Cảnh báo gia tăng sản xuất, mua bán vũ khí qua mạng

ANTD.VN - Không phải giao dịch hàng - tiền như nhiều năm về trước, giờ đây trên mạng xã hội tràn lan các trang cá nhân hoặc những nhóm kín chào bán vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và thanh toán thông qua chuyển khoản ngân hàng nhằm trốn tránh sự phát hiện, truy lùng của cơ quan công an.

Nhiều chuyên án lớn đã được công an các tỉnh, thành phố xác lập điều tra làm rõ và tóm gọn cả đường dây mua bán vũ khí qua mạng, nhưng trên thực tế, tình trạng sản xuất, buôn bán vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ...

Gần 100.000 lượt tương tác...

Con số này được ghi nhận trong thời gian rất ngắn, chỉ tính từ ngày 1-7 đến 26-8-2017 cho thấy việc mua bán vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (VK - VLN - CCHT) đã trở thành sự “quan tâm” của một bộ phận người dân, trong đó chủ yếu là giới trẻ.

Theo thông tin từ Tổng cục Cảnh sát (TCCS) Bộ Công an, trong năm 2017, nổi lên tình trạng sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép VK-VLN-CCHT. Đáng chú ý, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 338 vụ sử dụng VK - VLN - CCHT để gây án, trả thù cá nhân, tranh giành địa bàn hoạt động của các băng ổ nhóm tội phạm làm 42 người tử vong, 241 người bị thương. Cơ quan công an đã bắt giữ 347 đối tượng có liên quan.

Có cầu ắt có cung, hoạt động chế tạo, sản xuất VK cũng vì thế mà gia tăng. Qua trinh sát, xác lập chuyên án, cơ quan công đã phát hiện bắt giữ 14 vụ với 28 đối tượng, thu 65 khẩu súng các loại, gần 3.000 viên đạn (tăng 120%) so với cùng kỳ năm 2016.

"Ông trùm" Nguyễn Hồng Phúc

Trong số này phải kể đến vụ đối tượng Nguyễn Hồng Phúc (SN 1984) trú tại tỉnh Vĩnh Long, núp dưới vỏ bọc một chủ trang trại nông nghiệp tổ chức sản xuất, buôn bán VK với đường dây mở rộng trên nhiều tỉnh thành. Sau nhiều tháng từ nguồn tin trinh sát, CATP. HCM đã xác lập chuyên án và ngay khi Nguyễn Hồng Phúc mang “hàng” đi giao, lực lượng công an đã áp sát và bắt giữ đối tượng trên một chiếc xe khách. Tại thời điểm bị phát hiện, trong túi xách của Phúc có 1 quả lựu đạn M67 (USA), 1 súng ZP5, 3 súng Ru lô, 1 súng tự chế bắn đạn thể thao, 1 ống giảm thanh và 70 viên viên đạn thể thao.

Đường dây mua bán, sử dụng, chế tạo VK do Nguyễn Hồng Phúc cầm đầu trải dài trên nhiều tỉnh, thành như TP. HCM, Lâm Đồng, Bình Phước, Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Tháp…

Số lượng và chủng loại cũng rất đa dạng như súng quân dụng, súng tự chế, lựu đạn, thuốc nổ, dây cháy chậm, bình xịt hơi cay… Phúc đã chọn một khu rừng trên địa bàn tỉnh Bình Phước làm trung tâm chế tạo, thử nghiệm các loại vũ khí trước khi bán ra thị trường. Phúc được xem là nhóm “cấp trên”, dưới là hàng loạt các “chân rết” phủ dài trên nhiều tỉnh, thành.

Khám xét “trang trại” của Phúc và nhà một số đối tượng liên quan, Cơ quan công an phát hiện và tạm giữ một số lượng tang vật súng đạn “khủng” gồm 26 khẩu súng các loại như súng AR15, súng bắn đạn hoa cải, súng bút, súng Ru lô ZP5; 2 quả lựu đạn; 1 quả mìn tự chế; 176 viên đạn các loại; 2 kíp nổ, 1 ống giảm thanh, thuốc nổ, dây cháy chậm và nhiều dụng cụ để chế tạo súng đạn… Phúc thừa nhận bán súng cho các đối tượng có nhu cầu với giá từ 12-30 triệu đồng/khẩu; thậm chí còn cho thuê súng để giải quyết ân oán giang hồ.

Một số súng, vũ khí thu tại nhà Nguyễn Hồng Phúc và các đối tượng liên quan

Đánh giá đúng thực trạng để phòng ngừa

Gần đây, tình trạng mua bán, vận chuyển trái phép VK - VLN - CCHT thông qua Internet, các trang mạng xã hội, dịch vụ bưu chính và xe khách liên tỉnh diễn biến phức tạp. Như đã nói ở trên, chỉ tính riêng trong gần 2 tháng (từ 1-7 đến 26-8), trên mạng Internet đã ghi nhận gần 100.000 lượt tương tác bao gồm bài đăng, bình luận, chia sẻ, lượt thích liên quan tới mua bán VK - CCHT; hơn 4.000 lượt tương tác liên quan đến rao bán VLN.

Từ đầu năm 2016 đến nay, Công an các đơn vị, địa phương đã phát hiện, thu giữ gần 3.000 bưu kiện gửi trong nước và quốc tế có chứa gần 4.400 loại VK - CCHT và linh kiện, vật liệu để chế tạo VK - CCHT. Hình thức chủ yếu là các đối tượng chia VK, CCHT thành nhiều bộ phận và gửi nhiều lần qua đường bưu điện, chuyển phát nhanh và xe khách liên tỉnh theo từng kiện hàng khác nhau, không giao dịch trực tiếp, chỉ liên lạc mua bán qua mạng xã hội, thanh toán tiền qua hệ thống ngân hàng hoặc dịch vụ thu hộ của các công ty chuyển phát, không ghi địa chỉ người gửi, người nhận mà chỉ ghi tên và số điện thoại.

Vũ khí và phương tiện chế tạo vũ khí của Phúc

Để ngăn chặn sự phát triển của “thị trường” vũ khí khiến người dân bất an lo lắng như hiện nay, lãnh đạo TCCS Bộ Công an đã tham mưu với lãnh đạo Bộ Công an ban hành Kế hoạch 287 (ngày 6-10-2017), tổng kiểm tra, vận động nhân dân thu hồi và phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi, vi phạm về VK - VLN - CCHT. Đồng thời tổ chức hội thảo với các đơn vị chức năng thuộc các Bộ và Công an các địa phương trọng điểm để đánh giá thực trạng, giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi chế tạo, sản xuất, mua bán, vận chuyển, sử dụng trái phép VK - VLN - CCHT qua mạng Internet, dịch vụ bưu chính và dịch vụ vận chuyển hàng hóa.

Nghiêm túc thực hiện Kế hoạch 287, tại CATP Hà Nội, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc CATP đã yêu cầu, các đơn vị nghiệp vụ tập trung điều tra cơ bản, rà soát các địa bàn, đối tượng trọng điểm; lên danh sách các hộ kinh doanh, đối tượng nghi vấn hoạt động phạm tội về VK, VLN, CCHT. Mặt khác, tổ chức trinh sát, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm về VK - VLN - CCHT các loại; phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân các cấp chủ động xác định các vụ án điểm, chỉ đạo hoàn thiện sớm hồ sơ truy tố, đưa ra xét xử lưu động trước Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 để răn đe, giáo dục chung. Mặt khác, CATP Hà Nội phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô tổ chức tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy VK - VLN - CCHT các loại, đảm bảo đúng quy định và tuyệt đối an toàn.