Chuyện kể sau một "vụ án hình sự... lạ" (2): Khi trinh sát trở thành những chuyên gia tâm lý

ANTD.VN - Trong vụ việc nữ sinh lớp 8 ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) bị hoang báo trên mạng xã hội Facebook là “bị kẻ xấu lừa, đánh thuốc mê, bắt cóc”, các trinh sát hình sự đã làm rõ bản chất hoàn toàn không phải như vậy, và đưa nữ sinh trở về an toàn. Có một điều ít người biết, là trong quá trình “phá án”không tiếng súng đó, các chiến sĩ cảnh sát hình sự rắn rỏi đã phải hóa thân thành… những chuyên gia tâm lý.

>> Kỳ trước: Chuyện kể sau một "vụ án hình sự... lạ" (1): Tung tin hoang mang "kẻ xấu, bắt cóc, thuốc mê"

Sáng sớm ngày 30-8-2018, vào lúc nhiều người còn chưa tỉnh giấc để bước vào ngày mới, tôi đã nhận được thông tin Thượng tá Lê Tiến Bắc – Phó Trưởng Công an quận Hoàng Mai – đang tích cực chỉ đạo Đội Cảnh sát Hình sự (CSHS) bám sát từng diễn biến trong vụ việc nữ sinh lớp 8 ở quận này bị hoang báo trên mạng xã hội Facebook là “bị kẻ xấu lừa, đánh thuốc mê, bắt cóc”.

“Anh em đang làm rất quyết liệt, chắc chắn sự việc sẽ sớm rõ bản chất và có kết quả!”, Thượng tá Lê Tiến Bắc chia sẻ đầy quả quyết như vậy chỉ sau một đêm Facebook ‘dậy sóng’.

Trong buổi sáng 30-8, căn phòng của tổ CSHS (CAP Tương Mai) đông đúc khác ngày thường. Bởi tại đó, ngoài sự có mặt của các trinh sát hình sự CAP, còn có 4 điều tra viên hình sự khác của CAQ Hoàng Mai, do Thiếu tá Võ Xuân Tấn – Đội trưởng Đội CSHS – dẫn đầu. Sau đó, còn có thêm điều tra viên từ Phòng CSHS - CATP Hà Nội - được tăng cường xuống hỗ trợ.

Sự lo lắng của người mẹ khi chưa thấy con trở về

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, các điều tra viên hình sự xác định bản chất sự việc hoàn toàn không phải như thông tin hoang báo, không có bất kỳ “kẻ xấu” nào dụ dỗ, đánh thuốc mê hay bắt cóc.

Lần lượt người thân của nữ sinh, bạn học và cả cô giáo chủ nhiệm được mời tới làm việc và hỗ trợ, để các điều tra viên tiếp cận nhân vật chính theo mọi hướng khả thi.

Trong sự việc này, điều đặc biệt là cô bé bị cho là “mất tích” hoàn toàn không liên lạc với gia đình, mà em chỉ trao đổi với bạn bè qua Zalo, Facebook, với thông tin địa điểm đang ở thay đổi liên tục. Để tìm ra nơi ở thực sự của cô bé tuổi “ẩm ương” không hề đơn giản, khi chính người trong cuộc không hợp tác.

Là người có mặt tại CAP Tương Mai khi đó, tôi đã may mắn chứng kiến toàn bộ quá trình “phá án” không tiếng súng rất đặc biệt này. Không ít lần, Thiếu tá Võ Xuân Tấn phải cau mày, nhăn trán, để tìm cách tiếp cận hiệu quả nhất.

Những giây phút căng thẳng của các điều tra viên hình sự, trong vai trò... các 'chuyên gia tâm lý'

Phương án được các điều tra viên thống nhất lựa chọn là nhờ vài nữ sinh thân thiết, dưới sự giám hộ của cô giáo chủ nhiệm, liên tiếp “chat” qua Zalo, Facebook với nữ sinh “mất tích”, để dò hỏi tình trạng và nơi lưu trú hiện tại. Trong khi nhóm học sinh “mồi” và cô giáo ngồi trên ghế, các điều tra viên đứng hình vòng cung phía sau, và liên tiếp gợi ý, hướng dẫn các em cách chia sẻ, hỏi bạn mình để có những thông tin xác thực và có lợi nhất.

Nhiều lúc, tất cả cùng bật cười vì những ý tưởng và câu hỏi rất thú vị mà điều tra viên hình sự đưa ra, để nhóm học sinh gửi tới bạn theo “ngôn ngữ xì tin”. Đó cũng là lúc tôi nhận ra, từng điều tra viên hình sự đã hóa thân thành chuyên gia tâm lý từ khi nào không hay. Các anh nắm bắt rất nhanh từng chi tiết mới trong cuộc nói chuyện, để từ đó khai thác, đào sâu…

Từng nhiều lần có cơ hội trao đổi, tác nghiệp cùng cảnh sát hình sự, tôi nhận thấy dường như mỗi người lính hình sự đều có khả năng nắm bắt tâm lý rất tốt. Họ luôn biết cách nhìn sâu vào suy nghĩ của đối tượng, để từ đó nắm thế chủ động và xử lý hiệu quả.

Cứ thế, hành trình “phá vụ án hình sự… lạ” tại quận Hoàng Mai kéo dài tới quá trưa lúc nào chẳng hay. Dần dà, nữ sinh “mất tích” cũng chịu chia sẻ nhiều hơn, và “cú chốt” là việc em đồng ý nghe cuộc gọi của bạn.

Tất cả đều hồi hộp, nín thở khi cuộc gọi diễn ra, và đó là thời khắc quyết định việc “phá án” đã thành công.

Địa chỉ cụ thể mà cô bé đang lưu trú được tiết lộ là một quán trà sữa trên địa bàn huyện Việt Yên (tỉnh Bắc Giang). Nguyên nhân khiến nữ sinh bỏ nhà đi chơi xuất phát từ một mâu thuẫn trong gia đình, và em đã quyết định “đi đây đó” cùng một người bạn gái khác hơn mình một tuổi.

Nữ sinh bị "mất tích" (trái) và một người bạn đã được các trinh sát của CATP Hà Nội tìm thấy, và động viên các em về nhà

Chỉ chờ có thế, thông tin nhanh chóng được cung cấp cho một mũi CSHS của CAQ Hoàng Mai đã di chuyển bằng ô tô từ buổi sáng lên Bắc Giang. Sự phối hợp ăn ý, nhuần nhuyễn này đã khiến “vụ án hình sự… lạ” được giải quyết trọn vẹn chỉ sau chưa tới nửa ngày xuất hiện thông tin.

Tại Bắc Giang, thêm một lần nữa các trinh sát hình sự lại phải trở thành những “chuyên gia tâm lý” bất đắc dĩ. Bởi khi vào tiếp xúc và thuyết phục hai nữ sinh về nhà, các anh còn vấp phải sự phản đối ban đầu của những cô bé đang bước vào tuổi “ẩm ương”. Bằng những lời khuyên nhủ, động viên, cuối cùng, các nữ sinh đã đồng ý lên xe ô tô của lực lượng Công an quận Hoàng Mai để trở về nhà.

Khoảnh khắc vỡ òa sung sướng của những người tham gia "phá án", khi các em được công an đưa về nhà an toàn

Tôi vẫn nhớ như in, hôm đó là một ngày mưa gió. Mưa to theo từng đợt, táp xuống dữ dội. Song dường như chính những cơn mưa nặng hạt đó lại làm cho mỗi chiến sĩ CSHS đẹp hơn, rạng rỡ hơn, bởi bất chấp những vai áo sũng nước, những mái tóc bết da đầu, các anh vẫn nở nụ cười tươi khi hoàn thành nhiệm vụ ý nghĩa, và đưa các nữ sinh “mất tích” an toàn về với gia đình.

Có lẽ phải có mặt tại hiện trường khi ấy, chứng kiến ánh mắt hạnh phúc của người mẹ, người cô khi thấy đứa con gái bé bỏng trở về, người ta mới hiểu hết ý nghĩa của màn “phá án” không tiếng súng vừa diễn ra. Mặc dù chỉ là người ngoài cuộc ghi nhận sự việc, tôi đã đề nghị được bắt tay từng chiến sĩ CSHS tham gia vào vụ việc. Tôi muốn nói lời cảm ơn các anh, những “chuyên gia tâm lý” hết lòng vì nhiệm vụ, vì sự bình an của người dân.

(còn nữa)