Chiếm đoạt tài khoản facebook phao tin hiếp, giết nữ sinh, phạm tội gì?

ANTĐ - Cơ quan Cảnh sát điều tra - CATP Hà Nội vừa bắt giữ Ngô Bá Sơn (SN 1984), trú tại Hải Hậu, Nam Định và Vũ Văn Bằng (SN 1989), quê Lạc Thủy, Hòa Bình - là hai đối tượng đã tung tin đồn: “Nữ sinh sư phạm bị hiếp, giết, chết lõa thể sau ký túc xá trường Đại học Công nghiệp Hà Nội” gây hoang mang dư luận hồi đầu tháng 4-2015. 

 Nội dung vụ án

Vụ việc bắt đầu từ ngày 9-4. Tài khoản facebook “Phạm Anh Tuấn” đăng tải một trạng thái nội dung: “Kinh hoàng - Rạng sáng nay 9-4, sau ký túc xá Đại học Công nghiệp Hà Nội, các bạn sinh viên phát hiện em Phạm Trâm Anh, sinh viên năm thứ nhất khoa DL - Sư phạm - bị hiếp dâm, chết lõa thể trước đó tầm 6-7 ngày”.

Sự việc gây hoang mang dư luận, làm ảnh hưởng xấu đến tâm lý sinh viên trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cũng như các trường khác. Sau đó, lãnh đạo trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, Công an quận Bắc Từ Liêm sau khi xác minh đã khẳng định không hề có sự việc trên xảy ra trên địa bàn.

Chiếm đoạt tài khoản facebook  phao tin hiếp, giết nữ sinh, phạm tội gì? ảnh 1

Sơn và Bằng, hai đối tượng tung tin đồn thất thiệt 

Quá trình điều tra, xác minh, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, CATP Hà Nội đã làm việc với chủ nhân của tài khoản facebook “Phạm Anh Tuấn”. Tuy nhiên, sự thật là kẻ xấu đã hack tài khoản facebook của Tuấn, sử dụng vào mục đích cá nhân, đăng tin sai sự thật lên mạng Internet. Tài khoản facebook “Phạm Anh Tuấn” đã bị đối tượng khác chiếm quyền sử dụng để đăng tải thông tin sai sự thật.

Tiếp tục điều tra, xác minh, cơ quan công an đã làm rõ, bắt giữ Ngô Bá Sơn và Vũ Văn Bằng, “tác giả” của tin đồn nữ sinh bị hiếp, giết, chết lõa thể trên. Qua tài liệu thu thập được và lời khai của hai đối tượng tại trụ sở công an, cơ quan điều tra làm rõ chiêu thức kiếm tiền từ việc đăng tin đồn sai sự thật lên mạng xã hội facebook của hai đối tượng này.

Theo đó, Sơn và Bằng đã mua các tài khoản facebook bị hack và tạo tài khoản trên website http://dyn.com nhằm tạo ra hàng trăm tên miền có dạng http://xxxxx.dyndns.tv để thực hiện việc đăng tin sai sự thật lên các nhóm facebook. Người dùng click vào các đường dẫn trên sẽ bị chuyển hướng về các website cần tăng lượng người truy cập, từ đó các đối tượng hưởng tiền từ dịch vụ quảng cáo của Google.

Cơ quan điều tra bước đầu xác định, từ ngày 2-3-2015, Sơn và Bằng đã đăng hàng trăm tin khác nhau có nội dung gây sự chú ý như khiêu dâm, cướp, giết, hiếp lên hàng trăm nhóm trên facebook, mỗi nhóm có từ hàng nghìn đến hàng chục nghìn thành viên. Do vậy, các bài viết được đăng lên đã có hàng trăm nghìn lượt người xem và chia sẻ. Sáng 9-4-2015, Sơn sử dụng hàng chục tài khoản facebook khác nhau, trong đó có tài khoản “Phạm Anh Tuấn”, để đăng tải bài viết với nội dung nữ sinh viên bị hiếp, giết, chết lõa thể sau ký túc xá trường ĐH Công nghiệp Hà Nội trên các đường dẫn như http://sinhvien9.dyndns.tv, http://sinhvien10.dyndns.tv...  

Ngày 21-4, Bằng sử dụng một tài khoản facebook mình mua để đăng tải bài viết với nội dung “Đại gia xấu trai nghìn đô lộ video quay cùng mẹ” qua tên miền  http://thailand2.dyndns.info. Ngày 22-4, Bằng sử dụng tài khoản facebook khác đăng bài viết với nội dung “Huyền Bông sẵn sàng quan hệ tình dục với ai có tiền” qua đường dẫn http://daythi.dyndns.org.

Theo điều tra, tính đến thời điểm ngày 23-4-2015, Ngô Bá Sơn và Vũ Văn Bằng đã điều hướng được khoảng 2,5 triệu lượt người truy cập vào các website khác nhau, thu lợi hơn 20 triệu đồng.

Vấn đề cần trao đổi là các nghi can phạm tội theo tội danh nào? Hình phạt ra sao?

 Ý kiến bạn đọc 

Phạm tội gây rối trật tự công cộng

Việc phao tin đồi nhảm của các nghi can đã gây hoang mang dư luận. Một vụ hiếp, giết xảy ra tại trung tâm Hà Nội đã làm người dân trong khu vực sợ hãi. Đó chính là hành vi gây rối trật tự công cộng. Các nghi can phải bị truy tố theo Điều 245 Bộ luật Hình sự với tội danh Tội gây rối trật tự công cộng: Người nào gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

Trần Hoàng Ngân 
(Quận Tân Bình, TP.HCM)

Đã gây thiệt hại đến danh dự, uy tín, của nhiều tổ chức

Những hành vi phao tin đồn nhảm trên mạng internet của các nghi can đã gây thiệt hại đến danh dự của nhiều tổ chức. Trước hết, việc bịa đặt một sinh viên trường Đại học Công nghiệp Hà Nội bị hiếp giết lõa thể sau ký túc xá của trường làm ảnh hưởng xấu đến tâm lý sinh viên trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cũng như các trường khác, làm mất uy tín của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.

Việc bịa đặt ra một vụ trọng án trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm đã làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cơ quan công an quận, phường sở tại. Không những vậy, các nghi can còn gây thiệt hại do các cơ quan điều tra phải mất công sức, tiền bạc để truy tìm thủ phạm để giải tỏa sự lo sợ của dư luận địa phương.

Các nghi can cần phải bị truy tố theo điều 122 Bộ luật Hình sự về Tội vu khống: người nào bịa đặt, loan truyền những điều đã biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến hai năm. Trong trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng, có thể bị phạt tù tới 7 năm.

Nguyễn Đình Chinh 
(Bắc Từ Liêm, Hà Nội)

Đồng phạm tội truy cập bất hợp pháp mạng máy tính

Trong vụ án này, các nghi can đã đồng phạm trong việc chiếm đoạt quyền quản trị tài khoản facebook của người khác để sử dụng vào việc phao tin đồn nhảm nhằm kiếm lợi ích riêng. Các nghi can biết rõ các tài khản này bị hack (chiếm đoạt) nhưng vẫn mua, thậm chí đặt hàng trước để mua các tài khoản này. Hành vi này được coi là đồng phạm với những kẻ trực tiếp chiếm đoạt  bằng các phương pháp công nghệ cao.

Theo điều 226a BLHS có nội dung:  Người nào cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc bằng phương thức khác truy cập bất hợp pháp vào mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số của người khác chiếm quyền điều khiển; can thiệp vào chức năng hoạt động của thiết bị số; lấy cắp, thay đổi, hủy hoại, làm giả dữ liệu hoặc sử dụng trái phép các dịch vụ, thì phạm tội Tội truy cập bất hợp pháp vào mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số của người khác. Các nghi can đã phạm tội theo khoản 2 điều 226a với các trường hợp: Có tổ chức, thu lợi bất chính, gây hậu quả nghiêm trọng. Hình phạt cao nhất trong điều khoản này tới 7 năm tù. 

Nguyễn thị hoa (Vũ Thư, Thái Bình)

 

Bình luận của luật sư 

Theo nội dung vụ án, chúng ta thấy có hai hành vi có dấu hiệu phạm tội của hai nghi can Ngô Bá Sơn  và Vũ Văn Bằng là: hành vi chiếm đoạt tài khoản facebook của anh Phạm Anh Tuấn và hành vi sử dụng tài khoản chiếm đoạt được để đưa một tin bịa đặt gây hoang mang dư luận. Lưu ý, hành vi đưa tin tức lên mạng, để tăng lượng người truy cập cho các website không bị cấm cho nên nếu các nghi can đưa tin chính xác sẽ không phạm tội. Nhưng nếu các nghi can đưa tin bịa đặt là có dấu hiệu phạm tội. 

Ở hành vi chiếm đoạt tài khoản facebook của anh Phạm Anh Tuấn, mặc dù hai nghi can không trực tiếp chiếm đoạt, nhưng theo điều 20 BLHS, những  người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức đều là những người đồng phạm, hai nghi can này có hành vi thường xuyên mua các tài khoản bị chiếm đoạt, mặc dù biết rõ các tài khoản này bị chiếm đoạt là hành vi xúi giục, giúp sức và phải được coi là đồng phạm với tội chiếm đoạt trái phép quyền quản trị, chiếm quyền điều khiển của chủ tài khoản. Hai nghi can này theo tuổi và hành vi hoàn toàn đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự. Hai nghi can này có thể bị truy tố theo khoản 2 điều 226a BLHS với mức phạt tới 7 năm tù. 

Hành vi thứ hai là hành vi phao tin đồn nhảm về trật tự an ninh gây hoang mang dư luận làm mất trật tự công cộng, gây thiệt hại đến danh dự, uy tín, của nhiều tổ chức. Facebook hay những mạng xã hội tương tự khác không chỉ là một website mang tính cộng đồng xã hội mà còn là phương tiện truyền thông.

Theo quy định tại Khoản 4 điều 27 Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15/07/2013 có quy định: “Chịu trách nhiệm về nội dung thông tin do mình lưu trữ, cung cấp, truyền đưa trên mạng xã hội, phát tán thông tin qua đường liên kết trực tiếp do mình thiết lập”. Các nghi can đã tự bịa đặt các tin trọng án hiếp giết để đưa lên mạng internet là vi phạm quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP có quy định hành vi bị cấm: “Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Việc tung tin đồn thất thiệt dù là trên môi trường mạng thông tin máy tính là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy nội dung đa dạng của các loại tin đồn, cùng với tính chất, ý chí chủ quan, mức độ, hậu quả khác nhau mà việc xử lý cụ thể cũng khác nhau.

Người tung tin đồn có thể bị buộc bồi thường thiệt hại dân sự do xâm phạm các quyền dân sự quy định tại Điều 25 và Điều 604 của Bộ luật Dân sự 2005, hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính nếu xâm phạm đến các quan hệ xã hội được pháp luật hành chính điều chỉnh, hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm.

Theo Thông tư liên tịch 10/2012/TTLT-BCA-BQP-BTP-BTTTT-VKSNDTC-TANDTC ngày 10/09/2012 quy định tại Điều 8, Hướng dẫn thực hiện Điều 226 Bộ Luật hình sự thì: Người nào thực hiện các hành vi:  Làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức, dẫn đến gây rối loạn và làm đình trệ hoạt động của cơ quan, tổ chức xâm phạm lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân, xâm phạm trật tự, an toàn xã hội gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Xem xét tất cả các hành vi của các nghi can Ngô Bá Sơn  và Vũ Văn Bằng, so sánh với nội dung các điều luật, đã thấy hai nghi can có dấu hiệu vi phạm khoản 2 điều 226a BLHS với tội danh Tội truy cập bất hợp pháp vào mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số của người khác, với mức hình phạt lên đến 7 năm tù. Do đây là loại tội sử dụng công nghệ cao, các hành vi gây rối trật tự công cộng, gây thiệt hại đến danh dự, uy tín, quyền lợi của người khác cũng đã được tổng hợp trong điều 226a, nên các nghi can có thể chỉ bị truy tố theo điều luật này. 

Luật sư Nguyễn Văn Hướng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)