Cảnh báo tình trạng lưu hành "xe gian"

ANTĐ - Liên tiếp trong thời gian qua, các tổ công tác 141 - CATP Hà Nội phát hiện nhiều “xe gian”, xe có nguồn gốc phi pháp lưu thông trên các tuyến đường. Đây cũng chính là lời cảnh báo đối với người dân, không nên ham rẻ mua xe không rõ nguồn gốc, không có giấy tờ… để tránh gặp phải hoàn cảnh “tiền mất tật mang”. 

Ham rẻ, mua phải xe “gian”

Khoảng 15h ngày 12-9, tổ công tác Y13/141 –CATP Hà Nội làm nhiệm vụ tại nút giao thông Hồ Tùng Mậu – Lê Đức Thọ thì phát hiện một thanh niên điều khiển xe máy Airblade màu đỏ pha đen mang BKS: 29T1 – 068.86, số khung: 339789, số máy: 0386004. Sau khi yêu cầu dừng xe để kiểm tra hành chính, người này xuất trình đủ các loại giấy tờ, tuy nhiên đăng ký xe có nhiều nghi vấn là giả.

Qua tra cứu nóng tại Phòng CSGT đường bộ - đường sắt CATP Hà Nội, lực lượng chức năng xác minh số khung, số máy của chiếc xe này ra BKS: 29D1 – 14001, với tên chủ xe là anh Lê Đức Thuận, trú tại 37 ngõ 164, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Hà Nội, chứ không phải BKS theo xe 29T1 – 06886.

Số khung, số máy của chiếc xe máy AirBlade của anh Lê Đức Thuận không khớp với BKS

Ngay sau đó, tổ công tác phối hợp với CAP Mai Dịch đưa phương tiện và người vi phạm về trụ sở để làm việc. Tại cơ quan công an, người vi phạm cho biết tên là Đinh Hoàng Anh, SN 1980, trú ở Phú Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Anh Hoàng Anh cho biết mới mua lại chiếc xe này, Vì ham rẻ, lại thấy có đủ giấy tờ đăng ký xe nên anh mua lại.

Đăng ký xe nghi là giả

Một trường hợp tương tự là anh Trần Quốc Hải (41 tuổi), ở phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, Hà Nội. Vào chiều 20-3, tổ công tác Y8 làm nhiệm vụ tại nút giao thông Phạm Hùng, phát hiện anh Hải đi xe máy hiệu Honda SH BKS: 30N8-3663 lưu thông theo hướng về bến xe Mỹ Đình, không đội mũ bảo hiểm đã ra hiệu lệnh dừng xe kiểm tra. Qua kiểm tra đăng ký xe, CSGT xác định số khung, số máy trên giấy đăng ký phương tiện không trùng khớp với số của xe.

Đáng chú ý, thông qua dữ liệu đăng ký xe, CSGT còn làm rõ BKS: 30N8-3663 được cấp cho một chiếc xe máy hiệu Honda Wave. Còn số khung, số máy thực tế của chiếc xe SH có BKS: 30M2-5174, thuộc quyền sở hữu của Công ty CP thương mại XNK Đức Huy.

Đến 17h cùng ngày, anh Nguyễn Văn Thiệu, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội, chủ nhân của chiếc xe SH đã có mặt tại chốt “141” để xác nhận phương tiện. Theo anh Thiệu, chiếc xe của anh bị mất vào tháng 12-2010 trên đường Hàm Long, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ngay sau đó, tổ công tác đã lập biên bản, bàn giao vụ việc đến CAP Trung Hòa để xử lý theo pháp luật. Về phần Trần Quốc Hải, anh này tường trình mua chiếc xe trên của một người không quen biết từ năm 2011.

Nâng cao cảnh giác

Đây chỉ là hai trong số rất nhiều trường hợp người dân mua phải những chiếc xe không rõ nguồn gốc, thậm chí là xe có nguồn gốc phi pháp bị lực lượng CSGT Hà Nội phát hiện. Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2015, qua công tác tuần tra, kiểm soát, lực lượng 141 đã phát hiện gần 70 vụ xe “gian”, lưu hành với nhiều hình thức, thủ đoạn.

Theo cơ quan công an, thời gian gần đây, đang hình thành các đường dây trộm cắp xe máy đắt tiền, các đối tượng thường trộm cắp sau đó làm giả giấy tờ, biển kiểm soát, đục lại số khung, số máy để hợp pháp hóa các phương tiện.

Đại úy Nguyễn Thanh Tùng – Tổ trưởng Y4/141 cho biết, thực tế này bắt nguồn từ việc người dân ham mua xe giá rẻ, đồng thời khi mua bán thường tự thỏa thuận, không tiến hành các thủ tục sang tên đổi chủ. Nếu người dân làm các thủ tục sang tên đổi chủ khi mua xe, CSGT sẽ đối chiếu được nguồn gốc chiếc xe.

Nhiều chiếc xe không rõ nguồn gốc được CSGT Hà Nội phát hiện

Trong khi đó, việc tiêu thụ xe “gian” có khá nhiều hình thức, như xe trộm cắp được bán cho các đầu nậu lấy phụ tùng rồi mang đi bán. Tinh vi hơn, chúng dùng thủ đoạn lấy đăng ký xe mô tô thật đưa vào máy quét ảnh để lấy bản mẫu. Sau đó dùng phần mềm xử lý ảnh chèn nội dung, sao chép hình dấu và chữ ký của nơi cấp đăng ký xe mô tô, dùng máy in màu hoặc in ảnh để in đăng ký xe mô tô giả trên chất liệu giấy bìa cứng hoặc giấy in ảnh rồi ép plastic hoặc ép dẻo để tránh bị phát hiện dấu nổi. Đặc biệt, có loại được làm bằng cách tẩy xóa và chỉnh sửa nội dung ngay trên phôi thật. Những giấy tờ giả này “thật” đến mức ngay cả những người có kinh nghiệm cũng bị mắc lừa, khó phân biệt được bằng mắt thường hay bằng kính lúp.

Theo lực lượng chức năng, khi mua xe máy cũ, người tiêu dùng cần cảnh giác với những thủ đoạn của các đối tượng tiêu thụ xe gian như rao bán xe đẹp giá rẻ hơn giá thị trường. Đặc biệt, cần kiểm tra thật kỹ nguồn gốc khi mua xe, tuyệt đối không mua xe rao bán trên mạng, vì rất nhiều đối tượng tiêu thụ xe “gian” sử dụng “kênh” này để tiêu thụ tài sản phi pháp.