Chủ quan nên cơ quan mất trộm

(ANTĐ) - Liên tiếp trong thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ trộm đột nhập các cơ quan nhà nước để trộm cắp tài sản.

Điều đáng nói là kẻ gian không chỉ lợi dụng đêm tối để trộm cắp mà ngay vào thời điểm ban ngày, đông người qua lại, ở các cơ quan nhà nước, tài sản cũng “bốc hơi” như thường.

 Lực lượng công an cơ sở phối hợp với bảo vệ các cơ quan nhằm nắm tình hình tại địa bàn
 Lực lượng công an cơ sở phối hợp với bảo vệ các cơ quan nhằm nắm
tình hình tại địa bàn

Liên tiếp bị trộm

Từ đầu năm đến nay, các trụ sở cơ quan nhà nước liên tiếp bị bọn đạo chích “hỏi thăm” điển hình như Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bị kẻ gian đột nhập trộm cắp 2 lần với số tài sản hơn 100 triệu đồng cùng các vật dụng khác. Trụ sở của một cơ quan bộ cũng là địa điểm ưa thích của bọn đạo chích. Khoảng 2h45 ngày 8-3, kẻ gian đã phá cửa vào phòng làm việc ở tầng 2 của tòa nhà, lấy tài sản ước tính khoảng 245 triệu đồng cùng 2.000 USD. Điểm chung của các vụ trộm tại các cơ quan nhà nước là kẻ gian thường lợi dụng thời điểm đêm khuya vào những ngày cuối tuần cộng với thời tiết mưa to gió lớn để dễ bề đột nhập trộm cắp. Không chỉ các cơ quan nhà nước có trụ sở khu vực nội thành mới xảy ra việc trộm cắp mà các trụ sở cơ quan ở các huyện ngoại thành cũng liên tiếp xảy ra các vụ trộm cắp.

Điển hình đầu tháng 6, CAH Thanh Oai nhận được đơn trình báo của anh Nguyễn Công Tuấn về việc xe máy Airblade BKS: 30Y5 - 9991 để trong nhà xe của Viện Kiểm sát huyện bị kẻ gian lấy trộm mất. Sau đó 1 ngày, CAH lại tiếp nhận trình báo của 2 bị hại có xe máy Jupiter BKS: 30Y5-2526 và xe Dream để tại Nhà Văn hóa huyện Thanh Oai (Đội QLHC mượn làm trụ sở tiếp dân) cũng “không cánh mà bay”. Điểm chung của các vụ mất cắp, xe máy là loại đắt tiền, chỉ khóa cổ, khóa điện nhưng không khóa càng và các nơi này đều có đông người ra vào làm việc nhưng không có bảo vệ trông giữ.

Nâng cao ý thức
Theo phân tích của lãnh đạo Phòng CSHS - CATP Hà Nội, điểm chung của các vụ đột nhập trộm cắp tài sản tại các cơ quan công sở thường là đối tượng tỉnh ngoài, cá biệt những đối tượng chuyên trộm phá két sắt là người nước ngoài, ngày ngủ, đêm đi “ăn hàng”. Địa bàn xung quanh những nơi này thường vắng vẻ, bảo vệ cơ quan nhiều nơi chỉ mang tính hình thức, một số bảo vệ đến trực cơ quan chỉ ngủ, chưa chú trọng khâu tuần tra kiểm soát, thiếu sự phối hợp tuần tra cùng lực lượng công an sở tại. Ở một số cơ quan, sau khi xảy ra mất cắp, theo sự nhắc nhở của cơ quan công an đã lắp cửa sắt ở 2 đầu cầu thang, sửa chữa thì làm sơ sài, cửa lỏng lẻo. Một thực tế là các cửa phòng làm việc thường cấu tạo bằng kính, khóa bấm, vì thế các đối tượng chỉ cần đấm vỡ một lỗ cửa kính là có thể thò tay mở chốt cửa, hoặc có vụ đột nhập từ cửa sổ (nguyên nhân do nhân viên quên khóa chốt) vào phòng và có thể đàng hoàng mở cửa chốt bấm rồi thoải mái lục tìm tài sản có giá trị để trộm.

Vụ trộm xảy ra trên địa bàn huyện Thanh Oai vào thời điểm ban ngày, các đối tượng lợi dụng đông người ra vào để trà trộn vào trộm cắp thế nhưng lại không vấp phải khó khăn nào từ bảo vệ của cơ quan. Khi được cơ quan công an hỏi, bảo vệ của Viện Kiểm sát huyện còn tưởng các đối tượng vào nhà xe dắt xe ra khỏi cổng cơ quan là khách đến cơ quan... làm việc. Không loại trừ những đối tượng trộm cắp lại chính là... nhân viên cũ của cơ quan đó vì lý do nào đó khi nhân viên thôi việc nhưng vẫn giữ được chìa khóa của phòng ban từng làm việc, cộng thêm vì quá “nhẵn mặt” khiến bảo vệ của cơ quan đã chủ quan dẫn đến việc mất cắp tài sản. Vừa qua CAP Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng đã điều tra khám phá vụ trộm máy phát điện tại cơ quan đóng trên địa bàn phường, kẻ gian lại chính là nhân viên đã từng làm việc nhiều năm trong cơ quan.  

Theo Thượng tá Nguyễn Hồng Ky - Phó Trưởng CAH Thanh Oai, điều quan trọng nhất vẫn là ý thức phòng ngừa. Nếu mỗi người trong cơ quan ý thức được việc bảo vệ cơ quan như bảo vệ chính ngôi nhà của mình thì chắc chắn kẻ gian sẽ không thể lộng hành.