Chưa coi trọng phòng ngừa

(ANTĐ) -Theo ghi nhận của Cục Nghiệp vụ - Bộ Công an, từ năm 2008 đến nay, trên toàn quốc đã xảy ra khoảng 10 vụ côn đồ ngang nhiên vào bệnh viện truy sát bệnh nhân hoặc cướp tài sản. Các vụ việc đã bộc lộ thực tế: Công tác phòng ngừa, đặc biệt là phản ứng của lực lượng bảo vệ ở nhiều bệnh viện đang rất “hổng”.

Từ vụ chém người trước cổng Bệnh viện Bạch Mai:

Chưa coi trọng phòng ngừa

(ANTĐ) -Theo ghi nhận của Cục Nghiệp vụ - Bộ Công an, từ năm 2008 đến nay, trên toàn quốc đã xảy ra khoảng 10 vụ côn đồ ngang nhiên vào bệnh viện truy sát bệnh nhân hoặc cướp tài sản. Các vụ việc đã bộc lộ thực tế: Công tác phòng ngừa, đặc biệt là phản ứng của lực lượng bảo vệ ở nhiều bệnh viện đang rất “hổng”.

Đối tượng gây rối trong bệnh viện đang nghe đọc lệnh bắt tạm giam
Đối tượng gây rối trong bệnh viện đang nghe đọc lệnh bắt tạm giam

Rước “họa” vì… thăm người nhà (!)

Cho đến chiều 12-4, các lực lượng CAQ Hai Bà Trưng vẫn đang hết sức khẩn trương xác định, truy bắt số hung thủ gây ra vụ “tấn công tập thể” ngay trước cổng Bệnh viện Bạch Mai, tối 5-4. Nguyên nhân sự việc xuất phát từ mâu thuẫn giữa anh Vũ Thanh Tuấn (SN 1982), nhà ở phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm và Nguyễn Sơn Tùng (SN 1980), trú tại phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng.

Chiều   5-4, khi đến nhà Tùng chơi, giữa anh Tuấn và Tùng đã nảy sinh cãi vã. Lập tức, chủ nhà… lấy kiếm định chém khách. Anh Tuấn lao vào ôm Tùng, nhưng bị một người bạn của Tùng khống chế, đánh hội đồng khiến phải vào Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu. 22h cùng ngày, anh Nguyễn Anh Tuấn, nhà ở phường Mai Động, quận Hoàng Mai, sau khi vào Bệnh viện Bạch Mai thăm anh Vũ Thanh Tuấn và ngồi uống nước tại cổng bệnh viện thì bất ngờ bị 6, 7 đối tượng thuộc nhóm của Tùng dùng dao tấn công. Anh Tuấn bị thương nặng và cũng phải nhập viện.

Manh động và có tính chất “ổ nhóm” hơn số đối tượng gây án tại cổng Bệnh viện Bạch Mai là 8 đối tượng trong vụ gây rối trật tự công cộng trước cổng Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, quận Long Biên, tối 23-9-2008. Hôm đó, nhóm 5 người gồm Trần Văn Tuấn, Nguyễn Tiến Quân, Nguyễn Thị Ngọc, Nguyễn Quỳnh Nga, đều trú ở Từ Sơn, Bắc Ninh; và Lê Anh Tuấn, nhà ở Phúc Xá, Ba Đình, vào Bệnh viện Đa khoa Đức Giang thăm người nhà của Nguyễn Thị Ngọc.

Trên đường ra, nhóm thanh niên Bắc Ninh bị 6 đối tượng đều trú ở phường Thượng Thanh, quận Long Biên, cà khịa. Tình huống ẩu đả lần một diễn ra, và 3 nạn nhân của nhóm quê Bắc Ninh phải nhập viện. Đánh người thành thương xong vẫn chưa “hả giận”, nhóm thanh niên phường Thượng Thanh phóng xe máy về nhà lấy dao, kiếm, tuýp sắt quay lại cổng Bệnh viện Đa khoa Đức Giang định đánh nhau tiếp. Nhóm thanh niên Bắc Ninh cũng không vừa.

2 thành viên trong nhóm đã điện thoại cho Nguyễn Thạc Dũng (SN 1978) và Vũ Trường Sơn (SN 1987), đều trú tại xã Tân Hồng, huyện Từ Sơn đến ứng cứu. Lập tức, Dũng và Sơn thuê taxi, mang theo một... bao tải dao kiếm và khẩu súng K59 sang Hà Nội. Một lần nữa, những người dân có mặt ở cổng Bệnh viện Đa khoa Đức Giang chứng kiến cảnh hai nhóm đối tượng dùng dao, kiếm và súng tấn công nhau.

Kết quả, một thanh niên của nhóm phường Thượng Thanh, quận Long Biên bị bắn trúng hông. Đến thời điểm này, CAQ Long Biên đã thu giữ được khẩu súng gây án, bắt tạm giam 4 đối tượng và ra lệnh truy nã 4 đối tượng của 2 nhóm côn đồ trên.

Hoàn toàn bị động!

“So với các địa bàn khác, bệnh viện là nơi rất ít khi xảy ra các vụ phạm pháp hình sự, đặc biệt là hành vi tấn công bệnh nhân. Song khi đã chủ ý chọn đây là nơi gây án, đối tượng xấu dễ đạt được ý đồ của chúng, bởi công tác phòng ngừa của bệnh viện rất ít được quan tâm”, một cán bộ Phòng CSĐT tội phạm về TTXH - CATP Hà Nội nhận xét. Dẫn chứng cho nhận định này là vụ việc xảy ra chiều 27-1-2009 tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.

Trong lúc đang được cấp cứu, anh Nguyễn Trung Hậu, 23 tuổi, nhà ở phường Tân Hòa đã bị 5 đối tượng dùng dao xông vào chém. Một số bác sỹ định can ngăn đã bị nhóm côn đồ trên truy đuổi. Bệnh nhân Nguyễn Trung Hậu đã tử vong. Đáng lo ngại là hơn 1 tháng sau đó, tại bệnh viện trên xảy ra 1 vụ người nhà bệnh nhân vào… cướp xác người bệnh đã tử vong. Trong vụ việc này đã có khoảng 15 người từ bên ngoài mang theo hung khí, gậy gộc đã xông vào và lấy băng ca tự ý khiêng xác nạn nhân về. Vì số lượng người gây rối đông nên lực lượng bảo vệ đã không dám phản ứng.

Trở lại địa bàn Hà Nội, góp phần vào sự gia tăng số vụ và tính chất các vụ việc phức tạp xảy ra ở các bệnh viện không thể không nhắc đến vụ cướp tại quầy thu ngân, Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Bạch Mai xảy ra mới đây. Lúc đó vào cuối buổi chiều, trong khi nữ nhân viên thu ngân của bệnh viện kiểm kê xong tiền thu dịch vụ viện phí trong ngày và cho vào két sắt khóa lại, chuẩn bị ra về thì bất ngờ có một người đàn ông xông vào quầy. Y đe dọa, bắt nữ nhân viên phải mở khóa két.

Lợi dụng sơ hở của tên cướp, nữ nhân viên cắn vào tay đối tượng rồi hô hoán. Bị đau, đối tượng đánh vào đầu nữ nhân viên này khiến chị ngã vật ra đất. Sau đó, y ung dung lục túi áo bị hại lấy đi 4,5 triệu đồng và 1 điện thoại di động Nokia. Quá trình truy xét, cơ quan công an làm rõ thủ phạm gây án là một “xe ôm”. Do từng hành nghề trước cổng Bệnh viện Bạch Mai nên y nắm được quy luật hoạt động của bộ phận thu ngân, đặc biệt khoảng thời gian vắng vẻ lúc cuối giờ và đã ra tay.

Không phải chỉ đến khi xảy ra những vụ việc nêu trên, công tác an ninh tại các bệnh viện mới cần được “báo động”. Trộm cắp xe máy, móc túi… đó là những hiện tượng đã và đang xảy ra khá thường xuyên ở ngay cả những bệnh viện lớn. Bệnh viện nào cũng có lực lượng bảo vệ, nhưng không được trang bị công cụ hỗ trợ, tập huấn võ thuật; công việc chính của họ chỉ là trông giữ xe, kiểm soát người nhà bệnh nhân ra vào viện, hoặc đi tuần.

Điều này tất yếu dẫn đến sự bị động từ phía bệnh viện mỗi khi xảy ra hành vi gây rối. Nó cần thiết phải sớm được điều chỉnh, tăng cường “sức mạnh” cho lực lượng bảo vệ tại chỗ cũng như sự phối hợp, thông tin kịp thời đến công an sở tại.

Hoàng Quân