Cảnh sát hình sự Công an Hà Nội nhận diện một số thủ đoạn của tội phạm công nghệ cao

ANTD.VN - Nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới của tội phạm công nghệ cao bị lực lượng Cảnh sát hình sự phát hiện, lật tẩy trong quá trình điều tra, đấu tranh.

Thống kê chưa đầy đủ, các tháng đầu năm 2019, trên địa bàn Hà Nội đã có hàng chục người dân mắc “bẫy lừa” của tội phạm công nghệ cao, và bị chiếm đoạt trên 30 tỷ đồng.

Lợi dụng, lôi kéo người nghèo, sinh viên để thực hiện tội phạm

Theo chỉ huy phòng Cảnh sát hình sự, lợi dụng sự thiếu hiểu biết, hám lợi của một số công nhân, người lao động tự do, sinh viên, người dân ở các vùng nông thôn… đối tượng tội phạm người nước ngoài đã thuê người Việt Nam làm đầu mối đứng ra thuê các lao động tự do, công nhân, sinh viên… đến ngân hàng mở tài khoản chính chủ, đăng ký làm thẻ ATM, sim liên kết tài khoản ngân hàng, thiết bị Token (là thiết bị do ngân hàng cung cấp để lấy mã khi chuyển khoản qua Internet banking). 

Một nhóm đối tượng sử dụng công nghệ cao phạm tội, bị Công an Hà Nội xử lý

Sau đó, những tài khoản, thẻ ATM này được thu gom bán lại cho các đối tượng lừa đảo để thu lợi, mà không cần biết các đối tượng sử dụng tài khoản của mình để làm gì. Ngoài ra, các đối tượng sử dụng tiền chiếm đoạt được của bị hại để mua, bán tiền kỹ thuật số (bitcoin) trên các sàn mua, bán tiền kỹ thuật số khác nhau, hoặc lợi dụng các cá nhân cung cấp dịch vụ chuyển, đổi tiền quốc tế không thông qua ngân hàng, thay cho hình thức rút tiền mặt trực tiếp tại cây ATM, chi nhánh ngân hàng như trước đây.

Bên cạnh đó, đối tượng gọi điện thoại trực tiếp cho bị hại giả làm người quen lâu ngày không gặp, sau khi hỏi thăm về tình hình sức khỏe, công việc, cuộc sống, các đối tượng thông báo với người bị hại là có người quen ở công ty xổ số cho số để đánh “lô, đề” chắc chắn sẽ trúng thưởng. Mục đích cuối cùng là đề nghị người bị hại chuyển tiền cho các đối tượng để đánh “lô, đề” hộ, sau đó chiếm đoạt. 

Dẫn chứng cho thủ đoạn này là trường hợp bà Nguyễn, trú tại quận Hoàng Mai. Ngày 7-1-2019, bà Nguyễn trình báo đến Công an Hà Nội về việc bị đối tượng lừa đảo thông qua hình thức gọi điện thoại giả làm người quen cho số “lô, đề”, rồi bị lừa số tiền 660 triệu đồng.

Vẫn “nóng” tội phạm giả danh cán bộ cơ quan pháp luật

Mặc dù công tác tuyên truyền, đấu tranh của lực lượng chức năng hết sức quyết liệt, nhưng thực tế cho thấy, vẫn đang rất “nóng” thủ đoạn của các đối tượng tự xưng là nhân viên bưu điện, bưu cục… gọi điện thoại đến máy điện thoại bàn, di động thông báo cho người bị hại là họ đang nợ tiền cước điện thoại, có bưu phẩm gửi ở các bưu điện lâu ngày không đến nhận, thiếu nợ tiền ngân hàng do người khác lấy CMND đăng ký mở tài khoản ngân hàng… Khi bị hại trả lời là không có những việc trên thì đối tượng hướng dẫn, nối máy cho bị hại nói chuyện với cán bộ Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án để trình báo… 

Tiếp theo, đối tượng tiếp tục thông báo cho bị hại là họ đang liên quan đến các vụ án, chuyên án của cơ quan Công an đang điều tra như buôn bán ma túy, rửa tiền xuyên quốc gia… và đã có lệnh bắt của Tòa án, Viện Kiểm sát, yêu cầu kê khai tài sản, tiền mặt hiện có, tiền trong các tài khoản ngân hàng. 

Tiếp đó, đối tượng yêu cầu người bị hại phải luôn nghe điện thoại, liên tục nói chuyện với nhiều người tự xưng là điều tra viên, cán bộ Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án và không được kể cho người khác việc đang làm với cơ quan pháp luật. 

Để người bị hại tin tưởng, các đối tượng sử dụng các phần mềm, ứng dụng gọi điện thoại qua mạng Internet có thể hiện thị số gọi đến là số điện thoại của cơ quan Công an (chỉ khác đầu số gọi đến) nên khi người bị hại kiểm tra qua tổng đài 1080, qua mạng Internet… thì cũng không phát hiện được. 

Sau đó, các đối tượng vừa dùng những lời lẽ đe dọa về việc người bị hại sẽ bị bắt tạm giam để điều tra, vừa nói sẽ xem xét tạo điều kiện nếu như người bị hại thành khẩn khai báo rồi yêu cầu người bị hại chuyển tiền vào các tài khoản chỉ định để xác minh nguồn tiền, phục vụ điều tra khiến người bị hại sợ bị bắt giam, mất danh dự, uy tín nên phải chuyển tiền theo yêu cầu.

“Với chiêu trò, thủ đoạn này, đối tượng phạm tội mới đây đã chiếm đoạt được khoảng 10 tỷ đồng của 1 người có địa vị trong xã hội. Số tiền có thể nhiều hơn nữa, nếu người bị hại không đi vay thêm 5 tỷ đồng, và được bạn bè hỏi lý do vay tiền, thì mới kịp bừng tỉnh”, đại diện phòng Cảnh sát hình sự cho biết.

Ngoài 2 thủ đoạn phổ biến nêu trên, đang diễn ra tương đối phức tạp hiện tượng đối tượng chiếm đoạt các tài khoản mạng xã hội, chủ yếu là tài khoản facebook, tập trung vào những người Việt Nam đang sinh sống làm việc tại nước ngoài để nhắn tin nhờ bạn bè người quen nhận tiền hộ từ nước ngoài, xin người bị hại số tài khoản, điện thoại… 

Sau đó, gửi các tin nhắn giả mạo thông báo nhận tiền chứa các đường link website giả mạo các dịch vụ nhận tiền từ nước ngoài như: MoneyGram, Wester Union… hoặc trang web của các ngân hàng tại Việt Nam. Các website giả mạo này yêu cầu người bị hại phải nhập các thông tin tài khoản ngân hàng như: ID, mật khẩu tài khoản InternetBanking, tên, số thẻ… 

Sau khi có thông tin InternetBanking, các đối tượng đăng nhập và chuyển tiền trong tài khoản của người bị hại đến các tài khoản của đối tượng. Lúc này, đối tượng yêu cầu người bị hại cung cấp mã OTP ngân hàng cung cấp để nhận tiền nhưng thực chất là để các đối tượng chuyển tiền ra khỏi tài khoản của người bị hại.

Khuyến cáo của cơ quan chức năng

Đấu tranh, phòng chống tội phạm công nghệ cao là “cuộc chiến” chắc chắn không có hồi kết. Giống như các loại tội phạm khác, tội phạm công nghệ cao sẽ luôn rình rập, tìm sơ hở của người dân để chiếm đoạt tiền, tài sản.

Chính vì vậy, mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác, ngoài việc tự trang bị các kiến thức cần thiết để phòng tránh bị các đối tượng lừa đảo thì chia sẻ, tuyên truyền cho người trong gia đình, những người xung quanh để biết phòng chống.

Khi bị các đối tượng giới thiệu là cán bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân, Tòa án… gọi điện thoại đe dọa, cần bình tĩnh, tìm cách thông báo cho người thân, và phải trình báo ngay tới cơ quan Công an gần nhất. Tuyệt đối không cung cấp cho các đối tượng thông tin về tài sản cá nhân, tiền mặt hiện có, tài khoản ngân hàng. Lưu ý, nếu ai đó vi phạm pháp luật bị triệu tập, mời đến trụ sở cơ quan chức năng làm việc thì đều gửi giấy triệu tập, giấy mời thông qua chính quyền địa phương, Cảnh sát khu vực… chứ không có việc điều tra viên, cán bộ Công an tự gọi điện thoại thông báo theo hình thức nêu trên. 

Không công khai các thông tin cá nhân như: ngày sinh, số CMND, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng, hình ảnh của bản thân, con cái, người thân trong gia đình lên các mạng xã hội. Bên cạnh đó, cảnh giác về việc kết bạn với người lạ trên các trang mạng xã hội, đặc biệt là những người mới quen mà đã hứa tặng quà đắt tiền.

Đối với các tin nhắn qua mạng hội xã hội, qua điện thoại của người quen, bạn bè nhờ mua thẻ cào điện thoại, nhờ chuyển tiền hộ, cần gọi điện thoại trực tiếp xác nhận thông tin với người nhờ; đối với các cá nhân có nhu cầu chuyển – nhận tiền từ nước ngoài về thì gửi – nhận thông qua ngân hàng có uy tín, không sử dụng dịch vụ chuyển, đổi tiền quốc tế của cá nhân không hợp pháp; đặc biệt, không mở hộ, cho thuê, bán tài khoản ngân hàng của mình cho người khác.