Cảnh báo tình trạng giới trẻ liều lĩnh tàng trữ, sử dụng cần sa

ANTD.VN - Trong thời gian qua, các tổ tuần tra Cảnh sát Cơ động (Trung đoàn CSCĐ, CATP Hà Nội) và tổ công tác đặc biệt 141 (CATP Hà Nội) liên tiếp phát hiện các trường hợp thanh niên tàng trữ, sử dụng cần sa. Mặc dù đã được cảnh báo nhiều về tác hại của các loại ma túy, song những đối tượng trẻ tuổi vi phạm vẫn tỏ ra chủ quan, liều lĩnh.

Đêm 20-2-2020, tổ công tác Cảnh sát Cơ động (Đại đội 3, Tiểu đoàn Cảnh sát Đặc nhiệm, Trung đoàn CSCĐ, CATP Hà Nội) do Thượng úy Chử Đức Tùng làm tổ trưởng, thực hiện tuần tra trên địa bàn quận Ba Đình theo kế hoạch.

Tới 21h20, tổ công tác phát hiện một nam thanh niên đi xe máy có biểu hiện nghi vấn, nên tiến hành bám theo và dừng xe để kiểm tra trên phố Đội Cấn. Trong quá trình kiểm tra, cảnh sát phát hiện một gói nilon có kích thước 3x6 cm trong túi xách của đối tượng, bên trong là thảo mộc khô, nghi là ma túy.

Gói cần sa của đối tượng Đinh A bị tổ CSCĐ phát hiện

Đấu tranh tại chỗ, nam thanh niên trên thừa nhận chất bên trong nilon là cần sa, do anh ta vừa mua về để sử dụng. Danh tính của người này được làm rõ Đinh A (SN 1996, trú tại phường Bưởi, quận Tây Hồ).

Đối tượng A cho hay, anh ta mua cần sa về và thường hút bằng ống điếu thuốc lào (điếu cày) ở các quán cafe, trà chanh - nơi tập trung nhiều người trẻ tuổi.

Đại diện tổ CSCĐ cho biết: "Khai thác tại chỗ, nam thanh niên thừa nhận rằng, bản thân anh ta ý thức hành vi tàng trữ, sử dụng cần sa là vi phạm pháp luật. Nhưng đối tượng vẫn làm, vì một bộ phận giới trẻ lệch lạc cho rằng, việc hút cần sa trong quán là 'sành điệu'. Điều này rất nguy hiểm".

Các đối tượng mua bán, tàng trữ cần sa bị Cảnh sát 141 phát hiện, xử lý

Trước đó, các tổ công tác đặc biệt 141 của CATP Hà Nội cũng nhiều lần phát hiện những đối tượng trẻ tuổi tàng trữ trái phép cần sa. Chẳng hạn, vào đêm 19-2-2020, tổ công tác Y24/141 phát hiện nam thanh niên sinh năm 1992 mang theo hộp cần sa lớn, để trữ dùng dần. Hay vào chiều 18-1, tổ Y12/141 liên tiếp phát hiện 2 trường hợp thanh niên mua bán, tàng trữ cần sa.

Khi bị phát hiện, các đối tượng vi phạm thường đưa ra những lý lẽ khó chấp nhận, như dùng cần sa để "dễ ăn dễ ngủ", "nước ngoài không cấm" (?!). Trên thực tế, loại chất ma túy này bị cấm ở hầu hết các nơi trên thế giới, vì sự nguy hại của nó tác động lên sức khỏe thần kinh và thể chất của đối tượng sử dụng.