Cháy kho ra... “lỗ thủng”

(ANTĐ) - Các kho hàng tại ga Giáp Bát được đánh giá khá tốt về việc đầu tư phương tiện, thiết bị chữa cháy. Nhưng quy trình đề ra hoặc cách thức chấp hành quy trình “có vấn đề”. Vụ hỏa hoạn gây chết người và gây thiệt hại lớn về kinh tế tại ga Giáp Bát chiều 6-5 đã bộc lộ “lỗ thủng” không chỉ ở chuỗi kho hàng quy mô này, mà với nhiều hệ thống kho hàng của Hà Nội.

Cháy kho ra... “lỗ thủng”

(ANTĐ) - Các kho hàng tại ga Giáp Bát được đánh giá khá tốt về việc đầu tư phương tiện, thiết bị chữa cháy. Nhưng quy trình đề ra hoặc cách thức chấp hành quy trình “có vấn đề”. Vụ hỏa hoạn gây chết người và gây thiệt hại lớn về kinh tế tại ga Giáp Bát chiều 6-5 đã bộc lộ “lỗ thủng” không chỉ ở chuỗi kho hàng quy mô này, mà với nhiều hệ thống kho hàng của Hà Nội.

>>>Cháy lớn tại nhà kho ga Giáp Bát

>>> Cháy lớn tại nhà kho ga Giáp Bát: 4 người chết

>>>Video: Cháy kho Giáp Bát - 5 người chết

Diễn biến vụ cháy

Hàng chục can nhựa đựng dung dịch không rõ nguồn gốc
Hàng chục can nhựa đựng dung dịch không rõ nguồn gốc

Hôm qua 8-5, đã là ngày thứ 3 liên tiếp các lực lượng nghiệp vụ Bộ Công an, CATP và CAQ Hoàng Mai “bám trụ” tại khu vực ga Giáp Bát để giám định hiện trường, tìm nguyên nhân vụ cháy. Kết luận cuối cùng về điểm cháy cũng như diễn biến vụ cháy chưa hoàn thành, nhưng về cơ bản, có thể hình dung sự việc trên diễn ra như sau:

Nơi bùng phát ngọn lửa chính là toa tàu mang số hiệu 232081. Khoảng 16h30 ngày 6-5, toa tàu này đang đỗ trên đường ray, trước cửa dãy kho E4, E5, E6 chừng hơn 2 mét. Hoạt động vận chuyển hàng hóa từ trong kho và trực tiếp từ ôtô chở hàng lên toa tàu này đang diễn ra. Vài phút sau 1 xe ôtô tải nhẹ “đánh” hàng đến và chuyển bánh thì một tiếng nổ lớn phát ra, kèm theo đó ngọn lửa bùng phát dữ dội.

Là điểm cháy đầu tiên, nhưng hàng hóa trong toa 232081 lại thiệt hại ít hơn so với các kho E4, E5, E6. Song, sức công phá của ngọn lửa bùng ra từ toa tàu này hết sức khủng khiếp. 2 cánh cửa sắt kho hàng - đoạn đối diện với cửa toa 232081 - bị uốn cong. Trao đổi với PV ANTĐ tại hiện trường chiều 8-5, một cán bộ Phòng CS PCCC phân tích: “Chất gây cháy, nổ này hết sức kỳ lạ. Thông thường những vụ hỏa hoạn gây chết người, nếu nạn nhân không bị vướng chướng ngại vật sẽ chạy được ít nhất vài mét.

Vậy nhưng theo giám định của chúng tôi, nạn nhân Nguyễn Văn Huy (người tử vong đầu tiên xác định được danh tính-tg) lại chết cháy ngay trước cửa kho hàng mà không kịp có phản ứng gì. Rất có thể, nạn nhân Huy đã chịu tác động ghê gớm, quá nhanh, bất ngờ, dẫn đến hệ thần kinh không điều khiển được hành vi”. Ngọn lửa còn bùng vào trong kho hàng và thiêu cháy tất cả hàng hóa cùng 4 người trong kho. Có người chạy ra được gần cửa kho phía bên kia nhưng vẫn không kịp thoát vì ngọn lửa quá dữ dội.

Quy trình không chuẩn hay không tuân thủ quy trình?

Nếu không xảy ra sự cố đau lòng chiều 6-5, chắc chắn sẽ không ai biết được những “bí mật” trên toa tàu 232081 và trong các kho hàng (dự kiến trong ngày 6-5, toa tàu này sẽ theo đoàn tàu chạy vào TP Hồ Chí Minh-tg). Nó chứa đủ các mặt hàng “vô hại” như giấy vệ sinh, mì tôm, bánh kẹo, nước giải khát, hạt dưa, hàng điện tử, điện lạnh… đến những mặt hàng thuộc danh mục “cấm” như rượu, súng đồ chơi bằng sắt. Đặc biệt là hàng chục can nhựa loại can 20 lít chứa dung dịch màu trắng, bên ngoài không có nhãn mác, chỉ ghi mã số, ký hiệu có lẽ để chủ hàng nhận ra. Dung dịch này khi dùng lửa đốt thử trên bề mặt có hiện tượng “sôi” rất khác thường. Hiện, cơ quan chức năng đã lấy mẫu để giám định.

Ngày 8-5, Thượng tá Bùi Ngọc An - Phó Thủ trưởng cơ quan CSĐT - CAQ Hoàng Mai đã ký Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 275 “Vi phạm các quy định về PCCC” theo điều 240 - Bộ luật Hình sự để tiếp tục điều tra, làm rõ nguyên nhân và xử lý trách nhiệm với những người có liên quan đến vụ cháy ở kho Giáp Bát.

“Nhiều mặt hàng xuất hiện trên toa tàu 232081 chắc chắn không có trong vận đơn”, một cán bộ CAQ Hoàng Mai khẳng định. Điều này là quá rõ ràng, bởi sự xuất hiện của những khẩu súng đồ chơi, rượu, sách bói toán và can dung dịch không rõ chủng loại. Trước khi xảy ra vụ hỏa hoạn này, nhiều lần lực lượng nghiệp vụ CATP và CAQ Hoàng Mai đã phát hiện, bắt quả tang hàng lậu tại ga Giáp Bát. Sau mỗi vụ việc, trách nhiệm đều bị phía ga Giáp Bát - đơn vị cho thuê kho hàng - “đẩy” cho chủ hàng.

Theo tìm hiểu của PV ANTĐ, khi ký kết hợp đồng cho thuê kho với các đơn vị, cá nhân, lãnh đạo ga Giáp Bát đều yêu cầu “bên B” ký cam kết chỉ thuê chở các mặt hàng hợp pháp, có đủ hóa đơn chứng từ và nhất là chủ hàng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để phát hiện vi phạm. Điều này đồng nghĩa với việc, “quả bóng trách nhiệm” đã được nhà ga “đá” sang “bên B”.

Tuy nhiên quy trình kiểm soát hàng hóa khách gửi của ga Giáp Bát vẫn bộc lộ thiếu sót. Nhiều kiện hàng được nhận mà nhà ga chỉ căn cứ vào kê khai của khách hàng rồi cho lên tàu mà không kiểm tra bên trong. Một sự khó hiểu trong quy trình tiếp nhận hàng tại ga Giáp Bát, là ngoài việc nhận hàng của khách, chuyển vào kho rồi mới chuyển lên toa tàu; thì chiều 8-5, PV ANTĐ trực tiếp chứng kiến rất nhiều ôtô chở hàng đang áp vào toa tàu để chuyển hàng lên mà không cần qua kho. Phía nhà ga sẽ có động thái nào để kiểm soát được “nội dung” các kiện hàng trên toa tàu, nhất là chúng đều đã được xếp ken chặt (?).

Cảnh báo chung

Vụ hỏa hoạn tại ga Giáp Bát đã bộc lộ nhiều nguy cơ về an toàn PCCC tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ kho hàng nói chung. Đơn cử như 4 kho hàng phát cháy, nổ ở ga Giáp Bát thuộc 3 đơn vị quản lý khác nhau. Đây là tình trạng đang diễn ra tại rất nhiều kho, bãi hiện nay trên địa bàn Hà Nội. Các đơn vị có mặt bằng đều “khoán trắng” trách nhiệm cho đơn vị thuê, và thường chẳng mấy quan tâm, quản lý các loại hàng hóa trong kho. Việc bố trí, sắp xếp hàng hóa ở các kho hàng có quy định cụ thể; như các chất dễ cháy, nổ phải để riêng biệt; sắp xếp hàng phải chừa lối đi, lối thoát nạn, đủ khoảng cách an toàn với tường, trần nhà.

Những tiêu chí, quy định này là điều cần “thuộc lòng” với đơn vị cho thuê kho hàng, nhưng như nhận định của đại diện Phòng CS PCCC, không ít cơ sở xem nhẹ. Các kho hàng từng xảy ra cháy cho thấy đều đã rơi vào tình trạng cũ nát từ lâu, kết cấu tường gạch, mái vì kèo sắt, các phương tiện chữa cháy tại chỗ không đảm bảo trong khi lượng hàng hóa trong kho rất lớn. Chính vì vậy, khi xảy cháy, chủ hàng, chủ kho chỉ biết... đứng nhìn.

Còn lực lượng chữa cháy phải rất vất vả tổ chức chữa cháy. Công tác kiểm tra của lực lượng chức năng khi phát hiện tồn tại của kho hàng, “mạnh” lắm cũng chỉ xử phạt hành chính. Đó là đối với loại hình kho cố định. Còn với đặc thù kho trung chuyển như ga Giáp Bát, khi mà hàng hóa thay đổi chủng loại theo ngày, theo tuần, thì việc kiểm soát chấp hành quy trình chắc chắn còn phức tạp hơn nhiều.

Hoàng Quân