Chủ trương điều chỉnh luồng tuyến xe khách đang bị… phớt lờ!

(ANTĐ) - Từ trung tuần tháng 7 đến nay, giới vận tải Hà Nội tiếp nhận cùng lúc 2 thông tin khá “choáng”: Doanh nghiệp vận tải Hoàng Long và Xí nghiệp Xe khách Nam Hà Nội xin tạm dừng khai thác tuyến Hà Nội - Lạng Sơn (của Hoàng Long, xuất phát từ Bến xe Lương Yên); và tuyến Hà Nội - Đò Quan (của Xí nghiệp Xe khách Nam Hà Nội, xuất phát từ Bến xe phía Nam).

Chủ trương điều chỉnh luồng tuyến xe khách đang bị… phớt lờ!

Bài 1: Khi "căn bệnh" khỏe hơn "cơ thể "

“Đại gia” bỏ cuộc chơi

(ANTĐ) - Từ trung tuần tháng 7 đến nay, giới vận tải Hà Nội tiếp nhận cùng lúc 2 thông tin khá “choáng”: Doanh nghiệp vận tải Hoàng Long và Xí nghiệp Xe khách Nam Hà Nội xin tạm dừng khai thác tuyến Hà Nội - Lạng Sơn (của Hoàng Long, xuất phát từ Bến xe Lương Yên); và tuyến Hà Nội - Đò Quan (của Xí nghiệp Xe khách Nam Hà Nội, xuất phát từ Bến xe phía Nam).

“Trong hoạt động kinh doanh vận tải, việc tạm dừng khai thác tuyến A, tuyến B là hết sức bình thường, khi chúng tôi cảm thấy hiệu quả kinh tế không đạt được”, đại diện Xí nghiệp Xe khách Nam Hà Nội giải thích về nguyên nhân xin tạm dừng khai thác tuyến Hà Nội - Đò Quan.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, trong khoảng 3 năm trở lại đây, rất ít doanh nghiệp vận tải lớn phải xin tạm dừng khai thác vì lý do không đạt hiệu quả kinh tế. Đặc biệt với 2 doanh nghiệp trên, vốn được đánh giá là những thương hiệu mạnh của vận tải Hà Nội bởi có dàn xe chất lượng khá và số lượng đông.

Lý do thực của động thái tạm dừng khai thác tuyến, sau này được một trong hai “đại gia” trên bộc bạch, họ thực sự thất bại trước hoạt động và những cạnh tranh thiếu lành mạnh của các loại xe “dù”. 2 tuyến xuất phát từ Hà Nội đi Lạng Sơn và Đò Quan lâu nay được đánh giá có lượng khách khá dồi dào. Bước chân vào tuyến Lạng Sơn, doanh nghiệp Hoàng Long đầu tư toàn dàn xe loại trên 30 chỗ, chất lượng cao.

Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, họ phải cay đắng nhận ra rằng, Lương Yên không phải là bến xe duy nhất có đông xe từ Hà Nội đi Lạng Sơn, và đặc biệt, xe “dù” cũng chọn tuyến này để khai thác với tần suất lớn. Nào là xe du lịch trá hình, nào là xe 16 chỗ vào tận nội thành đón khách. Lối khai thác này đã hạ gục “ông lớn” Hoàng Long.

Còn với Xí nghiệp Xe khách Nam Hà Nội, lý do tạm dừng khai thác tuyến Hà Nội - Đò Quan, ngoài sự lép vế trước xe “dù” còn được chứng minh bằng những con số cụ thể: Từ đầu năm 2008 đến nay, hàng trăm lượt xe của doanh nghiệp này xuất bến trong trạng thái… không hề có một hành khách.

Không xe “dù” mới là lạ

Đó là khẳng định của một doanh nghiệp vận tải đang kinh doanh tại Bến xe phía Nam. ở 5 bến xe và 1 trạm trung chuyển khách trên địa bàn Hà Nội (cũ), bến nào cũng có xe “dù” hoạt động. Có điều, số lượng xe “dù” nhiều hay ít phụ thuộc vào năng lực và trách nhiệm của đơn vị quản lý bến.

Đừng nghĩ xe “dù” là loại xe không đeo biển hiệu, hình thức cũ nát, xấu xí và chỉ chuyên bán khách. Hiện nay, ngay cả doanh nghiệp vận tải lớn cũng có xe “dù”. Tại Bến xe phía Nam, một cán bộ Đội CSTT- PƯN CAQ Hoàng Mai cho chúng tôi biết, các anh nắm được danh sách và từng xử lý tới 60-70 xe “dù” hoạt động ngay trong phạm vi bến.

Xe xuất bến trong tình trạng không khách
Xe xuất bến trong tình trạng không khách

Hình thức của xe “dù” thế nào? Lộ liễu nhất là các xe chỉ chạy vòng quanh khu vực bến để bắt khách mà không chịu vào bến. Loại “dù” này dễ bị phát hiện, xử lý. Tinh vi hơn là hiện tượng “dù” ngay trong bến. Nguyên tắc xếp lốt trong bến, mỗi doanh nghiệp chỉ lần lượt được 1 xe trong khoảng thời gian từ 10-20 phút.

Nhưng họ sẵn sàng rút ngắn thời gian đứng trong bến để tuồn thêm đầu xe vào. Một dạng khác là các xe bị đình tài những vẫn cố tình lách luật với nhân viên bảo vệ, kiểm soát của bến để đưa xe vào hoạt động. “Thô” hơn cả là dạng xe không có hợp đồng vẫn chui được vào bến.

“Thế các hãng làm ăn nghiêm chỉnh có biết được xe “dù” chen ngang, cạnh trạnh không lành mạnh với mình?”, chúng tôi nêu câu hỏi với đại diện Xí nghiệp Xe khách Nam Hà Nội. “Biết rất rõ là đằng khác. Tuy nhiên, mình phải rồi, họ còn… phải bằng ba lần mình”.

Bến xe phía Nam lâu nay đang tồn tại một cung cách điều hành hết sức khó hiểu. Từ doanh nghiệp vận tải đến cán bộ quản lý đều thừa nhận có xe “dù” hoạt động trong bến. Người ta mới nhìn hiện tượng ùn ứ trong bến, trên đường Giải Phóng, hiện tượng dừng đỗ sai quy định… là do cung vượt quá cầu.

Điều này đúng, nhưng chưa đủ. Sự phức tạp ở Bến xe phía Nam, âm thầm nhưng dai dẳng, chính là xe “dù” và những dấu hiệu bất lực của đơn vị quản lý. Khẳng định rằng, xe “dù” có hay không vào được bến đều phụ thuộc vào “quyền” của nhân viên giám sát, bảo vệ.

Bến xe phía Nam đúng là có lưu lượng rất lớn, trên dưới 1.000 lượt xe khách/ngày, nhưng bất cứ xe nào “khác thường” đều dễ dàng bị phát hiện ngay. Song, số xe “khác thường” ấy vẫn qua được cổng kiểm soát, vào khu vực đón khách rồi ung dung ra theo lối cổng chính.

Lỗ hổng xe “dù” đang từ gốc phát sinh, ra đến ngoài đường, trách nhiệm của lực lượng chức năng nhiều lúc cũng chưa thể hiện trọn vẹn. Số lượng xe “dù” bị xử lý quá ít so với thực trạng diễn ra. Nhiều tuyến đường, người tham gia giao thông tận mắt chứng kiến CSGT, Thanh tra GTVT đứng trực chốt thì cách đó chỉ vài ba chục mét, vẫn có xe khách ngang nhiên dừng đỗ.

Bố trí lực lượng xử lý chưa hợp lý là nguyên nhân chủ quan. Về khách quan, lực lượng chức năng và các đơn vị quản lý bến chưa có sự phối hợp ăn ý. Xe nào có biểu hiện “dù”, xe nào bị đình tài, xe nào thường xuyên vi phạm Luật Giao thông đường bộ… những thông tin này chưa được trao đổi thường xuyên giữa bến và lực lượng kiểm tra, dẫn đến sự sót lọt, vi phạm trên các tuyến đường.

Một nguyên nhân quan trọng khác dẫn đến sự phức tạp của xe “dù”, là vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước, mà ở đây là Sở GTVT. Nói như đúc kết của một doanh nghiệp vận tải, thì “Sở GTVT đã và đang thả cho sự cạnh tranh quá nhiều giữa các doanh nghiệp, chưa có sự cân đối giữa lượng khách và đầu xe. Doanh nghiệp làm ăn chân chính thì không đạt hiệu quả kinh tế, vì vậy, họ buộc phải lao theo lối kinh doanh cơ hội, chụp giật, thậm chí chấp nhận vi phạm”.

Bài 2: Càng "ngâm" càng phức tạp

Hoàng Quân