Cảnh giác tội phạm tháng củ mật

ANTĐ - Tháng cuối năm theo cách gọi dân gian “tháng củ mật” là thời điểm gia tăng các hoạt động phạm tội. Cuối năm dịp áp tết cũng là mùa làm ăn nhộn nhịp của bà con buôn bán kinh doanh, lợi dụng sự sơ hở, mất cảnh giác của người dân bọn tội phạm liên tiếp gây ra các vụ cướp, cướp giật, trộm cắp tài sản gây hoang mang trong dư luận. Các vụ việc, các ổ nhóm phạm tội bị Phòng Cảnh sát Hình sự Công an TP Hà Nội triệt phá trong thời gian gần đây chính là bài học phòng ngừa cảnh giác đối với người dân trong thời gian này.

Tội phạm cướp, cướp giật

Những tháng cuối năm, loại tội phạm thường gia tăng cả về số vụ lẫn tính chất phạm tội là tội phạm cướp giật. Đây là thời điểm loại tội phạm này thường manh động và liều lĩnh hơn, gia tăng cả về tính chất chuyên nghiệp cũng như thủ đoạn. Sau khi gây án chúng thường chạy xe với tốc độ rất cao, có thể gây nguy hiểm cho cả người đi đường lẫn lực lượng truy đuổi. Một trong những biện pháp đấu tranh được đánh giá là hiệu quả của cơ quan điều tra là thông qua công tác nghiệp vụ, tiến hành rà soát, truy xét và bắt các ổ nhóm, đối tượng cướp giật. Mới đây nhất, ngày 16-1 Đội phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm cướp, cướp giật tài sản, Phòng cánh sát hình sự Công an TP Hà Nội, vừa truy bắt được 2 đối tượng chuyên gây ra các vụ cướp giật trên đường là Mai Thế Khải (SN 1991) và Nguyễn Xuân Tiên (SN 1991) đều trú tại Nga Sơn - Thanh Hóa. Thủ đoạn của nhóm này là thường bám theo con mồi rồi chờ đợi sơ hở hoặc qua những đoạn đường vắng người để ra tay hành động. Chúng khai nhận đã gây ra nhiều vụ cướp giật tài sản với giá trị lớn.
Một trinh sát Đội Chống cướp, cướp giật tài sản - Phòng Cảnh sát hình sự cho biết, trong thời điểm cuối năm các đối tượng phạm tội thường nhằm vào sự sơ hở của người đi đường đặc biệt chúng thường tập trung ở những con phố bán buôn hàng hóa, như phố Hàng Ngang, Hàng Đào, chợ Đồng Xuân… đuổi theo những người có dáng vẻ đi lấy hàng buôn bán vì vào thời điểm áp Tết những người ở tỉnh ngoài hoặc các vùng lân cận về Hà Nội lấy hàng rất đông. Ngoài ra, tại các ngân hàng, hay những địa điểm rút tiền hay thu đổi ngoại tệ cũng là những nơi mà tội phạm cướp giật thường hay phục kích, đeo bám chờ cơ hội gây án. Không chỉ dừng lại ở những thủ đoạn trộm cắp, lừa đảo một cách táo tợn, các loại tội phạm cướp tài sản và trộm cắp, móc túi ở khu vực công cộng cũng diến biến khó lường. Ngày 26-12-2012, CATP Hà Nội đã làm rõ và ra lệnh bắt và khám xét khẩn cấp đối với ổ nhóm 4 đối tượng đều có HKTT tại TP Bắc Ninh - Bắc Ninh. Các đối tượng này thường sử dụng dao nhọn để làm hung khí đi cướp tài sản. Chúng đã gây ra nhiều vụ việc cướp tài sản nghiêm trọng trên địa bàn huyện Gia Lâm và TP Bắc Ninh (Bắc Ninh) trong đó có vụ việc giết người cướp tài sản của lái xe taxi ngày 25-12-2012. 

Đột nhập để trộm, cướp tài sản

Trong những dịp cuối năm các đối tượng tội phạm vẫn sử dụng các thủ đoạn cũ như cậy phá khóa cửa ra vào, phá chấn song, nan hoa cửa sổ, leo ban công hoặc đột nhập từ tum. Ngoài ra, chúng còn sử dụng kìm cộng lực, đèn khò, mỏ lết bẻ gẫy tai khóa cửa sắt (loại cửa xếp) hoặc dùng xà beng cậy phá cửa cuốn khung nhôm, cửa gỗ để vào nhà lấy cắp tài sản. Thủ đoạn cũ, bài học cũ, nhưng người dân cũng cần hết sức cảnh giác đề phòng. Đặc biệt là đối với những hộ kinh doanh, buôn bán cần phải sử dụng các biện pháp bảo vệ, phòng ngừa để giữ gìn tài sản của mình. Loại trộm “chuyên nghiệp” này trước khi gây án đều đã dành thời gian tìm hiểu rất kỹ các quy luật sinh hoạt của gia chủ, bỏ thời gian để khảo sát, tìm ra điểm dễ đột nhập nhất. 

Các khu dân cư có nhiều hộ dân thường xuyên vắng nhà cả ngày là một trong những mục tiêu mà bọn trộm nhắm tới bởi chúng có nhiều thời gian để thực hiện hành vi phá cửa, lục soát tài sản. Không chỉ đột nhập nhà có người ở, kẻ gian còn nhằm vào các công trình xây dựng đang trong giai đoạn hoàn thiện, lợi dụng sơ hở của người trông coi để trộm cắp các thiết bị nội thất đắt tiền.

Bên cạnh đó, các cơ quan công sở, trường học cũng là đối tượng được bọn đạo chích nhắm tới vào dịp cuối năm. Các cơ quan công sở cuối năm thường nhiều việc, người ra người vào giải quyết công việc đông. Bọn tội phạm thường trà trộn thành những vị khách “cà vạt, cổ cồn” ra vào các cơ quan công sở và khoắng sạch tài sản, điện thoại, túi xách của cán bộ, công chức. 

Cảnh giác với tội phạm từ tỉnh ngoài

Cuối năm cũng thường là thời điểm các đối tượng phạm tội từ tỉnh ngoài gia tăng hoạt động trên địa bàn Hà Nội. Đội Phòng chống tội phạm xâm phạm sở hữu - Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội vừa triệt phá một ổ nhóm chuyên trộm cắp xe máy từng gây hoang mang trong dư luận với vụ trộm 10 chiếc xe máy trong 1 đêm xảy ra trong ngày 11-1 tại hầm để xe tòa nhà Chung cư số 184 Hoàng Quốc Việt - Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội. Tất cả các đối tượng đều từ Vĩnh Phúc, Phú Thọ về Hà Nội thuê trọ tại khu vực Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội để hoạt động trộm cắp xe máy trên địa bàn Hà Nội. Khoảng 01h 30’ ngày 11-01-2013, chúng đã cắt khóa cửa ra vào, cửa tầng hầm của tòa nhà chung cư 184 Hoàng Quốc Việt, Từ Liêm, Hà Nội lấy trộm được 5 xe máy để tại hầm để xe rồi mang đi cất giấu.

Thấy việc lấy trộm xe máy dễ dàng, chúng tiếp tục quay lại lấy trộm thêm 5 chiếc xe máy khác. Ngay trong ngày hôm đó, các đối tượng đã làm giả giấy đăng ký đồng thời thuê thợ lắp biển kiểm soát giả vào xe để mang đi tiêu thụ. Qua đấu tranh khai thác mở rộng, các đối tượng này khai nhận ngoài vụ trộm cắp 10 xe máy trên, chúng còn cùng đồng bọn  gây ra 5 vụ  khácvới số lượng lớn xe máy bị ăn cắp. Theo các trinh sát, nhức nhối không kém các vụ cướp giật ở nội thành dịp cuối năm là tội phạm gây án ở các đường quốc lộ, liên huyện, đường cao tốc. Các đối tượng gây án thường là tội phạm cướp giật từ các tỉnh ngoài như: Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Vĩnh Phúc… đến gây án xong lại rút về quê. Do vậy người dân, đặc biệt là những người kinh doanh, buôn bán tại các chợ đầu mối cửa ngõ hoạt động ở thời điểm nửa đêm về sáng cần hết sức cảnh giác.

Nâng cao ý thức tự phòng ngừa

Theo Thiếu tá Mai Văn Thuần, Đội phó Đội Phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm xâm phạm sở hữu, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội, để đảm bảo an toàn tài sản trong những ngày cuối năm này, hiệu quả nhất vẫn là ý thức tự phòng ngừa của người dân và các cơ quan đơn vị. Đối với các hộ dân cư, trước khi đi ngủ phải kiểm tra đóng các cửa chính, cửa sổ, cửa thông gió, ngoài ra cần phải gia cố, sửa chữa kịp thời các chỗ bị hư hỏng mà bọn trộm có thể cạy phá đột nhập, các lỗ thông gió cần có thanh sắt chắn ngang… Chìa khóa nhà phải được để ở nơi an toàn, gần chỗ ngủ. Tại các khu dân cư, cần đẩy mạnh phong trào tự quản trong nhân dân để giúp nhau trong việc bảo vệ tài sản, nhất là đối với các gia đình khi đi làm không có người ở nhà. Đối với các cơ quan, doanh nghiệp, cần củng cố lại công tác bảo vệ, nhất là vào chập tối, ban đêm. Tại những nơi có tài sản lớn như nhà kho, phòng quỹ, nhà để xe, phòng làm việc có nhiều tài sản, máy móc quan trọng cần phải có những biện pháp phòng ngừa tốt. Ngoài ra, cần phải tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát cả ban ngày và ban đêm cũng là một biên pháp hữu hiệu để phòng ngừa, ngăn chặn các vụ trộm cắp tài sản.