Chi tiết vụ bắt nguyên Chủ tịch phường Phú Thượng

(ANTĐ) - Hôm qua 1-4, Cục C15 - Bộ Công an đã thực hiện lệnh bắt tạm giam 4 tháng về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, khám xét nơi ở đối với 5 đối tượng trong đó có một đối tượng là nguyên Chủ tịch UBND phường Phú Thượng - Công Phương Toàn, SN 1957 ...

Chi tiết vụ bắt nguyên Chủ tịch phường Phú Thượng

(ANTĐ) - Hôm qua 1-4, Cục C15 - Bộ Công an đã thực hiện lệnh bắt tạm giam 4 tháng về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, khám xét nơi ở đối với 5 đối tượng trong đó có một đối tượng là nguyên Chủ tịch UBND phường Phú Thượng - Công Phương Toàn, SN 1957 ...

>>>Video clip: Bắt nguyên Chủ tịch UBND Phường Phú Thượng

Các đối tượng còn lại gồm: Nguyễn Văn Hiển, SN 1963, cán bộ địa chính phường Phú Thượng; Trần Bá Siêu, SN 1955, Phó GĐ BQL dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật xung quanh hồ Tây; Nguyễn Sơn Hà, SN 1952, cán bộ BQL dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật xung quanh hồ Tây; Trần Mạnh Cường, SN 1963, Phó phòng Tài chính - Vật giá quận Tây Hồ.

2 đối tượng khác bị Cục C15 khởi tố, bắt tạm giam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là Công Phương Quế, SN 1962 và Công Phương Hạnh, SN 1960, đều ở phường Phú Thượng, quận Tây Hồ.

Theo xác minh của CQĐT, 2 “đầu trò” trong vụ tiêu cực này là Công Phương Quế và chú ruột là ông Công Phương Toàn, lúc đó là Chủ tịch phường Phú Thượng. Năm 2003, Nhà nước có chủ trương GPMB triển khai dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật xung quanh hồ Tây.

Ông Công Phương Quế trước đó đã ký hợp đồng với phường Phú Thượng thuê 32.400m2 khu ao ải để nuôi thả cá và phải nộp sản lượng mỗi năm 1.200kg cá các loại. Khi biết chính sách đền bù có sự chênh lệch giữa ao nuôi cá và vườn trồng đào, ông Quế cùng một số họ hàng, bạn bè dùng thủ đoạn làm vườn đào giả, sau đó kê khai ao nuôi thả cá thành vườn trồng đào, vật dụng trên đất... để được nhận đền bù với giá cao.

Lực lượng công an dẫn giải nguyên Chủ tịch UBND phường Phú Thượng, ông Công Phương Toàn
Lực lượng công an dẫn giải nguyên Chủ tịch UBND phường Phú Thượng, ông Công Phương Toàn 

Tổng cộng số tiền chênh lệch ông Quế chiếm đoạt được 2,1 tỷ đồng. Ngoài ra, 8 hộ khác là họ hàng, bạn bè ông Quế đứng tên các phương án đền bù đã chiếm đoạt 1,6 tỷ đồng.

Tiếp sức tích cực cho hành vi gian lận của ông Quế chính là nguyên Chủ tịch UBND phường Phú Thượng. Công Phương Toàn biết rõ ao ải dùng để nuôi trồng thủy sản nhưng đã “mạnh tay” ký vào biên bản điều tra hiện trạng, xác nhận nội dung: “Trong diện tích 11.369,2m2 ao ải cần thu hồi GPMB có 7.929,299m2 đất trồng đào và các vật dụng kiến trúc khác như bể nước, tường rào, giếng khoan”; và ngày 18-6-2003, Toàn đã ký bản xác nhận nguồn gốc sử dụng nhà đất cho Quế với nội dung: “Ao ải là loại đất hợp đồng loại 2, diện tích GPMB 11.369,2m2, đất: 7.939,7m2, ao: 3.429,5m2”.

Điều đáng chú ý là bản hợp đồng giữa Quế với UBND phường Phú Thượng ghi rất rõ: “Chủ sử dụng ao không được tự ý làm thay đổi hình thể mặt bằng của ao, khi có nhu cầu cải tạo phải có đơn xin phép, được UBND phường đồng ý mới được cải tạo”.

Ngày 8-3-2004, Toàn ký công văn gửi UBND quận Tây Hồ nêu: “Do điều kiện ao nông, bờ bao xung quanh bị sạt lở không sản xuất được, nên Công Phương Quế làm đơn xin phép cải tạo... Trong quá trình sản xuất, các hộ gia đình xã viên đã cải tạo phần ao nông không thả cá được thành vườn để trồng cây hoa đào...”.

Trong công văn, Toàn đề nghị Hội đồng đền bù GPMB quận Tây Hồ xem xét, trích tỷ lệ bồi thường, hỗ trợ về đất cho Quế. Các giấy tờ, văn bản của Quế và UBND phường Phú Thượng đều được cán bộ địa chính Nguyễn Văn Hiển nhiệt tình xác nhận.

Theo cơ quan chức năng, hành vi sai phạm của ông Quế, ông Toàn đã không thể thực hiện trôi chảy nếu không có sự thiếu trách nhiệm của 2 cán bộ BQL dự án hạ tầng kỹ thuật xung quanh hồ Tây, là Trần Bá Siêu, Nguyễn Sơn Hà.

Với cương vị tổ trưởng và tổ phó tổ công tác GPMB dự án nhưng 2 vị này không xuống hiện trường để điều tra hiện trạng ao ải cần thu hồi GPMB mà chỉ cử cán bộ BQL xuống. Nhưng sau đó, Siêu và Hà vẫn ký biên bản điều tra hiện trạng số 24/BB-ĐGQSDĐ ngày 20-4-2003, xác nhận nội dung không đúng sự thật là: “Trong diện tích 11.369m2 ao ải cần thu hồi GPMB có 7.929,299m2 đất trồng đào và các vật dụng kiến trúc khác...”.

Lực lượng công an dẫn giải Nguyễn Văn Hiển Đông đảo người dân chứng kiến và đồng tình với quyết định bắt giữ các đối tượng Lực lượng công an dẫn giải Nguyễn Văn Hiển Đông đảo người dân chứng kiến và đồng tình với quyết định bắt giữ các đối tượng

Lực lượng công an dẫn giải
Nguyễn Văn Hiển 

Đông đảo người dân chứng kiến và đồng tình với quyết định bắt giữ các đối tượng

Điều này dẫn đến việc đền bù từ mặt ao sang đất trồng đào đã gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước 1,5 tỷ đồng. Ngoài 7 đối tượng trên, CQĐT đang tiến hành xác minh, xem xét trách nhiệm một số cá nhân có dấu hiệu không làm đúng, làm đủ quy trình đền bù GPMB ao ải, có biểu hiện thông đồng với chủ sử dụng đất để chiếm đoạt tiền đền bù của Nhà nước.

Thượng tá Bùi Hồng Hởi, điều tra viên cao cấp của C15 - Bộ Công an cho biết: Các cơ quan chức năng nhận được khá nhiều đơn thư khiếu nại liên quan đến đất đai ở phường Phú Thượng. Sau hơn 6 tháng điều tra, theo dõi, cơ quan công an đã có đủ căn cứ để khởi tố, bắt giam các đối tượng trên.

Cách đây gần 1 tháng, Công Phương Toàn được UBND quận Tây Hồ cho thôi chức Chủ tịch UBND phường Phú Thượng, điều về làm công việc khác tại UBND quận. Khám nhà Công Phương Toàn, lực lượng công an không thu giữ được giấy tờ, sổ sách liên quan nào. Trong tủ chỉ có khoảng 40 triệu đồng, đã được cơ quan công an lập biên bản, giao lại cho gia đình.

Công Phương Toàn được đưa về trụ sở UBND phường Phú Thượng để khám xét. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Tịnh - tân Chủ tịch UBND phường Phú Thượng cho biết, phòng làm việc của ông Toàn đã được bàn giao, không còn gì liên quan.

Vì thế, cơ quan công an đã lập biên bản và triển khai khám xét phòng Địa chính - Nhà đất, nơi Nguyễn Văn Hiển đang phụ trách. Tại đây, lực lượng công an đã thu giữ, niêm phong nhiều hồ sơ, sổ sách có liên quan đến Nguyễn Văn Hiển cũng như nhiều dự án về đất đai trên địa bàn phường.

Hàng trăm người dân phường Phú Thượng đã tập trung theo dõi việc khám xét, bắt giữ 4 đối tượng trên (2 đối tượng Công Phương Quế và Công Phương Hạnh đều là người thân của nguyên Chủ tịch Công Phương Toàn). 

Người dân ở đây cho biết, những sai phạm về sử dụng, đền bù giải phóng mặt bằng ở đây đã xảy ra từ khoảng 4-5 năm nay. Những sai phạm này rất nghiêm trọng và công khai. Đã nhiều lần những người trên thách đố người dân đi kiện. Chính việc đã sai phạm, còn thách đố này đã khiến Phú Thượng trở thành điểm nóng về khiếu kiện đất đai thời gian trước đây.

Bà Công Phương Mậu (cụm 4, tổ 29, phường Phú Thượng), là em họ của Công Phương Toàn cũng tỏ ra rất bức xúc. Bà Mậu cho biết, bà bị thu hồi hơn 3 sào đất, được đền bù 180 triệu đồng, trong khi đất liền đó, diện tích tương đương thì chỉ được đền bù 120 triệu đồng.

Sự không thống nhất trong đền bù đã khiến người dân khiếu kiện. Bà Mậu cũng như hầu hết những người dân khác đều bày tỏ cảm ơn cơ quan công an đã điều tra, khám phá vụ tham nhũng, sai phạm đất đai ở phường Phú Thượng. Đồng thời đề nghị tiếp tục làm rõ, xử lý nghiêm những người khác có liên quan.

Nhóm PV