[CLIP] Dù cảnh giác, cô gái trẻ vẫn bị kẻ lừa đảo rút sạch tiền ngân hàng

ANTD.VN - Chỉ bằng một cuộc điện thoại, kẻ lừa đảo đã dễ dàng rút hết sạch tiền trong tài khoản ngân hàng của một nạn nhân-là cô gái trẻ ở Hà Nội. Dù cảnh giác, cô gái này vẫn không thể thoát bẫy. Tại sao lại như vậy?

Trao đổi với PV Báo ANTĐ, chị Vũ G (SN 1990, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, dù cảnh giác song cú lừa qua điện thoại quá "kỳ lạ" đã khiến chị bị mất toàn bộ tiền trong tài khoản ngân hàng.

Chị G vốn là người hoạt động xã hội, tham gia một tổ chức từ thiện và thường xuyên nhận các khoản đóng góp từ mọi người, để thực hiện các chương trình thiện nguyện.

Chị Vũ G cung cấp thông tin cho PV Báo ANTĐ

Vào 17h32 ngày 21-8, chị G nhận được tin nhắn qua Messenger (Facebook) từ một người bạn, hỏi rằng đã nhận được số tiền 2 triệu đồng từ "anh S" chưa (S là người mà bạn này giới thiệu để gia nhập nhóm từ thiện trong thời gian tới). Khi chưa kịp kiểm tra tài khoản để trả lời câu hỏi này, chỉ sau khoảng 10 phút, điện thoại của chị G đổ chuông, số máy gọi đến hiện lên là 0869604***.

"Người ở đầu dây bên kia là nam giới, nói giọng Bắc, xưng là nhân viên gọi từ ngân hàng Techcombank, hỏi rằng có phải tôi đang chờ nhận khoản tiền 2 triệu đồng đóng không. Vì quá trùng hợp như vậy nên tôi nói đúng. Anh ta bảo giao dịch đang bị lỗi, số tiền bị treo nên sẽ hỗ trợ để tôi nhận", chị G cho biết.

Cuộc gọi giả mạo nhân viên ngân hàng xuất hiện ngay sau tin nhắn hỏi nhận tiền, khiến nạn nhân dễ sập bẫy

Tuy nhiên, chị G khá cảnh giác, hỏi lại việc tại sao nhân viên ngân hàng không dùng số máy tổng đài để liên hệ, mà lại gọi bằng số cá nhân. Đáp lại, đầu dây "giải thích" số tổng đài dùng cho giải quyết các thông tin phổ biến, còn họ là bộ phận hỗ trợ, tra soát nên... gọi trực tiếp. Đáng chú ý, người này cung cấp thông tin số tiền bị treo là 2 triệu đồng (cùng vài nghìn đồng lẻ giống như phí chuyển khoản), rất phù hợp với câu hỏi về số tiền trên Facebook của người bạn, nên chị G đã bị thuyết phục.

"Anh ta yêu cầu tôi đọc vài lần số CMND, 16 chữ số nổi trên thẻ Visa Techcombank, cùng dãy số phía sau. Người này còn đề nghị tôi đọc rõ số dư trong tài khoản để kiểm tra, và tôi đọc từng chữ số là 13.524.423 đồng", chị G chia sẻ.

Sau đó, kẻ lừa đảo đã lợi dụng các thông tin do nạn nhân cung cấp để tiến hành giao dịch rút tiền khỏi tài khoản. Tinh vi hơn, đối tượng yêu cầu chị G luôn giữ máy trong khoảng 30 giây, không được dập vì "tránh gây gián đoạn kết nối, sẽ bị lỗi, không nhận được tiền". Vì phải giữ máy liên tục, nên sau đó, khi có tin nhắn gửi mã giao dịch OTP từ ngân hàng, chị G đã không nhận ra và đọc các chữ số hiện nổi trên màn hình theo yêu cầu của đối tượng (điện thoại thông minh có chế độ hiển thị một phần tin nhắn đến, khi màn hình chính đang có ứng dụng khác).

Sau khi có đủ thông tin để rút tiền, kẻ lừa đảo đã thực hiện rút 2 lần từ tài khoản của chị G, tổng cộng là 13,2 triệu đồng (lần 1 là 9,8 triệu đồng, lần 2 là 3,4 triệu đồng). Những thao tác này quá nhanh, khiến nạn nhân phát hiện ra sự việc thì không thể can thiệp ngăn chặn.

Hai giao dịch rút tiền từ tài khoản của chị G, do kẻ lừa đảo thực hiện

Được biết, số tiền nói trên là tiền quyên góp từ thiện do mọi người gửi cho nhóm của chị G. Trước mắt, cô gái này sẽ phải ứng tiền cá nhân ra để bù vào khoản đó.

"Tôi thừa nhận lỗi hoàn toàn ở mình, do không thạo về tài khoản ngân hàng, nên đã cung cấp toàn bộ thông tin cho kẻ lừa đảo. Tuy nhiên, điểm cốt lõi ở đây là cuộc gọi đó tới ngay sau tin nhắn hỏi tiền, vì quá trùng hợp như vậy nên tôi đã hoàn toàn tin tưởng. Cùng với đó là mã OTP gửi tới khi tôi vẫn đang phải giữ máy, nên đã sơ suất không nghĩ rằng đó là... OTP", chị G bày tỏ.

Cho tới thời điểm này, cô gái trên vẫn chưa thể lý giải sự trùng hợp tình cờ giữa tin nhắn trên Messenger với cuộc gọi lừa đảo. Bởi người bạn đó đã cùng chị G tham gia nhiều chuyến làm từ thiện, và người bạn khẳng định Facebook cá nhân không hề bị "hack".

Dưới đây là video clip ghi lại cuộc trao đổi của PV Báo ANTĐ với chị G:

Ngoài ra, sau khi biết bị lừa, chị G đã tới Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (CATP Hà Nội) để trình báo, với hy vọng tìm ra thủ phạm, cũng như góp phần cảnh báo về tình trạng lừa đảo này.