Cho mượn tiền để đánh bạc có phạm tội không?

ANTD.VN - Nguyễn Vũ A đánh bạc bị thua hết tiền, đã gọi điện thoại cho Nguyễn Thái H để mượn. Vấn đề đặt ra trong vụ việc này là với hành vi cho mượn tiền, Nguyễn Thái H có phạm tội hay không?

Khoảng 22h ngày 11-4, Trần Quốc T (SN 1978), Nguyễn Vũ A (SN 1983), Hoàng Văn H (SN 1976) và Đoàn Vũ C (SN 1985) rủ nhau đánh bạc ăn tiền tại nhà của Trần Quốc T. Đến khoảng 20h30 thì Nguyễn Vũ A bị thua hết tiền, nên A đã gọi điện thoại cho Nguyễn Thái H (là anh họ A) nhờ H mang tiền đến cho A mượn. Khoảng 30 phút sau thì Nguyễn Thái H đi xe máy tới nhà Trần Quốc T, mang theo 10.000.000 đồng để đưa cho A. Lúc đó, mặc dù biết rằng Nguyễn Vũ A mượn tiền để đánh bạc nhưng Nguyễn Thái H vẫn đưa tiền cho A. Khi  cả nhóm đang chơi thì bất ngờ bị công an ập vào bắt quả tang, đưa tất cả về trụ sở để lập biên bản về việc đánh bạc.

Vấn đề đặt ra trong vụ việc này là với hành vi cho mượn tiền, Nguyễn Thái H có phạm tội hay không?

Ý kiến bạn đọc

Nguyễn Thái H không phạm tội 

Trong vụ án này, có thể thấy khi Nguyễn Thái H mang tiền đến cho Nguyễn Vũ A mượn hoàn toàn không biết rằng A sẽ sử dụng số tiền đó vào mục đích đánh bạc. Đồng thời khi tới đó, Nguyễn Thái H không có bất kỳ hành động nào biểu hiện tham gia vào đánh bài.

Vì vậy, tôi cho rằng việc H mang tiền cho A mượn theo yêu cầu của  A chỉ được xem như là một giao dịch dân sự bình thường. Hơn nữa ở đây, Nguyễn Thái H cũng không thuộc trường hợp che giấu tội phạm, hoặc không tố giác tội phạm, vì trước khi mang tiền tới cho A, H không biết gì về mục đích của A khi mượn tiền, nên H không có hứa hẹn, vì vậy không thể xem H là người phạm tội.

Ngoài ra theo tôi, Nguyễn Thái H cũng không phải là đồng phạm về tội “Đánh bạc” với vai trò là người giúp sức. Bởi theo quy định của pháp luật, người đồng phạm phải cố ý cùng thực hiện một tội phạm, và có sự bàn bạc thống nhất, hay có sự tiếp nhận về mặt ý chí trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội nhưng trong vụ việc này Nguyễn Thái H không cố ý tham gia vào hành vi phạm tội của Nguyễn Vũ A. Do đó tôi cho rằng, trong  vụ việc này Nguyễn Thái H không phạm tội.

Trần Đình Tú (Ân Thi - Hưng Yên)

Nguyễn Thái H là đồng phạm 

Theo quy định tại Điều 20, Bộ luật Hình sự, đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm. Những người đồng phạm có thể là: người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.

Trong đó, người giúp sức là người tạo những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm. Trong trường hợp này, có thể thấy nếu Nguyễn Thái H không mang tiền đến cho Nguyễn Vũ A mượn thì việc đánh bạc của A và các bị cáo trên sẽ kết thúc kể từ khi Nguyễn Vũ A hết tiền (loại trừ A mượn tiền của người khác).

Đối với Nguyễn Thái H, khi nghe A gọi điện mượn tiền để đánh bạc tiếp, mặc dù ngay lúc đó H không biết rằng A đang có hành vi phạm tội, tuy nhiên khi biết rằng Nguyễn Vũ A mượn tiền để đánh bạc nhưng Nguyễn Thái H vẫn đưa tiền cho. Rõ ràng là nhờ số tiền này A đã có cơ hội để đánh bạc tiếp.

Như vậy, Nguyễn Thái H đã trực tiếp tạo điều kiện thuận lợi về vật chất - với hình thức bằng tiền cho việc thực hiện tội phạm của Nguyễn Vũ A. Do đó theo tôi trong trường hợp này, hành vi của Nguyễn Thái H là đồng phạm về tội đánh bạc.

Nguyễn Trọng Quỳnh (Thạch Thất - Hà Nội)

Bình luận của luật sư

Theo quy định của pháp luật, đánh bạc trái phép được hiểu là hành vi đánh bạc được thực hiện dưới bất kỳ hình thức nào với mục đích được thua bằng tiền hay hiện vật mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép nhưng thực hiện không đúng với quy định trong giấy phép được cấp. Ngoài ra, thuật ngữ đánh bạc trái phép còn có thể được dùng để phân biệt với các hoạt động tương tự như đánh bạc nhưng có phép (hợp pháp) như các hoạt động vui chơi có thưởng (thường gọi là casino).

Theo Quyết định số 32/2003/QĐ-TTg ngày 27/02/2003 của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng (casino) thì doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực này có thể là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên người chơi thì chỉ có thể là người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Các đối tượng khác bị cấm tham gia dưới mọi hình thức. Tất cả các hành vi chơi số đề, cá độ bóng đá, tá lả, tổ tôm, chắn, 3 cây, xóc đĩa… nếu được thua bằng tiền hoặc hiện vật thì đều bị coi là đánh bạc. Nếu được thua bằng tiền từ 2 triệu đồng trở lên thì phạm tội đánh bạc.

Ví dụ, một người chơi một số đề với số tiền 70.000 đồng nhưng trúng thưởng và được nhận 2.100.000 đồng thì đã phạm tội đánh bạc và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, một người chơi một số đề với số tiền dưới 2.000.000 đồng (có thể tới 1.999.000 đồng) nhưng không trúng thì cũng không phạm tội đánh bạc, tuy nhiên có thể bị xử phạt hành chính về hành vi đánh bạc trái phép.

Trường hợp nhiều người cùng tham gia đánh bạc với nhau thì việc xác định tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc đối với từng người đánh bạc là tổng số tiền, giá trị hiện vật của những người cùng đánh bạc. Nói cách khác, khi xử lý các vụ việc đánh bạc thì những người cùng tham gia đánh bạc với nhau bị xử lý với vai trò đồng phạm và phải chịu trách nhiệm hình sự về tổng số tiền thu được trên chiếu bạc.

Việc người này, người kia chơi nhiều, chơi ít không liên quan đến việc định tội mà chỉ có thể là tình tiết giảm nhẹ một phần hình phạt khi lượng hình. Ví dụ khi công an bắt một vụ đánh bạc thu được trên chiếu bạc là 10 triệu đồng thì dù trong chiếu bạc có người chỉ đặt cược một lần duy nhất trị giá 100.000 đồng (không phân biệt lần đặt cược này thua hay thắng bao nhiêu) thì anh ta vẫn bị truy tố về tội đánh bạc với mức của đồng phạm là 10 triệu đồng.

Việc xác định tiền mang theo người của người chơi bạc, pháp luật quy định như sau:

Theo Nghị quyết 01/2010/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ngày 22-10-2010 thì “Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc” bao gồm:

a) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc thu giữ được trực tiếp tại chiếu bạc;

b) Tiền hoặc hiện vật thu giữ được trong người các con bạc mà có căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc;

c) Tiền hoặc hiện vật thu giữ ở những nơi khác mà có đủ căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc.

Với hướng dẫn này thì tiền mang theo của người chơi bạc kể cả chưa sử dụng nhưng các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử có đủ căn cứ xác định sẽ được dùng để đánh bạc thì vẫn được coi là tang vật vụ án và bị tịch thu, sung quỹ Nhà nước. Để xác định tiền mang theo người sẽ được dùng để đánh bạc hay không các cơ quan tố tụng thường căn cứ lời khai của các nhân chứng, của các đồng phạm và các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ. Lời khai của chủ tài sản chỉ là một trong các tình tiết để cơ quan tố tụng xem xét, đánh giá.

Trong vụ việc này, Nguyễn Thái H đã có hành vi mang tiền cho Nguyễn Vũ A mượn. Sau khi nhận được tiền do H đưa, A tiếp tục dùng số tiền này vào việc chơi bài ăn tiền. Do đó, Nguyễn Thái H phải bị truy tố và xét xử về tội “Đánh bạc” với vai trò là người giúp sức.

Bởi tội đánh bạc theo quy định tại Điều 248 Bộ luật Hình sự có cấu thành cơ bản như sau: “Người nào đánh bạc dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật có giá trị lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này và Điều 249 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm”.

Trong trường hợp này, việc Trần Quốc T (SN 1978), Nguyễn Vũ A (SN 1983), Hoàng Văn H (SN 1976) và Đoàn Vũ C (SN 1985) rủ nhau đánh bài ăn tiền tại nhà của Trần Quốc T đã cấu thành tội đánh bạc theo Điều 248 BLHS. Sau khi đánh bạc bị thua hết tiền nên Nguyễn Vũ A đã gọi điện thoại cho Nguyễn Thái H nhờ H mang tiền đến cho A mượn để A tiếp tục chơi bài. Khoảng 30 phút sau thì H đi xe máy tới nhà T, mang theo 10.000.000 đồng để đưa cho A mượn.

Mặc dù ban đầu Nguyễn Thái H không biết mục đích của Nguyễn Vũ A mượn tiền vào mục đích đánh bạc, nhưng khi đã biết rằng Nguyễn Vũ A mượn tiền để đánh bạc Nguyễn Thái H vẫn đưa tiền cho A vay. Như vậy, rõ ràng ý chí của H cũng đồng thuận với ý chí của A: Sử dụng tiền này để chơi bài tại nhà của T. Nếu H không muốn thì H sẽ từ chối và đem 10.000.000 đồng cho A mượn đi về. Như vậy, mặc dù Nguyễn Thái H không trực tiếp đánh bài nhưng H đã giúp sức (cho mượn tiền) để A thực hiện hành vi đánh bạc.

Căn cứ khoản 1, 2 Điều 20, Bộ luật Hình sự: “Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm; người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức đều là những người đồng phạm; người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm; người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm;  người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm; người giúp sức là người tạo những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm”.

Hành vi của Nguyễn Thái H và Nguyễn Vũ A đồng phạm tội “Đánh bạc” theo Điều 248, Bộ luật Hình sự. Trong đó, Trần Quốc T, Nguyễn Vũ A, Hoàng Văn H và Đoàn Vũ C là người trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội, Nguyễn Thái H là người có vai trò giúp sức cho A để thực hiện hành vi phạm tội đánh bạc.

Luật sư Đoàn Mạnh Hùng (Văn phòng Luật sư Hùng Mạnh)