Chuyện kể sau một "vụ án hình sự... lạ" (3): Những điều xót xa đọng lại

ANTD.VN - Trong khi gia đình và bạn bè lo lắng, đứng ngồi không yên, dư luận hồi hộp chờ đợi, thì ở một nơi cách Hà Nội hơn 50km, những “nạn nhân” mất tích là hai cô bé học sinh cấp 2 vẫn bình tĩnh “chất vấn” ngược lại các trinh sát hình sự cất công đi tìm các em: “Tại sao các chú lại đến đây, bọn cháu đang đi chơi mà?”. Không người lính hình sự nào trách các em, bởi hơn ai hết, họ hiểu rằng, các em đang ở trong độ tuổi “ẩm ương”, và những lời động viên, chia sẻ chân thành mới thực sự là “vũ khí” hiệu quả trong “vụ án” đặc biệt này – một “vụ án” có không ít điều xót xa đọng lại…

Để thuyết phục hai nữ sinh bỏ nhà đi chơi, các trinh sát hình sự đã phải vào vai "chuyên gia tâm lý" từ khi tìm kiếm, cho tới lúc đưa các em về

Đầu giờ chiều ngày 31-8-2018, từ một quán trà sữa ở huyện Việt Yên (tỉnh Bắc Giang), hai nữ sinh lớp 8 và 9 ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) nhắn tin cho các bạn học đang ngóng chờ ở CAP Tương Mai: “Bị… ‘bắt’ rồi!”

Thấy tin nhắn đó, người thân và bạn học của cô bé có phần hoang mang: Ai bắt? Sao lại bắt?...

Nhưng tất cả nhanh chóng được trấn an, khi tổ Cảnh sát Hình sự của CAQ Hoàng Mai cho biết, đó là một tổ trinh sát khác đã tiếp cận và đảm bảo an toàn cho các nữ sinh.

Trước đó, vào tối ngày 29-8, sự việc nữ sinh lớp 8 ở quận Hoàng Mai bỏ nhà đi chơi đã khiến dư luận xôn xao, bởi một người bạn của gia đình đã loan báo trên Facebook rằng, em bị “kẻ xấu lừa và bắt cóc”, “cho dùng thuốc mê”… Trước thông tin nghiêm trọng này, lực lượng Cảnh sát Hình sự của CAQ Hoàng Mai đã lập tức vào cuộc xác minh, và làm rõ đây chỉ là “cuộc đi chơi” của 2 nữ sinh trong độ tuổi ẩm ương, chứ không có bất kỳ ai dụ dỗ, bắt cóc.

Tuy nhiên, để hỗ trợ gia đình trong việc tìm lại con, cơ quan công an đã phải dùng nhiều biện pháp nghiệp vụ, trong đó cử một tổ trinh sát đi ô tô tới Bắc Giang, và tìm thấy các em trong một quán trà sữa.

Nếu đã đọc kỳ trước, hẳn độc giả chưa quên, trong nỗ lực dò tìm vị trí thực sự của các nữ sinh, trinh sát hình sự đã phải hóa thân thành những “chuyên gia tâm lý”, để tư vấn từng lời nói, câu hỏi cho các bạn học sinh cùng lớp của cô bé sinh năm 2005.

Song ít ai biết rằng, ở đầu tác chiến bên kia, các trinh sát hình sự trong mũi di chuyển lên Bắc Giang cũng đã phải vào vai chuyên gia tâm lý bất đắc dĩ, nhưng rất thành công!

Bởi khi thông báo việc mình bị “bắt”, là thực chất, hai nữ sinh gặp tổ trinh sát hình sự của CAQ Hoàng Mai. Trong cuộc trò chuyện, các em không hề biết rằng dư luận và gia đình, bè bạn đang rất lo lắng cho sự an nguy của mình. Thay vào đó, các em “chất vấn” ngược: “Tại sao các chú lại đến đây? Bọn cháu đang đi chơi kia mà…”.

Bằng sự mềm mỏng song không thiếu phần kiên quyết, các trinh sát đã giải thích, và động viên, khuyên nhủ để hai cô bé trong tuổi “ẩm ương” nhận ra sự phi lý của cuộc đi chơi qua đêm kéo dài hơn 50km mà không có một lời nhắn lại cho gia đình.

Và các “chuyên gia tâm lý” bất đắc dĩ hoàn toàn thành công!

Mũi trinh sát hình sự của CAQ Hoàng Mai đi ô tô lên Bắc Giang để đón 2 em về

Sau cùng, hai nữ sinh đã đồng ý đi theo các trinh sát về nhà, trong niềm vui khôn xiết của gia đình, bè bạn, và Đội Cảnh sát Hình sự (CAQ Hoàng Mai), cùng các chiến sĩ CSHS của CAP Tương Mai.

Về tới nơi, nữ sinh lớp 8 được mời vào phòng trao đổi riêng, nơi mẹ em đã túc trực sẵn. Trong khi đó, người bạn đồng hành hơn em 1 tuổi ngồi chờ phía ngoài. Đó là khoảnh khắc ngắn ngủi để ghi nhận những chia sẻ của một cô bé tuổi “nổi loạn” về chuyến đi chơi xa nhà khiến nhiều người lo lắng.

Ban đầu, cô bé đồng hành này vẫn tỏ ra không hợp tác, ngồi vắt chéo chân và gần như yên lặng. Nhưng bằng sự chân thành, Đại úy Nguyễn Huy Hiển - Phó Trưởng CAP Tương Mai phụ trách hình sự - đã khiến nữ sinh lớp 9 thay đổi dần…

- Bố mẹ cháu không lo lắng khi thấy con gái đi biền biệt qua đêm như vậy à?

- Cháu thấy chán thì cháu đi chơi thôi.

Trước câu trả lời có phần chẳng ăn nhập với câu hỏi, Đại úy Nguyễn Huy Hiển đã tâm sự rất thật lòng: “Chú cũng là một người bố. Có lẽ chú hiểu tâm trạng của bố mẹ cháu. Và chú không tin họ vô tâm khi đã nuôi cháu lớn tới dường này. Hãy nhìn xem! Cháu đâu thể tự nhiên mà lớn như vậy được, nếu không có cơm gạo, tình yêu gia đình? Cháu hãy nghĩ xem…”.

Cứ thế, dần dà cô bé 15 tuổi bắt đầu cảm thấy trải lòng hơn, để chia sẻ những điều em nghĩ, thay vì giữ kín trong vỏ bọc lạnh lùng, khó tiếp xúc ban đầu.

“Cháu… không muốn đi học nữa! Thử nghĩ xem, cháu bị mất gốc rồi, có tới lớp cũng chẳng hiểu thầy cô nói gì. Vậy thì tại sao cứ bắt cháu đi học? Cháu muốn đi làm để kiếm tiền”, nữ sinh lớp 9 bỏ nhà và bỏ học đã giãi bày như thế cho quyết định bước ngoặt của mình.

Đội CSHS của CAQ Hoàng Mai chăm chú hướng dẫn các bạn học của nữ sinh "mất tích" để tìm cách khai thác vị trí mà các em đang ở

Khi đó, không một “chuyên gia tâm lý” nào – dù xuất sắc tới mấy – có thể chỉ cho cô bé ở tuổi ẩm ương hiểu rằng, suy nghĩ của em lệch lạc đến thế nào, trong một xã hội đang vận động không ngừng, và mảnh đất kiếm sống dành cho những người chưa học hết THCS đang bị thu nhỏ lại ra sao…

Sau này, khi cập nhật tình hình của em, tôi biết được rằng, cô bé vẫn kiên định với việc bỏ học giữa chừng của mình.

Tương lai của một cô bé sống giữa Thủ đô và không có đến tấm bằng tốt nghiệp THCS sẽ như thế nào? Dẫu cố suy nghĩ lạc quan, tôi đã không thể có một câu trả lời tích cực trong hoàn cảnh này!

Sau tất cả, câu chuyện bỏ nhà đi chơi của hai nữ sinh cấp 2 đã kết có hậu, nhưng vẫn còn đó dai dẳng những tiếc nuối, xót xa. Tôi vẫn tin là, nếu những người xung quanh các em thực sự quyết tâm, kiên trì hỗ trợ những cô bé ở tuổi mới lớn này, bằng tất cả trái tim, thì các em sẽ không có ý định rời xa chiếc ghế nhà trường theo cách quyết liệt như vậy.