Cảnh báo thủ đoạn trộm cắp nơi công sở

ANTD.VN - Đối tượng trộm cắp nơi công sở thường trà trộn vào khu vực tiếp dân, giả làm người dân đến cơ quan rồi tiếp cận các phòng làm việc của lãnh đạo, cán bộ cơ quan công sở để trộm cắp tài sản...  

Trộm “ghé thăm” phòng làm việc

Chiều 3-4, UBND huyện Thường Tín lại xảy ra vụ trộm đột nhập trộm cắp tài sản. Đây là lần thứ 2 trong ít tháng qua xảy ra trộm cắp tại trụ sở UBND huyện Thường Tín. Đối tượng gây án đã trà trộn vào người dân đến trụ sở UBND huyện làm việc rồi thực hiện hành vi trộm cắp tài sản.

Theo tài liệu điều tra, khoảng 13h30 ngày 3-4, Nguyễn Thanh Tuân, 40 tuổi, trú ở thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum, đi từ nhà người quen ở Thái Bình lên Hà Nội. Đến khoảng 15h cùng ngày, Tuân đến địa bàn huyện Thường Tín. Được biết trên địa bàn huyện Thường Tín có nhiều trang trại trồng cây nấm nên Tuân tìm đến UBND huyện để học hỏi kinh nghiệm.

Khi đến cổng UBND huyện Thường Tín, Tuân xin bảo vệ cho vào phòng Thống kê. Trên đường đi đến phòng Thống kê, qua phòng Lao động, Thương binh và Xã hội thấy cửa phòng mở nhưng không có ai.

Đối tượng Nguyễn Thanh Tuân

Qua cửa kính, thấy bên trong phòng làm việc này có một chiếc túi xách màu nâu để trên mặt bàn. Đoán sẽ có tài sản, Tuân nảy sinh ý định trộm cắp, nên lẻn vào lấy trộm 23.800.000 đồng được bọc trong túi nilon bên trong túi xách rồi bỏ trốn.

Phát hiện có kẻ gian đột nhập trộm tiền, cán bộ UBND huyện đã trình báo cơ quan công an. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, CAH Thường Tín đã xác minh, làm rõ đối tượng trộm cắp là Nguyễn Thanh Tuân và vận động được đối tượng ra đầu thú.

Trước đó, vào ngày 7-6-2017, 6 phòng làm việc của trụ sở Huyện uỷ, UBND huyện Thường Tín cũng bị kẻ gian đột nhập, đục phá két. 6 phòng này gồm có phòng làm việc của lãnh đạo huyện, kế toán, thanh tra kinh tế - kế hoạch. Kẻ gian đã cạy cửa, đột nhập rồi phá két. Tuy nhiên do vướng tài liệu, sổ sách nên không lấy được tiền.

Cần coi công sở như ngôi nhà thứ hai của mình

Theo Thượng tá Nguyễn Văn Phiên - Phó trưởng Công an huyện Thường Tín, đích nhắm đến của loại tội phạm này thường là các phòng làm việc cửa không kiên cố, cửa kính không có song, không có camera, còi, hoặc đèn báo động chống trộm và nằm tách biệt với phòng bảo vệ… Các đối tượng thường nhắm đến những cơ quan, công sở có sự sơ hở trong công tác bảo vệ. Tài sản bọn chúng lấy trộm thường là tiền và các vật dụng có giá trị nhỏ gọn, dễ tiêu thụ. Chính vì thế, không chỉ đến các trường học, cơ quan, công sở mà mục tiêu các đối tượng đến là các phòng làm việc lưu giữ tài sản có giá trị lớn như phòng máy tính, phòng kế toán, thủ quỹ, thậm chí là cả các phòng ban của lãnh đạo các sở, ngành trên địa bàn.

Đánh giá dưới góc độ điều tra về nguyên nhân các đối tượng nhằm vào cơ quan công sở để trộm cắp, Thượng tá Nguyễn Văn Phiên nhận định, qua quá trình điều tra, cơ quan công an phát hiện nhiều nguyên nhân “tiếp tay” cho loại tội phạm này. Trong đó, ý thức chủ quan, thiếu tinh thần trách nhiệm của một số cán bộ, nhân viên các cơ quan, trường học khi quên đóng cửa ra vào, cửa ra ban công, cửa lưu thông tầng… đã tạo điều kiện cho tội phạm hoạt động.

Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân khác như: việc thuê bảo vệ là người đã hết tuổi lao động, hoặc không có kinh phí nên tận dụng lao động tại chỗ thay phiên nhau làm công tác bảo vệ. Do không có kinh nghiệm, “lực lượng bán chuyên” này không thể làm tròn trách nhiệm và để tội phạm lợi dụng hoạt động.

Mặt khác, sau khi xảy ra trộm, phía bị hại không kịp thời trình báo, phối hợp với cơ quan công an điều tra, truy tìm thủ phạm; khai báo không đúng giá trị tài sản bị mất cắp, gây khó khăn cho cơ quan công an.

Nhiều nguyên nhân khác cũng dẫn đến tình trạng trộm “ghé thăm” công sở đó là xuất phát từ ý thức chủ quan, thiếu tinh thần trách nhiệm của một số cán bộ, nhân viên các cơ quan, trường học, chưa coi trụ sở cơ quan là ngôi nhà chung của mình và cần phải bảo vệ nó khỏi sự xâm phạm của tội phạm.

“Trước khi ra về, cán bộ nhân viên một số nơi rất thiếu ý thức cảnh giác, không đóng cửa sổ, cửa ra vào, đặc biệt là những cửa thông tầng, cửa ra ban công các tầng… Đây là một trong những điều kiện thuận lợi, để tội phạm dễ dàng đột nhập các cơ quan, công sở thực hiện hành vi phạm tội” - Thượng tá Nguyễn Văn Phiên chia sẻ và cho rằng, chỉ có nâng cao ý thức trách nhiệm của từng cá nhân, mới đấu tranh và phòng ngừa hiệu quả đối với hoạt động của tội phạm trộm đột nhập công sở.

Để phòng chống tội phạm đột nhập công sở, cơ quan, cơ quan công an khuyến cáo: lực lượng bảo vệ cần tăng cường tuần tra vào ban đêm, đặc biệt là những ngày nghỉ cuối tuần, lễ, tết; tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ tài sản công, thiết kế phòng làm việc chắc chắn; không nên để các tài sản có giá trị lớn tại công sở khi không an toàn; các nhà xe cần thiết kế gần phòng bảo vệ; trên xe ô tô không nên để tài sản, khi khóa xe cần kiểm tra cẩn thận…