em chồng, bà Phượng buộc lòng phải đẩy xe lăn đưa con gái đi cầu cứu khắp nơi.

                               

Bị đơn thua cả “lý” lẫn “tình”

Quá trình thụ lý hồ sơ, thu thập các tài liệu, mẹ con bà Phượng chỉ đề nghị tòa án xét xử vụ kiện dựa trên căn cứ chia di sản thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc, theo Điều 669 - BLDS đối với Phạm Thị Ánh Nguyệt (người không có khả năng lao động). Vậy nhưng ngay trước khi vụ án được đưa ra phân xử, mẹ con bà Phượng cùng luật sư cho rằng bản di chúc của vợ chồng cụ Mẫn lập ngày 10-8-2004 là vô hiệu và lập tức bổ sung yêu cầu khởi kiện là chia di sản thừa kế theo pháp luật.

Chứng minh bản di chúc của vợ chồng cụ Mẫn không phát sinh hiệu lực, phía nguyên đơn chỉ ra rằng về hình thức bản di chúc này bị viết thêm nội dung trong phần xác nhận của UBND phường, song không được “cộp dấu” đính chính. Đặc biệt là phần nội dung, căn cứ vào quy định về tài sản của pháp luật (nhà và đất) thì di chúc chỉ xác lập bà Thuận được hưởng căn nhà (1 tầng) của vợ chồng cụ Mẫn chứ không được hưởng đất. Trong khi đó thời điểm cụ Mẫn qua đời, căn nhà này đã không còn. Do đó, phía nguyên đơn cho rằng di chúc đã vô hiệu ở thời điểm mở di sản thừa kế. “Vì vậy, tòa án phân chia di sản của cụ Mẫn và cụ Giáp theo pháp luật là hợp lý, hợp tình” - luật sư của nguyên đơn khẳng định.

Bác lại yêu cầu của nguyên đơn, đại diện bị đơn cho rằng việc bố mẹ bà Thuận để lại nhà, đất cho con gái là hoàn toàn phù hợp với tinh thần của pháp luật. Trước những chứng cứ, tài liệu và tranh luận giữa hai bên đương sự tại tòa, HĐXX đã không chấp nhận yêu cầu chia di sản của vợ chồng cụ Mẫn theo pháp luật theo yêu cầu khởi kiện bổ sung của nguyên đơn vì cho rằng nội dung di chúc vẫn có hiệu lực. Thế nhưng xét cả về đạo lý lẫn pháp lý thì di chúc của ông bà nội chị Nguyệt bị vô hiệu một phần. Tòa án khẳng định, chị Phạm Thị Ánh Nguyệt là con của một thương binh, phải gánh chịu di chứng chất độc da cam do chiến tranh và không có khả năng lao động nên cần thiết phải dành cho chị một phần di sản của những người quá cố. 

Với nhận định trên, TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên bố chấp nhận một phần đơn khởi kiện của nguyên đơn và xử cho cô gái tật nguyền được hưởng hơn 25m2 đất và nhà (tầng 1) của ngôi nhà 6 tầng mang tên bà Thuận hiện nay, tương đương hơn 4 tỷ đồng.